Chồng cảnh

Trên đời có nhiều người vợ như thế. Sai chồng làm gì chồng cũng làm hỏng hoặc nửa vời khó chịu. Bèn tự mình làm cho xong.

Chồng làm gì cũng sai, làm gì cũng hỏng. Nên vợ phải ôm tất (Ảnh minh họa)

Chồng làm gì cũng sai, làm gì cũng hỏng. Nên vợ phải ôm tất (Ảnh minh họa)

Có nhiều người vợ có chồng như làm cảnh chứ chẳng sử dụng được gì. Là họ làm hết mọi thứ và biến chồng thành “thú cảnh” cho vui cửa vui nhà, cho nhà có đàn ông, cho họ có tiếng là có chồng. Thậm chí, nhiều người biến luôn cả con cái thành "thú cảnh" khi làm hết, làm tất, làm tuốt…

Tôi không nói đến những người có sở thích như vậy. Những phụ nữ thuộc diện nữ cường, muốn tất cả phải theo ý chỉ của mình. Chồng mà ý kiến là trợn mắt, giậm chân. Con mà cãi lệnh là trừng trị thẳng tay. Mọi thứ trong nhà phải nhất tề ý vợ. Vợ lúc đó phải là Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái Hậu. Âu đó cũng là nhà phải có nóc vậy.

Tôi chỉ nói đến những người không muốn làm Võ Tắc Thiên hay Từ Hi Thái Hậu, là hoàn cảnh khiến họ phải một tay đỡ cả bầu trời, làm Nữ Oa vậy. Những phụ nữ phải ôm đồm tất thảy nếu như mình không làm thì ai làm? Và khổ cực với những việc đó. Và suốt ngày mỏi mệt, cằn nhằn trở thành cục tức âm ỉ chẹn ngực họ bao năm.

Bảo chồng đi đón con thì năm phen bảy bận chồng để con một mình giữa sân trường vắng chỉ vì “tụi bạn nó giữ mãi, đến lúc đi được thì đường tắc, mưa ngập nên đón muộn”. Kêu chồng dọn nhà thì chồng dọn rác vào gầm giường, đến bãi nôn của con cũng phủ cả tấn giấy ăn lên rồi coi như dọn xong. Tắm rửa cho con thì ướt hết cả tóc con. Làm gì cũng sai, làm gì cũng hỏng. Nên vợ phải ôm tất.

Nhiều người vợ như thế. Tiền chồng kiếm được bảo đưa vợ thì kêu anh phải chi cái này cái nọ hoặc cứ ậm ậm ờ ờ. Vợ sĩ diện mà không thèm đòi thêm lần nữa. Rồi phải lao đi làm thêm cái này cái nọ để bù đắp khoản hụt thiếu trong sinh hoạt gia đình. Thậm chí, có người vợ còn đau đớn nói: “…Em không làm thì đâu ra tiền? Còn tiền của ông ấy, em không thèm. Em cũng có lòng tự trọng của em. Em đã hỏi hai lần rồi nhưng lần nào cũng ậm ừ khiến em ức, em không thèm nói thêm lần thứ 3 nữa. Em tự kiếm”.

Cuối cùng thì người chồng đó đã làm gì cho hôn nhân này, gia đình này? Ờ thì vẫn là chồng, là cha. Ai hỏi chồng đâu thì có cái mà chỉ: Đấy! Chồng em kia kìa. Ờ thì có người đêm đêm bầu bạn là được rồi. Ờ thì… hết rồi! Vậy có khác gì thú cảnh nhỉ?

Tôi bảo này, chồng mà không sử dụng được thì phí cả cuộc hôn nhân ra. Chồng mà thành thú cảnh, đồ trưng thì mình thành osin, giúp việc, máy đẻ… rồi. Lấy chồng như thế khác nào bắt đầu nghề làm vợ toàn năng? Và đừng bao giờ mong có cơ hội nghỉ hưu. Đến năm 70 tuổi mới nhận ra mà ly dị thì quá muộn rồi.

Vậy anh bảo chị em tôi sẽ làm sao với một ông chồng như vậy? Bỏ đi à? Không! Bỏ đi chỉ là việc chẳng đặng đừng, sửa chữa mãi vẫn hỏng và ngày càng tệ hơn thôi. Còn giờ thì hãy sử dụng chồng đi, hãy "vét cạn" ví chồng đi bởi hôn nhân này anh ta cũng có phần đóng góp. Giao con cho chồng chăm đi vì con cũng là con của họ. Giặt giũ, nấu nướng, rửa bát… làm hỏng vài lần sẽ thành quen...

Đừng ôm hết mọi thứ vào mình nữa. Chia sẻ việc nhà không phải để bạn bớt mệt mà là chia sẻ trách nhiệm với gia đình. Chồng vô trách nhiệm là bởi bạn cho phép chồng làm vậy, bạn khuyến khích chồng bỏ bê nhà cửa, bạn đồng thuận cho chồng làm cảnh. Quyết liệt lên đi vì bạn cũng phải hạnh phúc trong hôn nhân này chứ bạn không phải là người chịu trách nhiệm duy nhất cho cuộc hôn nhân này. Xin nhớ cho!

7 năm sống với người chồng lười biếng, từ khi áp dụng 3 mẹo này chồng thay đổi 180 độ

Là vợ chồng thì phải san sẻ với nhau mọi thứ chứ không phải để vợ gánh vác hết tất cả, rồi sau đó không tôn trọng những gì cô ấy đã làm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhà văn Hoàng Anh Tú ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN