Chuyện đời của người phụ nữ cưới vợ lẽ cho chồng

Số phận éo le đã khiến người đàn bà ấy phải tự tay mang trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng, rồi lại một mình nuôi 5 đứa con khôn lớn.

Số phận éo le đã khiến người đàn bà ấy phải tự tay mang trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng, rồi lại một mình nuôi 5 đứa con khôn lớn. Các con gọi bà là "bà mẹ vĩ đại", nhưng có lẽ, để đạt được sự "vĩ đại" ấy, bà đã phải trải qua rất nhiều cay đắng, xót xa. Chuyện về gia đình bà đã được tái hiện lại trong một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng sau này - bộ phim "Chuyện của Pao".

Những nhân vật dưới đây chính là nguyên mẫu có thật ở ngoài đời của bộ phim “Chuyện của Pao” (sản xuất năm 2006). Bà Mua Thị May trong phim là mẹ Già, cô bé Thương là Pao, bà Hoa chính là mẹ Sim. Câu chuyện của họ không khác nhiều so với nội dung đã được tái hiện lại trong phim.

Nỗi đau đớn tột cùng của người vợ vô sinh

Vào những năm 1960, đối với hầu hết những người phụ nữ ở miền rẻo cao, chuyện không thể sinh con là nỗi bất hạnh lớn nhất cuộc đời họ. Quan niệm xưa kia của người Mông cho rằng, đàn ông vốn sinh ra là để lo những việc lớn, đàn bà chỉ cần biết duy trì nòi giống và chăm chút cho gia đình là đủ.

Chuyện đời của người phụ nữ cưới vợ lẽ cho chồng - 1

Bà Mua Thị May ở thời điểm hiện tại.

Cũng bởi thế mà bà Mua Thị May, trú tại tổ 3, phường Quang Trung (TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang) từng bị dân làng đàm tiếu, chế giễu vì chuyện không thể sinh con. Bà bảo, suốt thời gian đó, bà đã rất khổ tâm khi phải một mình đối mặt với miệng lưỡi thế gian đầy cay đắng.

Chuyện tình của bà May và ông Giàng Minh Chú bắt đầu từ cuộc gặp gỡ bất ngờ trong chuyến đi công tác lên xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) của ông Chú. Bà May vẫn còn ngượng nghịu khi nghĩ tới phút giây được ông Chú tỏ tình, họ lấy những mỏm đá cao ngút và đồi ngô làm nơi hò hẹn.

Những điệu khèn hút hồn của chàng trai người Mông làm cán bộ lên vùng cao công tác đã khiến thiếu nữ miền cao nguyên đá mê mẩn. Họ nên duyên vào năm 1969 trong sự chúc phúc của anh em họ hàng. Đôi vợ chồng trẻ đã có những giây phút vô cùng hạnh phúc, tưởng chừng như sẽ chẳng cơn bão nào có thể quật ngã được hai hòn đá tai mèo vốn dĩ đang bao bọc nhau tồn tại.

Sau này, khi ông Chú hoàn thành chuyến công tác ở Phố Cáo, ông mới đưa vợ về nhà ở xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên) sinh sống. Tại đây, hai vợ chồng ngày ngày mong mỏi sinh một đứa con nhưng phép màu mãi không xuất hiện.

Mỗi ngày trôi qua, bà May đều phải sống trong nỗi buồn tủi, bà khóc nhiều về số phận của mình. Trong tiềm thức của một người phụ nữ Mông, bà May đã nghĩ đến việc mở lòng mình và tìm người thứ hai cho chồng rồi cùng họ sống suốt quãng đời còn lại. Điều đó không chỉ giúp giải thoát hoàn cảnh u uất của bà lúc đó, mà còn có ý nghĩa duy trì nòi giống cho dòng họ Giàng. Ban đầu, do thương vợ, ông Chú hoàn toàn không đồng ý với quyết định của bà.

Tự mình mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng

Rồi đến một ngày, bà bất ngờ thấy chồng dẫn người đàn bà lạ với cái bụng to về nhà. Chuyện này khiến người phụ nữ này vừa hốt hoảng, vừa buồn bã.

Phản xạ của người phụ nữ yêu chồng đã khiến bà May nổi nóng: “Thực sự lúc đó tôi còn tưởng ông ấy giấu tôi có người khác ở bên ngoài, tôi đã gắt lên mắng ông ấy. Dù sao đi chăng nữa tôi cũng là một người phụ nữ rất đỗi bình thường, để có thể chấp nhận một người đàn bà khác đến với chồng mình, cần phải có thời gian”.

Chuyện đời của người phụ nữ cưới vợ lẽ cho chồng - 2

Ngôi nhà bà May đang sống cùng cô con út.

Sau khi bình tĩnh nghe ông Chú giới thiệu về tên tuổi cũng như cuộc đời của người đàn bà lạ nọ, bà May mới ngậm ngùi, thương cảm. Mất một thời gian suy nghĩ rất lâu, bà nói với ông Chú: “Hãy để bà ấy về ở cùng”. Người đàn bà kia tên đầy đủ là Trương Thị Hoa, quê gốc vốn ở tỉnh Hải Dương, lên chốn thâm sơn này làm cho công ty cầu đường Vĩnh Tuy, cuộc sống xa anh em bạn bè nên sinh ra buồn bã cần nơi nương tựa. Bà Hoa đã lầm tin vào một người đàn ông mà lỡ mang thai. Sợ rằng mang trong bụng “con hoang”, nếu về nhà sẽ bị bố mẹ đáng mắng nên bà không dám về quê. Chứng kiến cảnh đó, ông Chú mủi lòng thương và đề nghị bà Hoa trở về sống tại nhà mình, đến khi sinh con ra rồi tính.

Có lẽ bởi lòng thương cảm giữa những người phụ nữ nên bà May mới nảy sinh ý định cưới bà Hoa cho chính người chồng bao năm “đầu ấp má kề” với bà. Thời gian đó, bà Hoa cũng từng phải chịu bao nỗi dằn vặt bản thân để đi đến quyết định sinh con cho ông Chú.

Năm tháng trôi đi, cô con gái bé bỏng trong bụng Hoa được sinh ra và mang họ của mẹ, tên cô bé là Trương Thị Thương (SN 1976). Thế nhưng, lúc cô bé Thương lên 8 tuổi thì bà Hoa bỏ con gái ở lại để về quê Hải Dương vài tháng trời, đến nỗi những người trong gia đình bà May – ông Chú đã nghĩ Hoa không còn trở lại nữa.

Chị Thương cho biết: “Khi đó tôi còn nhỏ, tôi cũng từng đi tìm mẹ nhưng không tìm thấy. Phải mãi về sau thì mẹ Hoa mới trở về”.

Sau lần đoàn tụ này, chính bản thân bà May đã mang trầu cau về Hải Dương để hỏi cưới bà Hoa cho chồng mình, đó là một quyết định khó khăn với cả hai người phụ nữ. Trải qua nhiều cay đắng và nước mắt, họ trở thành một đại gia đình sống hạnh phúc. Chị Thương được khai sinh lại và chuyển sang họ là Giàng Thị Thương, sau đó bà Hoa mới tiếp tục sinh cho dòng họ Giàng lần lượt 4 đứa con đặt tên là Anh – Nhớ - Bằng – Thắng.

Năm 1991, bà Hoa mất, chỉ một năm sau đó ông Chú cũng về với đá, một mình bà May nuôi 5 đứa con nhỏ. Đến bây giờ, tất cả những đứa con do bà May cưu mang đã lớn và lập gia đình, họ coi bà May là "một người mẹ vĩ đại".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Phan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN