Chuyện người vợ thiên thần thời hiện đại
Và hôm nay, 8/3, thêm một lần nữa tôi cầu chúc cho H. và N. - chồng em, được gặp nhau trong mơ.
"Anh à! Hôm nay là ngày mùng 8/3. Suốt mấy hôm nay em thấy người ta nhộn nhịp quà cáp, hoa tươi, tiệc tùng. Hôm nay, anh cho phép em cắt móng chân, móng tay, cạo râu cho anh trước một ngày nhé. Để biết đâu, em được nhìn thấy phép màu là anh cựa mình hoặc cau mày khó chịu..."
Sáng nay, H. tới bệnh viện chăm chồng sớm hơn một chút so với mọi ngày.
Đã hơn 500 ngày, kể từ sau vụ tai nạn giao thông oan nghiệt ấy, N. - chồng cô - phải gắn chặt với chiếc giường định mệnh này. Hơn 500 ngày, nắng cũng như mưa, ngày nào H cũng thức dậy từ khi chưa tỏ mặt người. Việc đầu tiên là bắc nồi cháo lên, làm dăm ba việc không biết tên, chờ cháo chín, xay nhỏ rồi xách đến viện.
“Ngày nào em cũng chạy thật nhanh đến nơi, chỉ sợ rằng biết đâu anh ấy đột nhiên tỉnh dậy mà không nhìn thấy vợ. Ngày nào em cũng nuôi hi vọng như thế chị ạ. Những dịp lễ lạt như 8/3 này, em cũng không thấy tủi thân vì không được như những người vợ khác đâu chị ạ. Bởi như như thế là không phải với anh ấy. Thường thì đêm trước, em giở đi giở lại, nhìn ngắm những quà tặng của hai đứa tặng nhau, nhớ lại những kỷ niệm của những mùa 8/3 hai năm về trước. Rồi lại nghĩ, chúng em là những người yêu nhau hạnh phúc nhất, mối tình của chúng em đẹp nhất trên thế gian này. Thế là thấy hạnh phúc, tủm tìm cười một mình...”
Đó là câu chuyện tôi được chứng kiến ở Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an (Thanh Xuân - Hà Nội) khi trực chăm bố ở phòng cấp cứu. Hầu hết bệnh nhân và người nhà ở đây đều quen mặt và biết câu chuyện xót xa và đáng khâm phục của đôi vợ chồng trẻ, tài sắc này.
H. sinh năm 1984, kém chồng 2 tuổi. Chồng cô đã nằm bất động ở bệnh viện này suốt 16 tháng nay.
Hơn 500 ngày H. có mặt bên chồng và chiếc giường định mệnh với tất cả sự tận tụy (Ảnh minh họa)
H. kể rằng, cô yêu N. từ khi cô còn là sinh viên năm thứ 2, lúc đó N. đã tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Trong suốt 6 năm yêu đương, hai người chịu không ít khổ sở vì bị hai bên gia đình ngăn cản. Bên nào cũng coi con mình là vàng là ngọc, và nghĩ bên kia không bằng con mình.
Đến ngày H. nhận tin được học bổng từ Ý thì người yêu cô cũng có quyết định cử đi học ở Đức. “Thường được học bổng đi Tây thì rất vui, nhưng hai đứa em lại nhìn nhau lo lắng chị ạ. Lúc đó, chúng em không muốn xa nhau một phút chứ đừng nói đến phải đợi chờ 3 năm. Thế là bọn em quyết định không đi nữa mà ở nhà làm đám cưới...” - H. kể.
Khi cháu trai kháu khỉnh chào đời, H. đã tưởng cuộc đời là sự kế tiếp của những giấc mơ. "Thế rồi, chiều đó, ruột em nóng như lửa đốt khi tan tầm rất lâu rồi mà chồng vẫn chưa về". Tối muộn, cô nhận được thoại báo tin chồng bị tai nạn giao thông. Lúc đó, con trai mới 4 tháng tuổi...
