Chuyến đi xuyên Việt 'hai không' gắn kết ba thế hệ
Để có chuyến du lịch xuyên Việt đáng nhớ trong hơn một tháng giữa ba thế hệ, 12 cá tính, anh Thành đã áp dụng quy tắc 'hai không': không cãi nhau, không giận nhau.
Gia đình Trần Đại Thành (41 tuổi, doanh nhân), gồm 12 thành viên, thực hiện chuyến du lịch từ Hà Nội vào Cần Thơ trong 36 ngày, khởi hành từ hôm 29/6. Đây là chuyến lái xe xuyên Việt đầu tiên của gia đình, tổng quãng đường di chuyển 5.500 km. Chuyến đi không chỉ là kỳ nghỉ dài ngày mà còn là cơ hội để gắn kết các thế hệ trong gia đình, từ ông bà đã 72 và 67 tuổi đến các cháu, nhỏ nhất là 6 tuổi.
"Chuyến đi được 'ươm mầm' và dự định triển khai vào năm 2023 nhưng có việc đột xuất phải hủy, vậy nên khi khởi động lại, tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều hào hứng. Tôi dành nhiều thời gian để dạy con, cháu những tình huống có thể xảy ra trong suốt chuyến đi, đa phần là cách cư xử trong gia đình. Với bố mẹ, tôi cũng không ngại ngần chia sẻ quan điểm để ông bà hiểu và có tư tưởng thoáng, dễ dàng thích nghi với con cháu trong chuyến hành trình. May mắn là tiếng nói của tôi đủ trọng lượng để cả nhà ủng hộ và nghe theo", anh Thành cho biết.
Các thành viên gồm ông bà, hai gia đình anh Thành và chị gái chụp ảnh kỷ niệm ở Mũi Né. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trước khi lên đường, anh lên kế hoạch chi tiết, tính toán kỹ lưỡng: từ lập ngân sách, lên danh sách điểm dừng nghỉ, đến đảm bảo an toàn. Mẹ anh bị bệnh tim nhẹ, ông bà đều bị đau chân, không thể đi bộ được xa nên anh hạn chế những điểm đến phải leo trèo, đi bộ nhiều. Anh cũng tính sẵn phương án nếu sức khỏe của bố mẹ không đảm bảo, sẽ mua vé máy bay cho ông bà về trước.
12 thành viên chia làm hai xe 7 và 5 chỗ. Họ thống nhất mang đồ dùng y tế cơ bản, đồ ăn vặt, hành lý cá nhân vừa đủ cho 1/3 chuyến đi, sau đó sẽ giặt đồ và tái sử dụng để xe được rộng rãi.
Xuất phát từ Hà Nội, anh di chuyển tới Đồng Hới đầu tiên, sau đó là Huế, Hội An. Anh dừng ở Lý Sơn 4 ngày, rồi di chuyển tiếp đến Kontum, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Bình Phước, tới TP HCM và kết thúc ở Cần Thơ. Trừ ngày đầu đi 500 km vào Quảng Bình và ngày cuối 300 km từ Nghệ An về, chuyến đi được chia thành các chặng không quá 200 km mỗi ngày nhằm đảm bảo sức khỏe cho các thành viên lớn tuổi và cả nhà được nghỉ ngơi, trải nghiệm khám phá vùng miền. Tổng chi phí xăng xe, cầu đường, ăn uống, vui chơi, nghỉ khách sạn của cả đại gia đình là hơn 200 triệu đồng.
Chặng đi, anh Thành lựa chọn các cung đường Tây Nguyên, còn chặng về anh đi cung đường ven biển. Dù là lần đầu đi xuyên Việt, nhờ nghiên cứu kỹ bản đồ và khả năng định vị tốt, anh không gặp các tình huống không mong muốn phổ biến như đi lạc, nhầm đường hay vi phạm giao thông. Ông bố ba con cho biết anh là trưởng đoàn, còn vợ là phó đoàn, chị phụ trách các khâu nghỉ ngơi, ăn uống và "gần như không ngủ" trên đường để nói chuyện giúp anh tỉnh táo.
