Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đại dịch này không chỉ ảnh hưởng đến y tế mà rất nhiều ngành khác cũng chịu liên đới nặng nề. Đã có nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phá sản kéo theo sự khó khăn cho người lao động.
Khối ngành dịch vụ điêu đứng, nhân viên gồng mình cầm cự
Covid-19 đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Chủng virus nguy hiểm này khiến cả thế giới hoang mang vì sức lây lan rất nhanh, dễ dàng và đã ghi nhận trường hợp tử vong. Không chỉ về y tế, Covid-19 còn khiến nhiều ngành liên quan phải lao đao.
Kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi phần lớn người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, qua đó nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ suy giảm rõ rệt. Khủng hoảng nhất phải kể đến khối dịch vụ như du lịch, nhà hàng, các tụ điểm vui chơi giải trí. Việc không tìm được đầu ra cho sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
Anh Nguyễn Văn Kế (36 tuổi), quản lý một nhà hàng trên phố Láng Hạ, Hà Nội cho hay, anh chưa từng thấy tình trạng này trong suốt nhiều năm làm nghề. "Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, nhà hàng hiếm khi chật bàn, mọi hoạt động tổ chức liên hoan, tiệc tùng đều bị hủy bỏ" - anh Kế chia sẻ.
“Hiện tại lượng khách đến nhà hàng sụt giảm rất lớn. Số bàn khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần chỉ là khách đi đơn lẻ, không có khách đi theo đoàn. Hơn nữa, khách cũng thường xuyên yêu cầu được bố trí ngồi riêng tư hơn là ngồi gần cạnh nhau như trước thời điểm có Covid-19.
Không chỉ riêng nhà hàng chúng tôi, tình hình chung trên phố Láng Hạ và những con phố có nhiều nhà hàng, quán ăn phục vụ dân văn phòng quanh đây cũng đều ế ẩm”, anh Kế cho biết thêm.
Mặc dù phải chịu những tác động nặng nề từ Covid-19 nhưng nhà hàng nơi anh Kế làm việc vẫn duy trì được tinh thần lạc quan, đồng hành cùng khách hàng để kiên trì chống dịch.
“Hiện tại nhà hàng chúng tôi đang tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Bộ Y tế. Tất cả nhân viên đều đeo khẩu trang khi làm việc, phải rửa tay bằng dung dịch khử trùng và được kiểm tra thân nhiệt. Đối với khách hàng, chúng tôi cũng yêu cầu rửa tay và đo nhiệt độ để đảm bảo an toàn.
Vì số lượng khách hàng giảm nên việc cắt giảm nhân viên là khó tránh khỏi. Tuy nhiên chúng tôi luân phiên nhau nghỉ để giảm tải quỹ lương. Dù khó khăn song phần đông các bạn đều lạc quan và đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Kế cho biết.
Không chỉ khối nhà hàng, ẩm thực “dính đòn” mà ngành du lịch, khách sạn cũng khốn đốn vì Covid-19. Trong mùa dịch, người dân được khuyến cáo hạn chế tối đa di chuyển bởi vậy dù du lịch có khuyến mãi sâu đến đâu, nhiều ưu đãi đến đâu cũng không thể cứu vãn tình hình.
Chị Hoàng Giang (35 tuổi, Hà Nội) là nhân viên kinh doanh dịch vụ du lịch cho biết, ngành của chị đang thực sự lâm nguy khi mà tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội trở lại.
“Ở thời điểm Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh khi số người mắc là 16 và tất cả đều được chữa khỏi, du lịch đã có dấu hiệu khởi sắc. Những kế hoạch quảng bá cùng những đãi ngộ hấp dẫn đã khiến người dân yên tâm du hý. Tôi bắt đầu đã có khách trở lại.
Thế nhưng từ sau khi Hà Nội ghi nhận trường hợp thứ 17 dương tính với Covid-19, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ gần như dậm chân tại chỗ. Đối với những khách đã đặt lịch từ trước và rơi đúng vào đợt dịch này cũng chịu thiệt hại.
