“Chúng tôi đã làm hỏng người đàn ông của mình thế nào"

Khi chúng tôi chỉ quẩn quanh với gạo muối, thịt, cá... thì các anh lại chỉ thấy chúng tôi ngu dốt, không thể chia sẻ những việc lớn lao.

Mới đây, cư dân mạng đã truyền tay nhau bài viết "Chúng tôi đã làm hỏng người đàn ông của mình như thế nào" và nhận được rất nhiều sự đồng tình của chị em phụ nữ.

“Chúng tôi đã làm hỏng người đàn ông của mình thế nào" - 1

Tất cả những cố gắng của chúng tôi chỉ nhằm mục đích giữ cho căn nhà của chúng ta luôn là tổ ấm (Ảnh minh họa)

Trong status, người phụ nữ đã chia sẻ những công việc thường ngày của phái yếu từ ngày còn thơ bé: "Lên tám tuổi, chúng tôi đã biết xách làn đi chợ, lựa những đồ ăn hợp với số tiền mẹ giao cho mỗi bữa. Chúng tôi nắm than, chẻ củi, đốt lò, nấu ăn... Cậu em trai được đi học đàn, học vẽ, được đi đá banh... sau giờ học. "Đàn ông trên nhà, đàn bà dưới bếp" - Bố mẹ chúng tôi dạy con gái như thế!".

Rồi "Khi đi làm dâu, đàn bà chúng tôi cần phải biết đọc được ý nghĩ của bố mẹ chồng (anh chị em chồng) trong vòng ba nốt nhạc. "Từ bé đến giờ, tôi không bao giờ để cho nó động tay vào việc gì trong nhà". Nghĩa là mọi việc từ chợ búa, cơm nước, cửa nhà, con cái... tất tật phải đặt trong bàn tay phụ nữ"...

Chủ nhân bài viết đặc biệt đề cập nhiều đến chuyện làm việc nhà, phân chia công việc trong gia đình... và dường như tất cả những trong gia đình: nấu nướng, giặt giũ, sửa bóng đèn, cho con học... đều có người "phụ trách" chính là phụ nữ.

Liên hệ với chủ nhân bài viết, chị Chung Lê (54 tuổi) hiện đang làm kế toán, kiểm toán cho Quỹ Nhi đồng LHQ ở New York (Mỹ) cho biết, chị viết status này sau khi đọc được bài viết về Trang Hạ cũng như những tranh cãi xung quanh vấn đề làm việc nhà của dân mạng,

Chị bày tỏ: "Mặc dù bài viết lấy cảm hứng từ phát ngôn của Trang Hạ nhưng cách phản ứng của lứa tuổi mình khác với Trang Hạ. Cô ấy nói đúng nhưng cách nói của cô ấy thường mạnh mẽ quá (hoặc cố tình gây sốc) nên có "tác dụng phụ". Còn mình thuộc tuýp người cổ điển, "đi nhẹ, nói khẽ" nhưng phải sâu cay tí".

Chia sẻ về chuyện phân chia công việc nhà, chị cho biết, vì chị đã từng đi làm vợ, làm dâu mấy chục năm nay nên rất hiểu những công việc mà người phụ nữ trong gia đình phải gánh vác. Chính vì thế nên chị đã dạy bảo con trai mình từ nhỏ là phải biết làm việc nhà, khi lấy vợ thì phải san sẻ công việc gia đình cùng vợ vì cùng nhau làm việc nhà sẽ giúp vợ chồng gắn kết với nhau hơn.

Chị khoe rằng: "Nhà con trai mình có người giúp việc nhưng tối nào, con trai vẫn dành ra ít nhất vài tiếng đồng hồ để chơi với con. Ngoài ra, con trai mình có thể thay bỉm, rửa ráy, cho con ăn rất thành thạo".

Không chỉ tâm sự với con trai chuyện chia sẻ việc nhà với vợ, chị còn dặn dò con dâu cách không được làm chồng "hư": "Lúc nào mình cũng dặn con dâu phải "nhờ vả" chồng và "nhắm mắt" lại khi những việc chồng làm chưa thật ưng ý mình. Không ai "chết" vì ăn bát đũa rửa chưa thật sạch, quần áo gấp không thẳng thớm, cứ nhắm mắt lại để cho chồng làm, làm mãi sẽ quen".

Chị cho biết, chị "dạy" con trai và con dâu như vậy vì lúc nào cũng chỉ mong con được hạnh phúc. Việc cơ quan ai cũng bận rộn nên khi về nhà, hai người nên san sẻ việc nhà cùng nhau sẽ khiến tình cảm vợ chồng gắn bó hơn.

