Chữa bệnh "dê" cho sếp
Sếp của Liên thích vung tay, đụng chân với đám nhân viên nữ ở mọi lúc, mọi nơi.
Làm sếp, đối mặt với nhiều áp lực, dẫn đến những vấn đề về sức khỏe như stress, đau đầu kinh niên… Nhưng cũng có những loại bệnh không hề liên quan đến những áp lực đó, mà chủ yếu do tâm lý sinh ra và đôi khi, chỉ có bài “thuốc” đặc biệt mới chữa hết bệnh cho sếp.
Đám nhân viên nữ trong văn phòng vẫn thường kể câu chuyện về cách gọi tên sếp như thế nào để được sếp “cưng”:
- Mình thì thường gọi là anh, cho nó trẻ, mà thấy sếp cũng không hưởng ứng lắm.
- Mình thì gọi là cụ.
- Trời, vậy cũng gọi được, mà sao lại thấy sếp cưng cậu quá vậy?
- Không phải cụ không đâu, mà là con dê cụ của em, haha…
Có lẽ đây là loại bệnh phổ biến với rất nhiều sếp, khác nhau chỉ ở mức độ và khả năng kiềm chế, che đậy của sếp mà thôi. Ngồi ở vị trí cao, nhân viên kính nể, sợ sệt nên đôi lúc sếp lấy lý do này ra tạo áp lực cho nhân viên, bắt buộc phải chịu cho sếp “phát bệnh”.
Như sếp của Liên, một ông sếp đã gần về hưu, nổi tiếng trong công ty không phải vì những thành tích trong kinh doanh mà là chuyện luôn “phát bệnh” mọi lúc, mọi nơi. Trong thang máy, trong nhà ăn, trong hầm để xe… Bất cứ lúc nào tiếp xúc với nhân viên nữ là sếp lại vung tay vung chân, đụng chỗ này, chạm chỗ kia. Liên cũng đã từng bị sếp đụng tay đụng chân nhưng vì là nhân viên mới vào, sếp cũng chỉ véo má mấy cái nên cô coi như cho qua, chỉ biết mình nên cẩn thận khi tiếp xúc với sếp.
Nhân viên nữ nào cũng bất bình nhưng sợ uy sếp nên không dám phản ứng nhiều, chỉ lảng tránh, bất quá phải gặp sếp thì đứng cách xa trình giấy tờ, lo thủ thế khi thấy sếp rời bàn làm việc. Nhưng đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, nhân viên trong công ty vì sợ uy nên không dám phản ứng, chứ người sắp rời công ty thì không.
Chị lao công đứng tuổi sau một thời gian chán ngán công việc, chán bệnh của sếp nên xin nghỉ. Sếp kêu lên phòng, nói là chào hỏi lần cuối nhưng ai cũng nghĩ sếp “tranh thủ”. Không biết sếp và chị lao công nói chuyện ra sao, chỉ thấy sếp la lên một tiếng. Nhân viên chạy vào thì thấy sếp ngồi quỵ trên sàn, ôm bụng nhăn nhó. Chị lao công đi ra cửa, tay còn giơ cao lên bóp bóp giữa không trung, nhìn mọi người cười đắc chí. Đám nhân viên hiểu chuyện, cười thầm trong bụng, không dám để lộ mặt. Đỡ sếp lên ghế xong, mọi người về phòng, đóng kín cửa cười hả hê với nhau, tay vẫn còn giơ lên bóp bóp.
Nhung hạnh phúc vì cảm giác ban ơn cho sếp bằng thân thể mình (Ảnh minh họa)
Có sếp thì lợi dụng quyền uy để “dê” nhân viên, nhưng cũng có sếp được nhân viên cho “dê” thoải mái. Có người thì mê sếp, có người thì muốn lợi dụng, nên sếp dù không mắc bệnh thì sau một thời gian cũng tự cho phép mình mang bệnh vào người.
Hoàng là giám đốc một công ty nhỏ chuyên về dịch vụ kế toán, khoảng 20 nhân viên, phần lớn là nữ. Mặc dù đã có vợ con nhưng là giám đốc, lại lo được chuyện kinh doanh tốt, đời sống nhân viên khấm khá nên ai cũng ngưỡng mộ sếp. Trong đó có Trang, nhân viên lâu năm của sếp.
