Chống dịch theo cách của du học sinh Việt: Chọn Tết xa nhà vì "ngồi yên là yêu nước"
Mặc cho nỗi nhớ nhà vẫn chưa nguôi ngoai trong ba năm, mặc cho cơ hội dịp nghỉ Tết trùng với lịch nghỉ học của trường "ngàn năm có một", nhiều du học sinh Việt tại Nhật vẫn chọn đón Tết xa nhà, đồng lòng thực hiện tốt khẩu hiệu "Ngồi yên là yêu nước".
"Thèm" Tết quá, thì lấy ảnh hoa anh đào ra ngắm cho vui vậy. (Ảnh: NVCC)
Tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 3. Trung bình mỗi ngày, số ca nhiễm có thể lên đến 6000 - 7000 người và bắt đầu từ ngày 13/1, chính quyền Nhật Bản đã mở rộng phạm vi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19 tới thêm 7 khu vực nữa, trong đó có Osaka và Kyoto, đồng thời siết chặt thêm các lệnh hạn chế ở khu vực biên giới. Tổng cộng, trong số 47 tỉnh của Nhật sẽ có 11 tỉnh nằm trong tình trạng giãn cách xã hội cao độ.
Bạn Nguyễn Hoài An Châu, du học sinh năm 3 tại Fukuoka Foreign Language College chia sẻ, vì nằm trong danh sách 11 tỉnh phải cách ly xã hội, nên Tết năm nay hẳn sẽ là một cái Tết cô đơn, khi chỉ có An và bạn cùng phòng mừng năm mới.
Xa nhà đã hơn 3 năm, nếu những năm trước, An không thể về nhà ăn Tết do lịch nghỉ học không trùng với thời gian nghỉ Tết, thì năm 2021 này, khi “thiên thời địa lợi” do lịch nghỉ Xuân của trường trùng với Tết Nguyên Đán thì “nhân lại không hòa” vì tình hình dịch bệnh tại Nhật và Việt Nam đều đang vô cùng căng thẳng. Cô bạn bồi hồi nhớ lại, những năm ở lại đi làm thêm xuyên Giao thừa và 3 ngày đầu năm mới, thấy nhớ gia đình và người thân lắm. Phần vì ở Nhật đã chuyển qua đón Tết theo lịch dương, phần vì là người ngoại quốc, nên cũng khó mà thấy ấm cúng như ở nhà.
Gọi vui Tết 2021 là “năm mới cô đơn”, thế nhưng An cũng đã lên kế hoạch cho những ngày sắp tới. Vì có không ít cửa hàng bán đồ Việt (dù giá thành “không phải dạng vừa”) thế nhưng cả An và bạn cùng phòng vẫn sẽ thu xếp để trang trí lại phòng ở, và nấu bữa ăn chay giống như truyền thống của người Việt. Bên cạnh đó, cô bạn cũng sẽ canh giờ, để gọi về chúc Tết cùng ba mẹ.
Bữa ăn mừng năm mới năm trước của An và bạn bè. (Ảnh: NVCC)
An Châu (bên trái) cùng bạn trong chuyến du Xuân năm trước. Ảnh: NVCC
Còn đối với Trần Ngọc Khánh Uyên, lần đón năm mới xa nhà đầu tiên này thực sự đáng nhớ. Lần đầu ăn Tết mà không có bố mẹ bên cạnh, đối với cô bạn thực sự là một thử thách khó khăn. Vì là thành viên của Hội sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản, nên vào năm mới này, Uyên sẽ cùng với Hội tổ chức một tiệc Tết nho nhỏ thông qua hình thức livestream để góp phần "chia" Tết đến cho những du học sinh Việt khác. Còn nhớ lúc diễn tập chương trình, nghe mọi người trình diễn bài hát Khúc giao mùa quá xúc động, nên cô bạn đã "lén" ra khóc khuất để khóc vì quá nhớ nhà, nhớ Tết của Việt Nam.
Vì theo học tại ngôi trường quốc tế, nên Uyên cũng cảm thấy bớt "lạc nhịp" vì xung quanh vẫn có khá nhiều học sinh Việt khác để làm quen và chia sẻ. Cùng với mọi người, cô bạn còn dự định sẽ cùng nhau tổ chức tiệc tất niên, xem Táo Quân để khiến Tết "xa" nhà trở nên "gần" hơn, vì thành phố mà Uyên học tập không nằm trong danh sách 11 tỉnh bị cách ly của Nhật.
Khánh Uyên hi vọng, Tết xa nhà lần này sẽ "gần" hơn khi được chung vui bên những người bạn mới. Ảnh: NVCC
Ông bố này chuẩn bị mọi cách để giúp phòng chống Covid-19 cho gia đình và cộng đồng.
Nguồn: [Link nguồn]