Chút ký ức tuổi thơ... giờ chỉ còn để nhớ!
Bỏ mặc lũ trâu lang thang khắp đồng, bỏ quên cả vạt nắng chiều đang rớt vội, chiếc chong chóng bé con cứ quay đều, trong ánh mắt hồn nhiên, trong tiếng cười giòn tan
Đó là những tháng ngày yên bình và ngập tràn hạnh phúc với bao nhiêu niềm vui từ đồng cạn, đường quê (ảnh minh hoạ)
Tôi đang sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh xa xôi nhưng tôi vẫn thường nhớ về những kí ức tuổi thơ nơi quê nhà ngày nhỏ, một xóm nghèo ở Bạc Liêu, xứ Triều Châu trên bán đảo Cà Mau, gần cuối trời tổ quốc.
Đó là những tháng ngày yên bình và ngập tràn hạnh phúc với bao nhiêu niềm vui từ đồng cạn, đường quê. Ở nơi ấy, chiều chiều có đàn trâu ung dung gặm cỏ nơi bờ ruộng xanh rì rào, có lũ nhỏ con nhà nghèo đầu trần chân đất say sưa với từng chiếc chong chóng quay đều…
Nhớ ngày ấy, tuổi thơ chúng tôi có bao nhiêu thú vui mà trong cuộc sống hiện đại bây giờ ít khi nào tôi có thể tìm lại được, cũng như không khi nào thấy lại được ở những đứa trẻ xung quanh mình. Ngày xưa ấy chẳng bao giờ có những chiếc xe điện bí bo hay những chàng siêu nhân xanh đỏ, ngay cả những cuốn truyện tranh in hai màu đen trắng đôi khi cũng là những điều giải trí rất xa xỉ.
Ngày đó, chúng tôi chỉ có những thứ đồ chơi tự làm từ những vật dụng quen thuộc xung quanh, hoặc tái chế lại từ những thứ đồ dùng đã hư và cũ. Chiếc chong chóng xoay tít ngày nào cũng chính tự tay tụi nhỏ chúng tôi làm lấy để chơi.
Tôi vẫn nhớ như in những buổi chiều mát mẻ trên những cánh đồng rộng trãi, nơi tập trung của trẻ nhỏ trong xóm. Chiều chiều, ngày nào cũng vậy, khi nắng đã bắt đầu dịu lại, gió ngoài sông hiu hiu thổi vào, khi lũ trâu đã no cỏ và bắt đầu nhởn nhơ đi tìm bạn, chúng tôi lại í ới gọi nhau tụ tập.
Và thế là những trò chơi lại bắt đầu, con diều giấy lại bay cao vi vút, trái bóng tròn lại lăn trên cỏ xanh, và chiếc chong chóng lại quay tít. Ngày đó, bỏ mặc lũ trâu lang thang khắp đồng, bỏ quên cả vạt nắng chiều đang rớt vội, chiếc chong chóng bé con cứ quay đều, trong ánh mắt hồn nhiên, trong tiếng cười giòn tan, và cả trong những ước mơ khờ khạo nữa…
Với trẻ nhỏ của xóm tôi ngày xưa, chẳng có gì vui bằng chơi chong chóng. Chỉ cần một nan tre khô vót thật mỏng, dán cánh giấy ở hai đầu, chính giữa đục lỗ để gắn trục quay vào, là đã thành chiếc chong chóng. Và chỉ cần lòng mình háo hức, thì chong chóng sẽ quay và niềm vui sẽ đến. Chúng tôi vẫn nằm trên cỏ, mặt ngước nhìn bầu trời xanh, tay cầm chiếc chong chóng nhỏ. Chỉ cần vậy thôi, việc làm chong chong quay đã có gió ngoài sông thổi vào.
Nhớ những buổi chiều yên bình như thế, gió sông thổi mát rượi cả tâm hồn, bầu trời xanh thẳm trong những đôi mắt trong. Và chiếc chong chóng nhỏ bé yêu thương cứ quay đều… quay đều…, mang theo những niềm vui đơn sơ, mang theo bao ước mơ một thời con trẻ.
Nghĩ về ngày xưa, tôi lại chạnh lòng khi nghĩ tới tụi cháu chắt của tôi bây giờ, chúng nó phải học nhiều quá, chúng đi học từ sáng đến tận tối mới về nhà, ngày nào cũng như ngày nấy. Chúng không biết đồng cạn, chẳng biết gió sông, chúng chỉ biết học ở trường, rồi lại học chính khóa, học nâng cao, học bồi dưỡng, học thêm học bớt... Chiếc chong chóng màu hay cánh diều vải mua về đẹp là thế, chúng cũng chẳng mấy thích chơi.
Những trò như chơi dân dã như bắn bi, chơi chuyền, nhảy dây hay trốn tìm… chúng cũng không thể hình dung được. Chúng chỉ thích ôm điện thoại và ngồi máy tính những khi rảnh rỗi để chơi game, xem phim hay nghe nhạc... Dĩ nhiên là tôi không có quyền bắt chúng phải có những sở thích giống mình, chỉ là tôi thấy chạnh buồn và cảm thương cho chúng nó vì chúng không có tuổi thơ đúng nghĩa.
Có lẽ những thứ đồ chơi cũ kỹ của một thời ngày xưa trẻ con bây giờ không còn thích nữa. Và tôi rất sợ rằng một mai này lớn lên, ký ức tuổi thơ của trẻ con chỉ còn là những chiếc điện thoại vô hồn…
Nguyễn Hồng Minh (Giáo viên trường THPT Chuyên Bạc Liêu, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ mới 11 tuổi nhưng cô bé Marie Roga đã sớm phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc người cha tật nguyền, đau ốm quanh năm.