Chồng cằn nhằn vợ mua sắm
Anh ấy bảo tôi hoang phí còn tôi nghĩ mình ăn mặc đẹp thì chồng cũng hãnh diện với người ta.
Tôi không dám tự nhận mình luôn mặc đẹp, nhưng trung thực mà nói thì gu thẩm mỹ khá tốt, những bộ quần áo tôi mặc hoặc chọn cho người khác đều được khen. Tuy nhiên, chồng tôi phàn nàn rằng tôi dành nhiều thời gian và tiền bạc cho việc mua sắm quần áo, làm đẹp. Thậm chí hai vợ chồng cãi nhau về việc này, anh ấy bảo tôi hoang phí còn tôi nghĩ mình ăn mặc đẹp thì chồng cũng hãnh diện với người ta. Thật chẳng biết làm sao để chiều lòng chồng!
Mua quần áo quá nhiều là điều mà nhiều ông chồng không thích ở vợ mình. Trong khi các bà vợ nghĩ rằng, tủ quần áo cứ đầy kín mới đủ thì các ông chồng cho rằng, nếu hai ngày giặt quần áo một lần thì chỉ cần ba bộ công sở và hai bộ ở nhà là quá đủ. Thế nên, nhiều với người này có khi lại là ít với người kia và đủ với người này có khi lại là thiếu thốn với người kia.
Bạn kiếm được 10 triệu đồng/tháng và bỏ ra 1 triệu đồng mua sắm quần áo là bình thường, nhưng người kiếm được 3-5 triệu đồng/tháng thì rõ ràng số tiền chi cho việc đó là quá nhiều.
Ngoài ra, việc đủ ở đây tùy vào quan niệm của bạn ra sao, đủ quần áo để mặc không trùng nhau trong một tuần, một tháng, một năm. Hay đủ trang phục để mặc vào các dịp khác nhau như đi chơi, đi tiệc, hội nghị, lễ Tết, đám hiếu, đám hỉ...
Việc đủ - thiếu còn tùy thuộc vào tính chất công việc của bạn. Bạn phải giao lưu tiếp xúc nhiều, liên tục xuất hiện trước đám đông thì việc đầu tư mua sắm cho quần áo là cần thiết. Nếu chỉ ngồi văn phòng, ít tiếp xúc với bên ngoài thì đầu tư mua nhiều váy áo không quá cần thiết. Cần có tiêu chí cho việc nhiều - ít, đủ - thiếu để cân nhắc giữa thu và chi, không chỉ cho quần áo mà còn nhiều việc khác nữa.
Tôi biết cần cân nhắc khi mua sắm nhưng đó cũng là một thú vui và sở thích. Mua sắm quần áo giúp tôi giảm căng thẳng và thấy thoải mái cũng như việc các ông chồng đi cà phê, nhậu với bạn bè. Vậy tại sao tôi phải kiềm hãm tự do cá nhân của mình?
Nếu khả năng thuyết phục của bạn tốt thì chẳng lo “đụng độ” với chồng nữa (Ảnh minh họa)
Có thể bạn thấy làm việc mình yêu thích đó bao nhiêu cũng không đủ, nhưng số tiền chi cho nó thì có giới hạn nhất định. Chắc bạn sẽ không muốn tủ quần áo nhà mình thì đầy chật còn hũ gạo thì lại sạch trơn chứ. Bạn có thể mở ngay tủ quần áo của mình ra và tự hỏi bộ nào bạn đã không mặc nó ngay từ ngày mua về, hoặc mới chỉ mặc một lần trong cả năm nay. Điều đó có làm bạn thấy vui thích nữa không?
Bên cạnh đó, vì sở thích mua sắm của mình mà bạn làm cho chồng khó chịu, “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, vợ chồng lục đục sớm hôm thì có đáng không? Bạn có quyền làm những điều mình muốn, nhưng cái gì “vung tay quá trán” cũng không hay. Với lại, bạn đừng nên đem chuyện sở thích mua sắm của mình và thói quen cà phê, nhậu nhẹt của các đức ông chồng ra để so sánh. Đa số đàn ông đều hiếu thắng nên thật hiếm khi họ nhường nhịn bạn, bởi vậy “chiến sự” chỉ căng thẳng hơn khi hai bên đều cố chấp.
Có một số cách giúp bạn biết được giới hạn chi tiêu của mình trong việc mua sắm quần áo:
• Ghi lại những khoản thu chi của mình và thường xuyên xem nó, điều này giúp nhắc nhở bạn về số tiền dành cho mua sắm quần áo chiếm bao nhiêu phần trăm của thu nhập hàng tháng. Từ đó sẽ có điều chỉnh hợp lý hơn. Bạn chi những thứ cần thiết cho cuộc sống của mình trước. Sau đó mới bắt đầu đi mua sắm quần áo với khoản tiền còn lại. Bạn sẽ không phải lo nếu sở thích mua sắm của bạn nổi lên quá đà ăn vào hũ gạo nhà bạn.
• Nói về việc mua sắm quần áo của bạn với chồng mình hoặc với người bạn không có sở thích đó để nhận được những lời can ngăn cần thiết. Họ sẽ đưa cho bạn những lý do khiến bạn phải chùn bước khi định tiến vào một cửa hàng quần áo nào.
• Bạn có thể khéo léo phối hợp các loại quần áo với nhau thành những trang phục mới mẻ mà không hề tốn kém. Chính sự phối hợp đó giúp bạn có những bộ trang phục theo đúng ý của bạn hơn cả.
Trong những khoản chi tiêu hàng ngày, sẽ có những khoản chi là bắt buộc, có khoản chi là cần và có những khoản chi chỉ là nên. Mua sắm quần áo cũng vậy, trước khi mua bạn có thể đặt cho mình câu hỏi: “Mình có bắt buộc phải mua nó không?”. Nếu chưa bắt buộc thì dừng lại để dành cho những thứ đang bắt buộc phải chi tiêu khác.
Ngoài việc kiểm soát chi tiêu, bạn cũng cần làm cho chồng cảm thấy rằng việc mua sắm của mình là thích đáng và không khiến “két sắt” hao hụt nhiều. Nếu chồng bạn không phải là kiểu người cổ hủ, bạn có thể giúp anh ấy thay đổi tư duy về việc mua sắm của phái đẹp, xem điều đó cũng giống như anh ấy thích ngồi cà phê, quán nhậu với bạn bè. Nếu khả năng thuyết phục của bạn tốt thì chẳng lo “đụng độ” với chồng nữa.