Đây là tình trạng chung của toàn ngành, hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên không thể hỗ trợ nhiều. Trong khi đó các khách sạn chỉ tạo điều kiện rời lịch hoặc trừ tiền vào lần đặt phòng tiếp theo. Nhân viên chúng tôi thì chỉ biết cầm cự chờ qua đợt dịch, hy vọng mùa hè này sẽ khởi sắc hơn”, chị Giang chia sẻ.
Văn phòng vắng tanh, dân công sở giảm lương để làm việc ở nhà
Khối văn phòng tưởng như ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng thực chất không phải. Dân công sở cũng điêu đứng khi Việt Nam thắt chặt công tác phòng, chống dịch. Phần lớn các công ty đều khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà để hạn chế tụ tập đông người. Thế nhưng kèm theo đó là chế độ, chính sách cũng bị ảnh hưởng.
Lê Kiên (33 tuổi, Hà Nội) chia sẻ đã phải làm việc ở nhà hơn một tháng qua và chỉ được nhận 50% lương. Công ty Lê Kiên chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi Covid-19 khi đối tác chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Covid-19 bùng phát khiến công ty chúng tôi trở tay không kịp. Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản. Những dự án đó cũng đã xin được tài trợ ở trong nước lên đến cả tỷ đồng. Những tưởng sau khi nghỉ Tết, anh em nhân viên làm không hết việc nhưng nào ngờ Covid-19 đã đảo lộn tất cả.
Mọi sự kiện vui chơi giải trí đều phải hủy bỏ nên hợp đồng không thể thực hiện. Các nhà tài trợ vì thế cũng rút lui. Công ty chúng tôi ở giữa thì mất việc. Trong khi đó tiền thuê mặt bằng ở phố lớn quá đắt đỏ, lại thêm tiền lương cho nhân viên là quá sức với chủ doanh nghiệp.
Vì thế chúng tôi phải làm việc ở nhà và chỉ nhận 50% lương. Đây thực sự là cú sốc cho tất cả nhưng đều phải chấp nhận. Chúng tôi hiểu được những khó khăn mà chủ doanh nghiệp phải đương đầu nên sẵn sàng chia sẻ. Tôi luôn nghĩ về những điều tích cực nên ở khía cạnh nào đó, ở nhà làm việc sẽ được nhiều thời gian bên gia đình hơn”, Lê Kiên cho hay.
Công ty của Trần Linh (28 tuổi) ở Cầu Giấy cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Linh được yêu cầu làm việc tại nhà. Chỉ trừ trường hợp họp quan trọng mới phải đến công ty. Thế nhưng chế độ lại không tốt được như công ty của Lê Kiên.
“Công ty tôi có quy mô nhỏ, các sếp đều trẻ tuổi và mới khởi nghiệp nên cũng khó khăn lắm. Tôi vào công ty từ những ngày đầu nên hiểu rất rõ tình hình. Hiện tại mọi chi phí đều không giảm nhưng không tìm được nguồn thu. Vì thế nhân viên phải chung tay cùng lãnh đạo.
Chúng tôi đã làm việc ở nhà khoảng 1 tháng nay. Lương thì giảm sâu. Có trường hợp chỉ được nhận lương cơ bản để duy trì cuộc sống. Tôi thì vẫn được hỗ trợ 6 triệu đồng mỗi tháng vì còn phải chạy đi chạy lại.
Tinh thần mọi người lúc đầu còn hoang mang, hay phàn nàn nhưng ở đâu cũng thế nên hiện tại chúng tôi đều khá lạc quan. Dịch bệnh không thể kéo dài mãi, một vài tháng tới chúng tôi hoàn toàn có khả năng cầm cự để làm lại trong giai đoạn sau của năm 2020”, bạn Linh lạc quan chia sẻ.
Muôn kiểu làm thêm “chữa cháy” mùa Covid-19
Việc bị cắt giảm hoặc nghỉ không lương là vấn đề vô cùng nan giản đối với những lao động ngoại tỉnh. Phần lớn thu nhập hàng tháng phải dùng vào những khoản chi cố định như thuê nhà, đóng tiền điện nước, chưa kể chi phí nuôi con nhỏ.