“Chúng tôi đã làm hỏng người đàn ông của mình thế nào" - 2

Chị Chung Lê hiện đang làm kế toán, kiểm toán cho Quỹ Nhi đồng LHQ ở New York (Mỹ

Chị Chung Lê hiện đang là một Facebooker khá nổi với những bài viết về xã hội, gia đình gần gũi. Chị cho biết, chị rất thích viết lách và đây cũng là cách để chị thu hút thêm bạn đọc ủng hộ cho hoạt động từ thiện của mình.

Bài viết "Chúng tôi đã làm hỏng người đàn ông của mình như thế nào":

Thưa những người đàn ông đáng kính,

Lẽ ra các anh đã có thể trở thành những người đàn ông giỏi giang, tháo vát, chu đáo, tận tâm, và yêu thương gia đình... nếu như không gặp phải những người đàn bà cạn nghĩ như chúng tôi.

Ngay từ khi mới bắt đầu biết tự cột cho mình cái túm tóc đuôi gà xộc xệch phía sau gáy, chị em chúng tôi đã được cha mẹ giao nhiệm vụ trông nom cái thằng em trai chỉ kém mình vài ba tuổi. Chạy theo đỡ cho nó khỏi ngã khi chơi, dỗ dành cho nó ăn hết suất ăn (khi đi sơ tán), nhường cho cu em tất cả những đồ chơi mình có.

Lên tám tuổi, chúng tôi đã biết xách làn đi chợ, lựa những đồ ăn hợp với số tiền mẹ giao cho mỗi bữa. Chúng tôi nắm than, chẻ củi, đốt lò, nấu ăn... Cậu em trai được đi học đàn, học vẽ, được đi đá banh... sau giờ học. "Đàn ông trên nhà, đàn bà dưới bếp" - Bố mẹ chúng tôi dạy con gái như thế.

Ngày bước lên xe hoa về nhà chồng, mẹ chúng tôi dặn với theo con gái: "một điều nhịn, chín điều lành, nghe con"

Khi đi làm dâu, đàn bà chúng tôi cần phải biết đọc được ý nghĩ của bố mẹ chồng (anh chị em chồng) trong vòng ba nốt nhạc. "Từ bé đến giờ, tôi không bao giờ để cho nó động tay vào việc gì trong nhà". Nghĩa là mọi việc từ chợ búa, cơm nước, cửa nhà, con cái... tất tật phải đặt trong bàn tay phụ nữ. Chúng tôi muốn khi các anh trở về nhà, mâm cơm đã được dọn sẵn ở trên bàn. Bọn trẻ con đã được tắm rửa thơm tho. Ấm nước trên bếp reo vui chờ được rót vào bình trà khi các anh ngồi trên sofa xem tin tức trên tivi hay hờ hững với tay vào chồng báo mới.

Chúng tôi muốn gia đình thực sự là chốn để tìm về, ngả lưng thư thái sau những vật lộn, bon chen nơi công sở. Vâng, chị em chúng tôi từng ước mỗi ngày có 36 tiếng đồng hồ để có thể làm được việc đó. Sau bữa ăn, các anh có thể ngồi chơi cùng các con, đọc báo, xem tin thì chị em chúng tôi bê mâm bát ra sau nhà. Việc dọn rửa, lau chùi, giặt giũ cho ngần ấy con người thường kết thúc khi cô phát thanh viên xinh đẹp trên TV đọc bản tin cuối ngày.

Ngày mới của chúng tôi thường bắt đầu từ trước nhạc hiệu chào buổi sáng của chiếc loa phường. Bữa sáng phải sẵn sàng trước khi chúng tôi đánh thức đứa lớn, lôi đứa bé ra khỏi giường. Đang là tuổi ăn tuổi ngủ, chúng nó thường mè nheo xin mẹ cho thêm năm phút, rồi năm phút... Kiểu gì thì chúng tôi cũng phải đảm bảo cho chúng ăn xong, mặc quần áo ấm, rồi đặt cả hai đứa lên yên xe máy, thả từng đứa đến trường. Bốn rưỡi chiều ở cơ quan, đám phụ nữ đã bắt đầu nhấp nhổm dọn đồ. "Tối nay nhà chị ăn gì?" Trao đổi với nhau để biết có thể đổi món cho nhà mình; để có thể biết được mua gì, ở đâu, vừa ngon vừa rẻ...