“Tin đó đến với em như tiếng sét ngang trời. Cấp tập chạy vào bệnh viện, bác sỹ nói chồng em rất nguy kịch, phải mổ não, xác suất qua khỏi là rất nhỏ. Mọi hi vọng với em sụp đổ. Sau ba lần phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức, chồng em vẫn bất động. Chuyển sang điều trị ở Bệnh Viện Y học Cổ truyền Bộ Công An đã 16 tháng mà não chồng em chưa có dấu hiệu phục hồi gì đáng kể. Nhưng em chưa lúc nào thôi hi vọng chị ạ...” - Vừa cạo râu cho chồng, H vừa kể với tôi mà như nói với riêng mình.
Nhìn chồng âu yếm, cô quay sang tôi nói khẽ, giọng nghèn nghẹn: “Giá anh ấy quát em một câu hoặc cau có thôi thì vui biết mấy chị nhỉ?”.
Em không khóc nhưng nước mắt tôi trào ra.
Người đàn ông trẻ vẫn nằm đó, vẫn bất động, gương mặt không mảy may cảm xúc như tâm hồn đang ở một cõi nào đó rất xa.
Hơn 16 tháng bỏ việc ở nhà, từ một cô gái trẻ trung, xinh tươi, nhanh nhẹn... giờ mỗi ngày H. một héo hon. Mỗi lần tôi gợi chuyện, em lại kể từng chút từng chút một, mắt em lúc ánh lên niềm vui hi vọng, lúc lại nhoè đi vì nước mắt.
Hơn 500 ngày có mặt bên chồng và chiếc giường định mệnh với tất cả sự tận tụy mà người đời nay khó mà hình dung được về một người vợ hiện đại, H. nhận được nhiều tình cảm khâm phục, yêu quý.
Các bà, các chị người nhà bệnh nhân còn thường xuyên chia sẻ công việc với H. mỗi khi có lệnh di chuyển chồng cô sang phòng khác. Họ giúp cô khuân vác đồ đạc, làm giúp việc này việc kia. Cũng không ít ánh mắt xót xa, thương hại. Có người còn khuyên: “Hãy nhìn lại và sống cho chính mình. Chẳng lẽ vứt cả đời mình như thế này à. Trẻ, xinh, giỏi giang như thế”. Nghe chưa xong câu, H. đã ngắt lời và có vẻ không giữ được sự dịu dàng thường ngày: “Cháu không làm được như thế đâu. Cô đi đi, cô đừng nói với cháu như thế...”.
Sau đó, tôi thấy H. khóc tức tưởi. Những lúc như vậy, tôi lại cùng khóc với H.. Có lẽ, em đủ nước mắt để hi vọng và mong chờ, chờ phép màu hiển hiện: Chồng em mở mắt, đứng dậy và nắm tay em... Tôi sẽ luôn cầu chúc H. sớm được toại nguyện; bởi tôi tin, nếu còn một giây tồn tại để chờ chắc chắn em vẫn đợi thời khắc đó.
Mỗi lần rời viện, tạm biệt H., trong tôi luôn có cảm giác thật lạ. Đôi vợ chồng trẻ ấy đã cho tôi tận mắt chứng kiến một câu chuyện tình yêu đẹp để hiểu tường tận ý nghĩa của hai chữ HI SINH. Và người vợ trẻ này đã hơn một lần giúp tôi tin vào những giá trị vững bền của tình yêu mà đôi khi tưởng chừng chúng ta đã để quên ở đâu đó.
Nhân ngày hôm nay, 8/3, tôi muốn chúc cho những người đàn ông đang yêu trên trái đất này luôn giữ được niềm tin bền vững về nửa bên kia của cuộc đời mình. Rằng, những người đàn bà biết yêu đích thực sẽ là cái neo níu giữ người đàn ông của mình ở lại với cõi trần kể cả khi niềm hi vọng sống chỉ mỏng manh như sợi tóc. Chúc cho những người phụ nữ trên trái đất này đều tìm được đúng nửa bên kia của cuộc đời để có thể YÊU và HI SINH như người vợ trẻ đang chăm chồng ở bệnh viện mà tôi được chứng kiến!
Và hôm nay, 8/3, thêm một lần nữa tôi cầu chúc cho H. và N. - chồng em - được gặp nhau trong mơ, ở một cõi xa xôi nào đó, được tặng hoa hồng và nắm tay nhau...
(Chuyện ghi từ Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an)