Cô giáo Mai Hoa (23 tuổi) đang công tác tại một trường mầm non Tư thục ở Cầu Giấy đang trải qua những ngày rất khó khăn. Vì là trường tư nên mọi khoản thu chi đều phải tự lực. Chi phí thuê mặt bằng quá đắt đỏ trong khi học sinh không được đến trường khiến chủ đầu tư phải tạm ngưng hoạt động dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên mất việc.
“Tôi không nghĩ tình hình dịch bệnh lại kéo dài như vậy. Trong tháng 2, nhà trường có kêu gọi phụ huynh hỗ trợ 50% học phí. Mọi người cũng vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên nếu tiếp tục kêu gọi nữa chắc chắn sẽ có người phản ứng nên ban giám hiệu phải chọn giải pháp khác.
Dù rất buồn nhưng việc đóng cửa trường là hướng đi bắt buộc. Chúng tôi cũng phải ở nhà và phải tìm công việc khác. Chi phí ở thành phố quá đắt đỏ hơn nữa tôi còn đến hạn nộp 3 tháng tiền nhà.
Xin việc mới trong thời điểm này quá khó khăn. Những công việc phổ thông đều không có nhu cầu tuyển dụng. Tôi cũng đã tập tành bán hàng online nhưng thực sự không dễ dàng.Tôi không biết nguồn nhập hàng, cũng không thể cạnh tranh với những người làm lâu năm. Vì thế tôi chỉ biết lên mạng xã hội nhận ship hàng thuê”, cô giáo Mai Hoa chia sẻ.
Những người làm trong ngành dịch vụ, du lịch, sự kiện cũng phải tìm hướng mới để ổn định cuộc sống. Những ngày công ty cho nghỉ không lương hoặc những buổi tối sau khi hoàn thành công việc, một số bạn vẫn miệt mài tìm thêm việc để tăng nguồn thu.
“Đến công ty làm gì có việc đâu, cả tháng qua không có nổi một sự kiện nào nên nhân viên kho bãi như tôi ngồi chơi suốt. Giám đốc cũng đã niêm phong kho và cho mọi người về nhà, đợi qua đợt dịch rồi trở lại làm việc.
Tôi không thể ngồi không được, một ngày không kiếm được vài trăm nghìn có mà chết đói. Thanh niên xa quê biết bao nhiêu khoản phải lo. Sẵn tiện có xe máy, tôi đăng ký làm xe ôm công nghệ, kiêm thêm chở hàng. Lượng khách mùa dịch này cũng không nhiều nhưng cũng đủ giúp tôi cầm cự”, bạn Long (23 tuổi, Thái Bình) tâm sự.
Cũng phải lao ra ngoài bươn chải nhưng công việc của Hải Hưng (33 tuổi, Hà Nội) đỡ vất vả hơn. Hiện tại anh Hưng đang làm việc ở một trung tâm đào tạo. Tuy nhiên thời gian qua trung tâm không được nhận học sinh vì dịch bệnh nên cũng rất khó khăn. Anh Hưng và nhiều đồng nghiệp khác tạm nghỉ ở nhà.
“Tôi không may mắn khi công việc giảng dạy vừa ổn định thì dính đại dịch Covid-19. Tôi đành quay về nghề cũ là làm gia sư. Đợt nghỉ kéo dài này các em học sinh không đi học nên nhu cầu bồi dưỡng kiến thức tăng cao, đặc biệt là những khối cuối cấp. Tôi nhận dạy kèm Toán, Lý, Hóa cho những em từ lớp 7 đến lớp 12 nên cũng duy trì được cuộc sống”, anh Hưng chia sẻ.
Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này dẫn đến tình trạng kinh tế còn khó khăn trong thời gian tới. Thế nhưng đây là vấn đề chung mà tất cả xã hội phải đối mặt. Vì thế tinh thần đoàn kết, lạc quan là điều quan trọng nhất để cùng nhau chống dịch.