Chiếc vòi nước trong nhà tắm rỉ nước suốt cả tuần. Chiếc bóng đèn trên bàn học của con bị cháy. Chiếc van tự động của máy giặt tự nhiên đơ ra, nước không vào được... hàng trăm những thứ li ti, vun vặt trong nhà lúc nào cũng cần sửa chữa. Các anh trở về nhà. Mặt cau có vì vừa lỡ mất một phi vụ làm ăn với một đối tác đầy tiềm năng; các anh thở dài vì bản báo cáo sắp đến hạn phải nộp mà vẫn chưa hoàn tất. Vâng, có một tỷ lý do để các anh về nhà muộn; để các anh không nhận thấy đèn không sáng, máy giặt không quay... Chị em chúng tôi không thể chờ cho đến khi các anh vui vẻ để cất lời nhờ; lại càng không thể chờ cho đến khi các anh tìm được thời gian rảnh rỗi để có thể xắn tay áo lên làm những việc chả đúng với chuyên môn của mình (lại càng không bao giờ là sở thích). Thế là chúng tôi phải tự xoay xở. Xông xênh thì ra đầu phố gọi ông thợ vào sửa. Chật hẹp thì mang dao, búa, kềm, kéo... trăm hay chả bằng tay quen. Sau ngần ấy năm lấy chồng, chúng tôi đều trở thành thợ bảo dưỡng nhà siêu hạng.

Khi các con nhờ giải một bài toán sao, các anh thường nhăn nhó, cau có rồi chửi bới ngành giáo dục ra đề bài như thách đố (cả bố) trẻ con. Thế là bọn trẻ con sợ xanh mắt, len lén vào bếp níu áo mẹ. Thực ra chúng tôi cũng chả thông minh, sáng láng gì hơn. Vì phải học với các con từ bé (khi các anh phải đi đánh tennis, uống bia với đối tác làm ăn) nên chỉ cần đọc đề bài là chúng tôi nhìn ra ngay cái "bẫy" Bộ GD đặt ở chỗ nào...

Ngày các con còn bé, thỉnh thoảng chúng hu hi, cảm sốt. Hoặc có lúc chúng bị viêm phổi, đi ngoài phải đi cấp cứu. Những lúc ấy, các anh không tiếc lời chê bai chúng tôi "đểnh đoảng, ngu dốt" không biết chăm con. Vâng, chúng tôi đủ tỉnh táo để không cãi nhau với các anh trong lúc "dầu sôi lửa bỏng".

Tất cả những cố gắng của chúng tôi kể trên chỉ nhằm mục đích giữ cho căn nhà của chúng ta luôn là tổ ấm. Nhưng hóa ra không phải thế.

Khi chúng tôi quá nhịn nhường thì các anh càng lấn lướt, càng làm đau chúng tôi bằng những lời cay nghiệt độc ác.

Khi chúng tôi quá chăm lo việc bếp núc, cửa nhà, không có thời gian chăm sóc bản thân thì các anh chỉ nhìn thấy chúng tôi như những mụ nái sề, nhếch nhác. Ngại ngùng đi cùng chúng tôi đi du lịch, nghỉ mát cùng bạn bè, cơ quan.

Khi chúng tôi chỉ quẩn quanh với gạo muối, thịt, cá... thì các anh lại chỉ thấy chúng tôi ngu dốt, không thể chia sẻ những việc lớn lao.

Khi chúng tôi quá mạnh mẽ, sắc sảo, thông minh thì các anh cảm thấy mình yếm thế và đi tìm đến những nơi có thể chứng minh bản lĩnh đàn ông...

Vâng, chúng tôi đã sai, đã cạn nghĩ. Sau ngần ấy năm chung sống cùng các anh, chúng tôi đã... chuyển giới một phần thành đàn ông. Nhưng cánh đàn ông có một nửa đàn bà như chúng tôi có đủ dịu dàng để làm mẹ, làm bà và có đủ mạnh mẽ để làm bờ vai cho những người mình yêu thương. Còn các anh đã HỎNG một phần vì các anh không thể tự chăm sóc tốt bản thân nếu tất cả chúng tôi bỗng nhiên biến mất.

Vâng, chúng tôi biết nhận ra lỗi lầm thì cũng sẽ biết sửa chữa lỗi lầm.

Từ hôm nay, chúng tôi sẽ đón bình minh cùng cả nhà. Chúng tôi sẽ chia sẻ với các anh niềm vui, niềm hạnh phúc được chăm chút cho những người thân yêu nhất. Chúng tôi sẽ ngờ nghệch, sẽ dịu dàng, sẽ làm những con mèo nhung cọ cọ vào tay các anh chờ âu yếm... Chúng tôi sẽ làm mọi điều để các anh được trở lại làm người đàn ông chân chính, người đàn ông mạnh mẽ, người đàn ông tự chủ, người đàn ông biết cho và nhận, người đàn ông biết yêu thương và xứng đáng được yêu thương. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN