Chồng ơi, vợ cũng muốn có Tết

Tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn có một cái Tết cho mình, tại sao chồng không bao giờ nghĩ cho tôi?

Quê chồng tôi tận miền Trung, xa xôi nên mỗi năm vợ chồng chỉ về thăm ông bà vào dịp Tết, đến nay đã hơn 10 năm. Với tôi, một tuần ở nhà chồng đúng là ác mộng. Vợ chồng tôi gửi tiền về cho bố mẹ rất nhiều nhưng ông bà cực kỳ tiết kiệm, nhà không có tiện nghi gì, vẫn dùng nước mưa ở bể, múc nước lên bọ gậy bơi đầy, rất kinh. Tôi là dâu trưởng, suốt ngày phải chúi mũi vào nấu cơm, nấu cho cả chục người ăn, xong lại đi rửa bát. Chồng tôi về đến quê tự nhiên thành gia trưởng, tuyệt đối không giúp vợ cái gì. Tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn có một cái Tết cho mình, tại sao chồng không bao giờ nghĩ cho tôi? Tôi nên làm sao đây?

Ngày Tết, dì Ba ăn nhiều thịt kho hột vịt quá nên tiêu hóa có vấn đề. Bác sĩ khuyên:

• Chị bị thiếu vitamin và chất xơ. Nên ăn nhiều trái cây như nho, lê, táo. Và nhớ ăn cả vỏ.

Tuần sau gặp lại, trông dì Ba còn thiểu não hơn. Dì năn nỉ:

• Bác sĩ coi lại giùm tôi. Tôi làm đúng lời khuyên bác sĩ, ăn nho, táo cả vỏ thì không sao, nhưng ăn trái dừa thì lâu quá...

Dì Ba hẳn đã có một cái Tết nặng nề (ít nhất là nặng bụng) vì máy móc áp dụng lời khuyên của bác sĩ. Còn bạn thì sao? Hẳn bạn đã đọc và nghe rất nhiều lời khuyên, rằng phụ nữ phải biết yêu bản thân hơn thì mới có hạnh phúc. Và thế là sau 10 năm hy sinh, bạn thấy đã đến lúc phải nghĩ đến nhu cầu của chính mình rồi. Vấn đề còn lại chỉ là chọn cách gì: ngọt nhạt, hay cứng rắn để bày tỏ quan điểm với ông chồng? Nhưng chỗ này sao khó quá, vì cả chục năm qua, cái chuyện bạn theo chồng về ăn Tết dưới quê chồng đã thành nếp, là chuyện đương nhiên. Vả lại, bạn là dâu trưởng, không về thì lấy ai nấu nướng, làm ảnh hưởng đến cái Tết và thể diện của cả gia tộc chứ chẳng chơi. Muốn chồng đồng ý có lẽ cũng khó như... nhằn trái dừa cả vỏ. Và lời khuyên của người ngoài (những người không biết thật sự gia cảnh bạn ra sao, tính khí ông chồng bạn thế nào) mà bạn áp dụng máy móc, thì hậu quả sẽ còn tệ hơn chuyện dì Ba nhiều.

Tuy nhiên, từ nỗi niềm của dì Ba, bạn có thể rút ra vài điều:

Thứ nhất là: “thái quá bất cập”, dẫu thịt kho hột vịt rất lành mà bổ dưỡng thì ăn nhiều quá cũng không tốt gì. Sự nhẫn nhịn của bạn nên có giới hạn, nếu chất chứa bất mãn trong lòng quá lâu, khi bùng nổ sẽ rất tệ và không kiểm soát nổi.

Thứ hai là: đừng cực đoan, cứng nhắc. Dẫu có ấm ức lắm, thì bạn cũng không nên khăng khăng: dứt khoát năm nay không về, bất kể chồng đồng ý hay không. Sự điều hòa, vừa phải, chuẩn bị từng bước một... thường là tốt để giải tỏa mâu thuẫn gia đình.

