Chồng không chấp nhận nổi vợ nhưng cũng không ly hôn

Ở đâu cũng có những gia đình bất hạnh do mối quan hệ đã xấu đi hoặc êm ấm một cách giả tạo nhưng bên trong rơi vào khủng hoảng triền miên, thậm chí gia đình đã thành địa ngục.

Nhật ký đàm thoại của một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội ghi lại trường hợp một ông giám đốc 52 tuổi, hàng chục năm nay sống tách khỏi gia đình. Vì vợ chồng không hợp nhau nên tuy nhà chỉ cách cơ quan độ chục cây số nhưng anh ta cứ đi suốt cả tuần đến chủ nhật mới đáo về một lúc.

Chồng không chấp nhận nổi vợ nhưng cũng không ly hôn - 1

Đừng đẩy nhau đến mức mất hết tình cảm, sự tôn trọng (Ảnh minh họa)

Một hôm có người hàng xóm mách nhỏ: "Sao bác để mẹ khổ thế. Bà cụ thèm trầu không mà phải hái lá hồng xiêm ăn thay lá trầu". Anh giận lắm, quay ra trách vợ. Vợ thanh minh là không biết và trách lại chồng sao không tự mua trầu cho mẹ? Lời qua tiếng lại, hai người cãi nhau. Bà mẹ đang ốm đứng dậy chắp tay: "Thôi tôi xin anh chị đừng cãi nhau vì chuyện ấy nữa, người ta cười". Bất đồ bà cụ vấp ngã đứt mạch máu não và đột ngột qua đời.

Từ đó anh ta cho rằng chính vì vợ mà mẹ mình chết. Gần mười năm nay hầu như vợ chồng không nhìn mặt nhau. Người tư vấn hỏi: "Nếu không thông cảm, tha thứ được cho nhau sao không tìm một giải pháp. Anh định cứ sống thế suốt đời à?”. Anh thở dài: "Muộn rồi, cháu lớn đang có người yêu. Sang năm nhà trai đến ăn hỏi. Bây giờ người ta nghe tin vợ chồng mình ly hôn còn ra thế nào?". Anh ta còn một cô con gái nhỏ nữa mới 13 tuổi.

Một chị 43 tuổi, chồng nhiều lần bỏ đi theo nhân tình cứ hết cô này đến cô khác, cả năm không về. Chị ở nhà vẫn nhẫn nại nuôi con. Nỗi đau dồn nén âm thầm trong lòng không dám ngỏ cùng ai. Đến cơ quan chị vẫn đóng vai người vợ hạnh phúc, gia đình ấm êm, coi như không có chuyện gì xảy ra. Ai hỏi, chị bảo chồng đi công tác. Nhưng đêm đêm không sao ngủ được, người cứ héo hon dần.

Những người thân thiết, ruột thịt khuyên chị ly hôn nhưng chị vẫn kéo dài cuộc hôn nhân chỉ còn trên danh nghĩa. Chị thở dài: "Vì bao nhiêu năm nay trót làm người hạnh phúc mất rồi. Giờ biết mình ly hôn vì bị chồng bỏ đi theo gái người ta cười”.

Dù xã hội tiến bộ, nhiều người mạnh dạn giải thoát mình khỏi những cuộc hôn nhân không hạnh phục. Nhưng trong thực tế vẫn có những cuộc hôn nhân chẳng hạnh phúc gì nhưng người ta tự an ủi bằng cảm giác nghĩ rằng mình cao thượng, mình hy sinh cho con, mình là người trước sau như một, sống "có đạo đức" và đôi khi cảm giác ấy cũng là một thứ "hạnh phúc" theo cách nghĩ của họ.

Cũng có người lần lữa vì con, vì phân chia tài sản quá khó. Có người e ngại dư luận xã hội … Nhưng có một thực tế là hầu hết những người đó khi đến tuổi già đều lấy làm hối tiếc. Có người tự nhận là nhu nhược, không dứt khoát, sĩ diện hão, vừa muốn được đằng này lại muốn được cả đằng kia nên phải trả giá bằng cuộc đời bất hạnh còn oán trách gì? Một ông già tâm sự: "Giá như mỗi người có hai cuộc đời thì vì sai lầm nên phải bỏ đi một và rút kinh nghiệm cho cuộc đời sau. Nhưng tiếc rằng mỗi người chỉ sống có một lần, đến bây giờ mới thấy ... tiếc đời!".

Theo tổng hợp của giáo sư Stella Quah, một nhà xã hội học của Đại học quốc gia Singapore, ngày nay, số vụ ly dị ở quốc gia này đã tăng gấp 3 lần so với năm 1990, còn ở Thái Lan gấp đôi. Nhật Bản trung bình cứ 2 phút lại có một đôi ly hôn. Trung quốc và Đài Loan tỷ lệ ly hôn đều tăng gấp đôi. Tỷ lệ này ở Hàn quốc hiện nay vượt cả nhiều nước châu Âu như Đan Mạch, Hungari. Tổng kết của Toà án TP HCM từ năm 2009, số vụ ly hôn cũng tăng đột biến, đặc biệt rơi vào các gia đình trẻ.

Đây không hẳn là dấu hiệu hôn nhân xuống cấp mà có thể là người ta đòi hỏi một chất lượng hôn cao hơn, là tự giải thoát khỏi hôn nhân bất hạnh. Đó cũng là gióng lên tiếng chuông cảnh báo chúng ta quan tâm hơn tới quan hệ vợ chồng trong thời hiện đại. Đừng đẩy nhau đến mức mất hết tình cảm, sự tôn trọng để rồi phải lựa chọn sự chia tay. Hôn nhân không phải là cái lồng giam tự do mà cần sự bồi dưỡng tình cảm, chăm sóc của cả hai bên.

Cám cảnh cặp vợ chồng không dám làm “chuyện ấy” vì ở trọ cùng bố mẹ

Vì ở trọ cùng bố mẹ chồng, không gian lại chật chội nên hai vợ chồng phải "nhịn" cả tháng trời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN