Chú hổ xứ Nghệ 'gây sốt' vì biểu cảm đáng yêu

Sự kiện: Clip hot
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nghệ An - Với đôi mắt tròn, hay dụi đầu nũng nịu đòi bế và biểu cảm hờn dỗi khi không được ôm, chú hổ tên Ngao bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút du khách.

Ngao mới 6 tháng tuổi, con của cặp hổ nhập từ Bỉ, sống tại một khu du lịch sinh thái ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu. Từ đầu năm đến nay, chú hổ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội.

Các video ghi lại cảnh Ngao với biểu cảm ngộ nghĩnh, giống một đứa trẻ như làm nũng đòi người bế đi chơi, nằm dài chờ vuốt ve hay tỏ vẻ hờn dỗi lúc không được ôm ấp, đã nhanh chóng lan truyền, thu hút hàng triệu lượt xem. Clip nổi bật nhất hồi tháng 3 quay cảnh Ngao được "bố nuôi" - người chăm sóc từ bé - bế đi chơi, đạt 8 triệu lượt xem cùng hàng trăm nghìn lượt yêu thích.

Video cảnh hổ con 6 tháng tuổi tên Ngao được "bố nuôi" bồng bế trong khu du lịch ở Nghệ An.

Anh Vũ Văn Phong, 34 tuổi, quản lý khu du lịch, nói sự nổi tiếng của chú hổ là điều khá bất ngờ.

Cơ sở hiện nuôi 25 con hổ lớn nhỏ, được cấp phép nhập khẩu từ Bỉ, Séc và nuôi dưỡng từ năm 2016. Nhiều con đã sinh sản tại đây, bao gồm bố mẹ Ngao, nhưng không có tập tính nuôi con trong môi trường nuôi nhốt. Ngao và những hổ con khác đều được nhân viên chăm sóc từ lúc chào đời.

Theo người quản lý, nuôi hổ con rất khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn và theo dõi 24/7, nhất là giai đoạn đầu. Những chú hổ con được cho bú sữa chuyên dụng, giữ ấm, vệ sinh, theo dõi sức khỏe liên tục. Giai đoạn cai sữa để ăn thịt sống cũng quan trọng do con vật không quen, biếng ăn, dễ bị ốm. Quá trình chăm sóc này đã tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ giữa Ngao và người nuôi.

Ngao tỏ ra là chú hổ đặc biệt nhất do thường xuyên có sự tương tác và biểu cảm hướng về con người. Không ít lần con vật dụi đầu vào chân nhân viên đòi bế, hay "nhíu mày" tỏ vẻ dỗi, làm nũng khi không được quan tâm.

"Nếu được nuôi cùng mẹ, hổ con sẽ học tập tính hoang dã và cảnh giác, giữ khoảng cách với người. Riêng Ngao lại coi chúng tôi là 'gia đình' nên rất quấn quýt, thoải mái thể hiện cảm xúc và tìm kiếm sự chú ý, vuốt ve", anh Phong kể.

Người quản lý nhấn mạnh không có yếu tố nào về gene hay đặc tính loài đặc biệt được ghi nhận ở Ngao, tính cách này chủ yếu hình thành từ môi trường sống và sự tương tác sớm.

Hổ con 6 tháng tuổi tên Ngao luôn đòi "bố nuôi", là nhân viên chăm sóc, bế đi dạo, đầu tháng 4/2025. Ảnh: KDL sinh thái Hòn Nhạn

Hổ con 6 tháng tuổi tên Ngao luôn đòi "bố nuôi", là nhân viên chăm sóc, bế đi dạo, đầu tháng 4/2025. Ảnh: KDL sinh thái Hòn Nhạn

Ngao ra mắt du khách từ lúc 3 tháng tuổi, nặng 10 kg. Việc tương tác được kiểm soát rất chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Khách tham quan không được vào khu vực nuôi nhốt mà gặp Ngao tại điểm chụp ảnh riêng có rào bảo vệ. Trong suốt buổi gặp, hổ con luôn ngồi yên tại chỗ hoặc do nhân viên trực tiếp bế.

Thời gian cho mỗi lượt khách tương tác (chủ yếu là chụp ảnh) khá ngắn, chỉ vài phút, để tránh gây căng thẳng cho hổ con. Quy định bắt buộc là khách đứng ở khoảng cách an toàn theo hướng dẫn, không được tự ý chạm vào Ngao, không gây tiếng động lớn hay có hành động đột ngột khiến con vật kích động.

"Dù Ngao luôn tỏ ra hợp tác, chúng tôi vẫn phải đảm bảo sự an toàn, thoải mái cho cả hổ và người", anh Phong cho biết.

Sự nổi tiếng của Ngao khiến lượng khách đến khu du lịch tăng vọt, đặc biệt vào cuối tuần và dịp lễ, trung bình có 500-1.000 lượt mỗi ngày. Nhiều người từ các tỉnh thành xa như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM cũng về để được gặp "idol" hổ con.

Anh Hà Phương ở Đà Nẵng ra thăm hổ con tên Ngao, chiều 6/4. Ảnh: Hà Phương

Anh Hà Phương ở Đà Nẵng ra thăm hổ con tên Ngao, chiều 6/4. Ảnh: Hà Phương

Biết đến hổ con Ngao qua mạng xã hội, anh Hà Phương, 38 tuổi, ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) cùng gia đình 8 người đến khu du lịch ở Nghệ An chiều 6/4, nhân dịp nghỉ lễ giỗ Tổ. "Hai con tôi rất hâm mộ Ngao nên cả nhà muốn gặp nó tận mắt. Ở ngoài đời, chú hổ còn thân thiện, đáng yêu hơn trong video", anh Phương kể.

Tùng Lâm, 16 tuổi, cùng bố mẹ từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vượt hơn 10 km đến gặp Ngao. Lần đầu được chụp ảnh cùng hổ con ở khoảng cách gần khiến Lâm thích thú. "Em mê hổ con này lâu rồi, nay được tiếp xúc trực tiếp lại càng thấy dễ thương", Lâm nói.

Không chỉ thu hút khách cho khu du lịch, Ngao còn vô tình trở thành "đại sứ" đặc biệt, bổ sung thêm một điểm đến trải nghiệm thiên nhiên hút khách cho Nghệ An, bên cạnh các di tích lịch sử quen thuộc.

3 em nhỏ cùng gia đình ở Đà Nẵng đến thăm hồ con tên Ngao trong khu du lịch ở Nghệ An chiều 6/4. Ảnh: Hà Phương

3 em nhỏ cùng gia đình ở Đà Nẵng đến thăm hồ con tên Ngao trong khu du lịch ở Nghệ An chiều 6/4. Ảnh: Hà Phương

Hiện tại, hổ Ngao vẫn tiếp tục công việc gặp gỡ du khách. Tuy nhiên khi con vật lớn hơn, dự kiến khoảng 8-10 tháng tuổi, việc để hổ tiếp xúc gần với du khách sẽ không còn an toàn. Lúc đó, Ngao sẽ chuyển vào khu chuồng nuôi riêng biệt, rộng rãi hơn, có không gian vận động, hồ nước, cây xanh và các hạng mục để hổ có thể leo trèo, khám phá.

"Tương lai sẽ khác nhưng hình ảnh chú hổ con thân thiện, đáng yêu sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp và độc đáo trong lòng nhiều du khách khi đến với Nghệ An", anh Phong nói.

TRUNG QUỐC - Một huấn luyện viên thể hình ở Quảng Đông đã quyết định nuôi một con nghé 4 tháng tuổi, chăm sóc như thú cưng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Clip hot Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN