Chỉ có 2/18 quán quân Đường lên đỉnh Olympia sau du học về nước
Trong số 18 Quán quân Đường lên đỉnh Olympia, hiện chỉ có 2 người là Lương Phương Thảo và Lê Viết Hà trở về nước sau khi học tập tại Australia. Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình này đã chảy máu chất xám và là nơi tuyển chọn những tài năng trẻ cho nước khác…
Trần Thế Trung - chủ nhân của vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19. Ảnh: TL
Chỉ có 2 nhà vô địch về nước sau du học
Mới đây, Trần Thế Trung - chủ nhân của vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19 chia sẻ về kế hoạch của mình sau khi giành được phần thưởng 35.000 USD để đi du học ở Úc. Em cho biết còn đang lưỡng lự, cân nhắc vì trước mắt còn một năm học tập nên tập trung cho việc học. Tuy nhiên, Trần Thế Trung cũng cho rằng, nếu đi du học cũng có lý do để trở về đóng góp cho quê hương vì được sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, từ nhỏ luôn mong ước được gắn bó với quê hương, đất nước.
Trong khi Quán quân năm 2019 đang "phân vân", nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội trước thực trạng, trong suốt chặng đường 19 năm qua, chỉ có 2 nhà vô địch trở về nước làm việc sau khi đi du học. Trong số 18 Quán quân "Đường lên đỉnh Olympia", Lương Phương Thảo và Lê Viết Hà trở về nước sau khi học tập tại Australia, còn Nguyễn Hoàng Cường chưa đi du học. Quán quân Olympia năm thứ 3 gọi tên Lương Phương Thảo (THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) tốt nghiệp Thạc sĩ, đã về nước làm việc cho một công ty quảng cáo tại TP HCM. Còn Lê Viết Hà (THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) nhà vô địch năm thứ 7 sau khi có 2 bằng cử nhân tại Úc, đã trở về Việt Nam làm việc vào cuối năm 2017.
Sau mỗi trận chung kết, nhiều người lại bày tỏ mối lo về hiện tượng "chảy máu chất xám" khi số lượng Quán quân Olympia học xong không về nước ngày càng tăng lên. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng cuộc thi sôi nổi của học đường này đã trở thành nơi tuyển chọn tài năng cho nước Úc. Tuy nhiên, với nhiều người lại có góc nhìn khác về vấn đề này. Từng du học tại Anh, bảo vệ Thạc sỹ tại Mỹ, nên TS Nguyễn Trung Thành (Giảng viên Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội) khá thông cảm cho quyết định du học rồi ở lại của nhiều nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia và những du học sinh khác.
"Đa phần du học sinh Việt Nam tại các nước giáo dục phát triển sau khi học xong đại học đều muốn ở lại học nâng cao trình độ, sau đó là tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp tại đó. Bởi khi học xong mà về nước thì sẽ khó phát triển cũng như khó sử dụng được kiến thức đã học. Nếu về nước một là mở doanh nghiệp, hai là làm cho doanh nghiệp nước ngoài, chứ bỏ ra nhiều tiền du học mà mức lương Tiến sỹ, Thạc sỹ chỉ được chục triệu một tháng phổ biến như hiện nay, ít du học sinh trở về", TS Nguyễn Trung Thành chia sẻ.
Không nên coi đó là "chảy máu chất xám"
Đang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ về giáo dục tại Úc, ThS Nguyễn Sóng Hiền cho rằng: "Việc đi du học hay ở lại học trong nước là quyền của cá nhân. Cũng như việc ở hay về sau khi du học là do mỗi cá nhân tự quyết định. Mỗi người họ đều có những lý tưởng riêng, mục đích riêng, hoàn cảnh riêng lý do riêng để quyết định tương lai của mình. Riêng con số chỉ có 2/18 thí sinh trở về nước cho thấy, đa số đã và đang ở lại Úc và hầu hết họ đã và đang thành công với lựa chọn của họ. Xét cho cùng thì ở đâu mà mỗi cá nhân họ phát huy được hết khả năng và tài năng của họ thì nên ở".
Cũng theo ThS Nguyễn Sóng Hiền, không nên coi chuyện du học sinh ở lại các nước là "chảy máu chất xám". Thế giới toàn cầu hóa thì mỗi cá nhân đều trở thành công dân toàn cầu. Đó là xu thế tất yếu mà các quốc gia trên thế giới không thể đứng ngoài. Vấn để đáng bàn ở đây là chính sách của quốc gia về giáo dục về đào tạo và thu hút nhân tài không chỉ đơn thuần mặc định bó hẹp trong khuôn khổ quốc gia mà phải hướng tới các nguồn lực tài năng ở các quốc gia khác như chính phủ Úc đã và đang làm.
Ngoài ra, khái niệm đóng góp cho quê hương giờ nên định nghĩa lại trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tại sao chúng ta vẫn mãi duy trì một định kiến cổ hủ là cứ phải ở trong nước mới đóng góp cho quê hương? Thực tế ở trong nước chắc gì đã cống hiến nhiều nếu như những cá nhân đó thành tài ở những quốc gia phát triển. Một nhà khoa học chẳng hạn, nếu họ thành danh ở những nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Pháp, Úc... thì những công trình đó của họ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ một quốc gia mà có giá trị cho nhiều cộng đồng quốc gia khác.
"Không phải chúng ta cũng rất tự hào khi những tên tuổi Việt Nam thành danh ở năm châu đang nâng vị thế Việt Nam lên hay sao? Đừng định kiến với du học sinh ở lại. Mỗi cá nhân họ đều có sự lựa chọn của riêng mình và việc ở lại hay trở về hãy xem như việc cá nhân của họ. Việc chúng ta cần quan tâm bây giờ là chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, đấy mới là vấn đề cần thảo luận", ThS Nguyễn Sóng Hiền chia sẻ.
Chương trình Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2019 đã khép lại với chiến thắng của thí sinh Trần Thế Trung đến từ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, song dư âm của nó vẫn còn để lại. 19 năm qua, phần lớn các nhà vô địch đã đi du học và thành công tại nước ngoài, với những người chưa đi du học vẫn đang ấp ủ và dự định sẽ đi du học sau khi hoàn thành chương trình học THPT. Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia giáo dục, Chương trình là một sân chơi bổ ích đối với học sinh, dành được nhiều tình cảm của người dân cả nước. Với những nhà vô địch, đây là một cơ hội để dành học bổng du học phát triển tài năng. |
Vô địch cuộc thi chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 thuộc về Trần Thế Trung, Nghệ An.