Làm việc với sếp đã lâu, quá hiểu nhau, lại ngưỡng mộ tài năng của sếp nên Trang dần dần mê sếp từ lúc nào không hay. Cô lả lơi hơn, ăn mặc sexy hơn, rồi một ngày sếp cũng bắt được tín hiệu, những lúc 2 người với nhau trong phòng làm việc là những lúc sếp được thoải mái đụng chạm, âu yếm cô nhân viên của mình. Nhưng may sếp vẫn ý thức được việc mình làm, không đi quá xa nên ra khỏi phòng làm việc, 2 người lại đường ai nấy đi.
Nhung hạnh phúc vì cảm giác ban ơn cho sếp bằng thân thể mình, và cũng thỏa mãn tình cảm của mình khi được sếp âu yếm. Còn sếp thì coi cô như là một cách giải tỏa căng thẳng cho riêng mình, nhưng vẫn cân nhắc về vợ con mình trước khi đi quá xa. Nhưng có vẻ như bệnh của sếp ngày càng nặng, đã lây từ Nhung sang các nhân viên khác. Ban đầu cũng chỉ ôm ấp nhẹ nhàng, sau rồi lại sờ mó. Hình tượng sếp từ một người đàn ông hoàn hảo trong mắt nhân viên chuyển thành một “con dê” đáng sợ.
Nhân viên dần dần bỏ đi, mang theo luôn khách hàng, công việc đi xuống. Bệnh của sếp dần đến tai vợ sếp và sếp chỉ cắt cơn bệnh khi bị vợ bắt gặp anh đang âu yếm Nhung trong phòng họp. Nhân viên cũ bị thay thế, vợ chuyển về làm cùng, dần dần công việc cũng ổn định, Hoàng mới thấy căn bệnh của mình tai hại như thế nào.
Cũng có những người lợi dụng sếp để thỏa mãn mục đích của mình, như để tăng lương, leo lên vị trí cao hơn… Hương khởi đầu từ một nhân viên kinh doanh bình thường. Chuyên môn không xuất sắc lắm nên căn bệnh của sếp trưởng phòng lại là cách để Hương giữ vững vị trí của mình.
Bằng cách này, Hương chỉ cần làm 50% khối lượng công việc được giao cũng đủ chỉ tiêu được giao, còn lại do sếp làm hết. Đổi lại, sếp thoải mái thả “dê” trên cơ thể cô. Nhưng vị trí nhân viên không làm cô thỏa mãn, cô thích vị trí trưởng phòng hơn nên làm thân với giám đốc là kế hoạch cô tính tới. Giám đốc, sau một thời gian làm quen với cô nhân viên dễ dãi đã quyết định cất nhắc cô nhưng vẫn đủ tỉnh táo để giữ cô làm thư ký cho mình chứ không giao cho chức trưởng phòng kinh doanh.
Tạm chấp nhận vị trí mới, Hương vẫn dùng cơ thể mình để làm con bài cho việc tăng lương, giảm giờ làm. Còn ông trường phòng kinh doanh, sau một thời gian xa cách, một lần gặp lại đã không kìm được lòng mình. Kết quả là một cái bạt tai cùng ánh mắt khinh bỉ của cô nhân viên cũ. Đứng như trời trồng, cảm giác chát đắng trong lòng, anh thấy thật nhục nhã cho vị thế lúc này cũng như cái bệnh khó bỏ của mình.
Tất nhiên cũng có những sếp không mắc căn bệnh này, nhưng trước những cô nhân viên xinh tươi, hoặc những lời mời công khai của những nhân viên khiêu gợi, thật khó cho các sếp để giữ lòng mình. Nhưng quan hệ giữa sếp và nhân viên, luôn cần sự tôn trọng, đến từ cả hai phía. Cho nên, việc chữa hẳn căn bệnh này, hoặc kiềm chế nó, là việc hết sức cần thiết của một ông sếp. Cũng như nhân viên, cần giữ cho mình thái độ thân thiên, nhưng cũng không quá thân mật để tránh sếp phát bệnh hoặc làm sếp nhiễm bệnh.