Ông bà U70 vui vẻ bên các cháu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chuyến hành trình không thiếu những kỷ niệm đặc biệt. Một trong những điểm dừng chân ấn tượng đối với anh là cung đường Tây Nguyên, nơi anh Thành cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ và lòng hiếu khách của người dân địa phương. Ngoài ra, trẻ em trong đoàn lần đầu tiên trải nghiệm bắt cá đêm ở Lý Sơn hay tát mương bắt cá ở Cần Thơ, leo thác K50 ở Măng Đen. Điều mà cả anh lẫn các thành viên trong gia đình không ngờ tới nhất là ông bà chơi được hầu hết những trò mạo hiểm cùng con cháu. Ông chơi phao chuối, lặn ngắm san hô ở tất cả biển đi qua, dù lượn, trượt cỏ ở Đà Lạt... Chuyến đi còn ghi dấu những trải nghiệm độc đáo như tắm chỉ với một chum nước ở đảo, đi xe jeep ở đồi cát Phan Thiết và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương như cua huỳnh đế Lý Sơn và bánh ép Huế. Những hoạt động này theo anh Thành không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp các thế hệ trong gia đình thêm gần gũi.
Tổ chức một chuyến đi dài ngày cho 12 người không hề dễ dàng. Anh Thành cho biết việc duy trì sự hòa thuận và đồng thuận giữa các thành viên là một thách thức lớn. Đặc biệt, anh là con út trong gia đình nên việc đưa ra quyết định và duy trì sự tôn trọng trong các cuộc tranh luận rất quan trọng. "Tôi là người khá nóng tính nhưng để có chuyến đi hài hòa, tôi cũng phải kiềm bản thân khá nhiều. Có cả những lúc cãi nhau nhưng xử lý rất nhanh vì tôi đã đặt tiêu chí từ đầu: Không cãi nhau, không giận nhau. Thực sự đó là khoảng thời gian rất dài cho 12 cá tính và đa thế hệ, vậy nên mọi người luôn cần bỏ qua cái tôi, nhìn nhau để chuyến đi suôn sẻ", anh Thành cho biết.
Anh Thành chụp ảnh kỷ niệm cùng con gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau hành trình, gia đình có những khoảnh khắc rất đáng nhớ bởi theo anh Thành, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có nhiều thời gian ở bên nhau đến vậy. Bố mẹ anh có lẽ là những người hạnh phúc nhất. Đã vài tháng trôi qua nhưng ông bà vẫn luôn nhắc lại kỷ niệm mỗi khi cả nhà sum họp. "Có lẽ dư âm của chuyến hành trình này sẽ còn đọng lại mãi cho đến sau này", anh nói. Đối với trẻ nhỏ, các bé có được bài học quý giá về sự thấu hiểu và chấp nhận lẫn nhau.
Anh Thành chia sẻ những lời khuyên cho các gia đình muốn thực hiện một chuyến đi tương tự:
- Đừng quá chú trọng vào việc hoàn thành tất cả các điểm đến. Thay vào đó, hãy linh hoạt và tập trung vào việc tạo ra những khoảnh khắc vui vẻ, thoải mái cho tất cả các thành viên.
- Tránh gò bó thời gian và kế hoạch quá chặt chẽ, để có thể điều chỉnh khi cần thiết.
- Đặt sự hiểu biết và vị tha lên hàng đầu để mọi người có thể hòa hợp và tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn.
Xem tiếp hình ảnh chuyến đi của gia đình anh Trần Đại Thành
Đại gia đình xuất phát từ Hà Nội.
Chụp ảnh kỷ niệm tại rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An.
Chinh phục thác K50, Gia Lai.
Ghềnh đá đĩa Phú Yên.
Check-in ở rừng cao su Phú Riềng, Bình Phước.
Đại gia đình tát mương bắt cá ở Cồn Phụng, Bến Tre.
Trần Đại Thành (trái) và anh rể là hai tài xế trong suốt chuyến đi hơn một tháng.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 29/6, gia đình 5 người của anh Đặng Minh Trường (Hà Nội) bắt đầu hành trình xuyên Việt, dự kiến kéo dài 30 ngày. Đây là chuyến xuyên Việt thứ 4 của gia đình anh.