Chồng ơi, vợ cũng muốn có Tết - 1

Để có một cái Tết vui vẻ, thì việc đầu tiên là ta nên giảm bớt những áp lực tự mình đặt ra quanh chữ Tết (Ảnh minh họa)

Nhưng sức chịu đựng của tôi đến đây là cực điểm rồi. Nếu tôi không nên nhẫn nhịn quá, mà lại cũng không được cứng rắn quá, vậy thì tôi phải cư xử thế nào đây để tránh khỏi cái Tết cực hình đang tới?

“Cực hình” hay không chưa chắc đã ở nhà chồng mà là trong tâm bạn. Hãy tự hỏi, vì sao biết là cực mà 10 năm rồi mình vẫn chịu đựng? Cái gì cũng có giá của nó. Với những nàng dâu khác, ngày Tết không cực như bạn nhưng có thể họ đã phải chịu nhẫn nhịn “đối phó” với nhà chồng quanh năm. Chồng bạn “tự nhiên thành gia trưởng” trong 10 ngày Tết” nghĩa là hơn 350 ngày còn lại, anh ấy không phải thế, biết đâu đấy là một lời cảm ơn thầm lặng của anh ấy trước sự hy sinh của vợ? Hơn nữa, vẻ “gia trưởng” của chồng bạn dưới quê có thể cũng vì “đất lề quê thói”, ở đấy, chồng quan tâm tới vợ quá chỉ khiến vợ bị soi và ghét thêm. 10 ngày cực để đổi lấy 350 ngày chồng yêu, liệu đấy có phải là một thất thiệt quá lớn?...

Và bạn hãy hình dung nếu mình là một bà mẹ, con mình quanh năm ở với vợ, Tết đến cũng ôm vợ mà không về thăm mình thì bạn có buồn không? Bố mẹ chồng bạn đã “nhường” đứa con trai yêu dấu của họ cho bạn quanh năm rồi. Liệu họ có quyền vui mấy ngày Tết với dâu rể hay không?

Tôi không nói điều này để khuyên bạn nhẫn nhịn, mà để bạn có thể bớt nỗi ấm ức thua thiệt trong lòng. Chính nó mới khiến bạn cảm thấy “cực hình” vì mỗi lần rửa 1 cái bát dưới quê chồng, bạn lại thầm nhân nó lên 10 lần tương ứng với số năm đã qua, cộng thêm thái độ đáng ghét của chồng và nỗi thất vọng của bản thân vì “lại mất Tết” nữa. Thế là cái bát không còn là bát mà đã trở thành một sự tra tấn khủng khiếp. Và thậm chí, bạn đã cảm thấy nó từ hàng tháng trước khi mó tay vào nó nữa.

Ngày Tết, ta thường muốn mọi sự hoàn hảo, nhưng đấy là lý do khiến Tết đôi khi trở nên đầy áp lực. Cả năm không có bồ bịch không sao, nhưng Tết mà cô đơn thì thật là thê thảm. Cả năm vất vả không sao, nhưng ngày Tết mà không được xông xênh như đồng nghiệp, hàng xóm thì thật là tủi thân... Hãy tự hỏi, nếu đấy không phải là Tết thì liệu bạn có cảm thấy “cực hình” như hiện nay không? Hãy nhìn vấn đề đúng như nó đang xảy ra chứ đừng cộng vào đó quá nhiều cảm xúc và ý muốn chủ quan vì Tết. Khi tự cảm thấy vấn đề bớt trầm trọng thì bạn sẽ đối phó với nó sáng suốt hơn. Bạn cũng có thể kiên nhẫn hơn trong khi thuyết phục chồng mình.

Để có một cái Tết vui vẻ, thì việc đầu tiên là ta nên giảm bớt những áp lực tự mình đặt ra quanh chữ Tết. Mỗi một ngày ta biết sống vui là một ngày Tết rồi. Bạn hãy ăn Tết quanh năm, thay vì để mọi ước muốn chen chúc nhau trong vài ngày Tết.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Không thiết tha nhà chồng

Con dâu "xử" cả nhà chồng

Vợ "buôn chuyện" nhà chồng

Tết đến, dâu Tây hãi, dâu Ta sợ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mốt & cuộc sống
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN