Chuyện cảm động phía sau tấm ảnh 'con gái chuẩn bị cho bố đi đón vợ'
Hình ảnh con gái tỉ mỉ thắt cà vạt, chỉnh trang cho bố đi rước mẹ "về dinh" thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân mạng.
“Con gái chuẩn bị cho bố đi đón vợ (mẹ đẻ của con gái). Anh chị lấy nhau đã hơn 20 năm, do gia đình không có điều kiện nên chỉ ăn hỏi rồi đăng ký xong về ở với nhau.
Giờ con cái lớn hết rồi, có chút điều kiện nên anh chị quyết định tổ chức đám cưới theo đúng phong tục”, câu chuyện được đăng tải bởi tài khoản Minh Nguyễn được dân mạng chia sẻ rầm rộ mới đây.
Kèm theo câu chuyện là hình ảnh con gái thắt cà vạt, chỉnh trang cho bố trước khi bố lên đường đón vợ về dinh. Câu chuyện được một Fanpage đông thành viên chia sẻ, nhận về hơn 3.000 lượt thích cùng nhiều bình luận quan tâm.
Bức ảnh "con gái chuẩn bị cho bố đi đón vợ" gây bão mạng
“Quan trọng là sau 20 năm, anh vẫn muốn đón chị về làm vợ và chị vẫn muốn lấy anh làm chồng”; “Nhìn con gái chỉnh trang cho bố mà cưng quá. Chắc con hạnh phúc lắm khi thấy bố mẹ yêu thương nhau”; “Nhất con gái được dự đám cưới của bố mẹ”... là một số bình luận xúc động của dân mạng về bức ảnh.
Người chia sẻ câu chuyện là Nguyễn Thị Tuyết Minh (quê Tuyên Quang). Minh cho hay, cô dâu – chú rể trong đám cưới đặc biệt là Hoàng Thị Tiên (SN 1984, trú tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) và Nguyễn Thế Khiêm (SN 1977, trú tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Tuyết Minh là em họ của chú rể.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Thế Khiêm cho hay, đám cưới của anh được tổ chức vào ngày 26 - 27/9 vừa qua, trong sự chúc phúc của cả hai bên gia đình.
Khoảnh khắc vợ chồng anh Khiêm, chị Tiên quỳ lạy cảm ơn bậc sinh thành khiến nhiều người xúc động
Cách đây hơn 20 năm, anh Khiêm, chị Tiên gặp gỡ và nên duyên. Năm 2004, anh muốn cưới chị Tiên làm vợ nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố ốm nặng nên chỉ có thể làm lễ dạm ngõ, đăng ký kết hôn, chưa thể tổ chức đám cưới.
Theo phong tục của người Tày, năm đó, nhà trai mang 4 đôi gà trống thiến, 10 cặp bánh chưng, 10kg gạo nếp đi bộ theo đường mòn gần 1 ngày mới đến nhà gái ở xã Ngọc Minh. Cặp đôi đăng ký kết hôn rồi về chung một nhà.
Năm 2006, chị Tiên sinh con gái đầu lòng. Hai năm sau, chị sinh con gái thứ hai và đến năm 2017 thì sinh con trai út.
20 năm qua, hai vợ chồng gắn bó với nương rẫy, chăm chỉ làm lụng nuôi con. Cả hai yêu thương, nhường nhịn nhau, chưa một lần lớn tiếng cãi vã.
Những năm qua, anh Khiêm vẫn luôn đau đáu về một lễ cưới chưa thành. Không muốn vợ chịu thiệt thòi, khi gia đình có điều kiện, con cái lớn khôn, anh quyết định tổ chức đám cưới, đường hoàng rước vợ "về dinh".
Hai bên gia đình cùng các con của anh cũng ủng hộ việc này.
Hai bên gia đình quây quần trong ngày vui của vợ chồng anh Khiêm, chị Tiên
Anh chị dành 1 tháng để chuẩn bị cho lễ cưới. Anh Khiêm chuẩn bị sính lễ gồm gà, lợn, gạo, bánh trái,... Chị Tiên chuẩn bị trang phục cô dâu theo phong tục của người Tày. Người thân giúp anh chị thu xếp cỗ bàn, các con cũng hỗ trợ bố mẹ hết mình.
Cách ngày cưới khoảng 3 ngày, chị Tiên về lại nhà mẹ đẻ ở Hà Giang. Anh Khiêm cùng 3 người con ở lại Tuyên Quang.
Anh Khiêm hạnh phúc khi cuối cùng đã có một đám cưới trọn vẹn
Gần 6h ngày 27/9, anh Khiêm được các con và đoàn nhà trai hộ tống đi rước vợ về dinh. Khoảnh khắc nhìn thấy vợ trong trang phục cô dâu, anh Khiêm ngỡ ngàng.
“Tôi mừng lắm, cảm động nữa. 20 năm qua chúng tôi chưa cãi nhau một lần, vợ tôi hiền lành, nhường nhịn chồng con”, anh Khiêm xúc động chia sẻ.
Bên nhà trai tổ chức 25 mâm cỗ, nhà gái cũng làm cỗ đãi khách linh đình. Đám cưới của vợ chồng anh Khiêm làm rộn ràng cả bản nhỏ.
Là người chứng kiến chuyện tình cảm của vợ chồng anh Khiêm từ những ngày đầu, chị Tuyết Minh rất xúc động khi cuối cùng anh Khiêm chị Tiên cũng có một đám cưới trọn vẹn.
“Đám cưới vui lắm, ai cũng mừng cho anh chị ấy. Khoảnh khắc khiến mình xúc động nhất là khi anh Khiêm quỳ xuống, lạy và cảm ơn mẹ vợ”, chị Minh chia sẻ.
Ảnh: Tuyết Minh
Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, em Hoàng Xuân Phúc (14 tuổi) đã mất đi cả bố và mẹ. Mong muốn của Phúc là có một bức ảnh đầy đủ 4...
Nguồn: [Link nguồn]