Chỉ 3 trường hợp này mới có thể làm bạn sau khi chia tay, bạn nên cân nhắc
Thực ra, bạn có thể duy trì mối quan hệ bạn bè với người yêu cũ một cách bình thường nếu thuộc 3 trường hợp này.
Chỉ có vài trường hợp có thể làm bạn sau khi chia tay. (Ảnh minh họa)
Sau khi chia tay, phần lớn mọi người sẽ được khuyên không nên tiếp tục làm bạn, vì những kỷ niệm của quá khứ sẽ đeo bám và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hiện tại của bạn. Người ta bảo “thà đau một lần rồi thôi”, nếu vẫn cứ cố chấp dây dưa với người yêu cũ, bạn sẽ thấy kết quả chẳng có gì thay đổi, hơn nữa còn khiến bản thân chịu đựng thêm sự dày vò.
Bởi vậy, nhiều cặp đôi sau khi chia tay chọn cách cắt đứt liên lạc với nhau mãi mãi. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại những người sau khi chia tay vẫn có thể làm bạn bè, thỉnh thoảng trò chuyện với nhau, chia sẻ tình hình hiện tại cho đối phương biết. Chỉ có 3 trường hợp có thể làm bạn sau khi chia tay sau đây, bạn nên cân nhắc khi xác định mối quan hệ với người yêu cũ.
1. Chưa từng thực sự yêu nhau
Thông thường, hai người yêu nhau mới trở thành một cặp đôi. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có một số người ở bên nhau chỉ vì thích hoặc vì một mục đích cá nhân nào đó chứ không hẳn đã yêu.
Khi không thể kiên nhẫn chờ gặp được “chân ái” của đời mình, một số người có xu hướng quen nhau một cách tạm bợ. Vì cô đơn quá, vì muốn có người yêu cho bằng bạn bè, hoặc gì lý do nào đó, một người đôi khi chẳng cần yêu vẫn nhanh chóng tìm thấy một nửa “nhân danh tình yêu” của mình.
Hai người trông bề ngoài có vẻ giống một cặp đôi yêu đương thực sự nhưng tình cảm lại trống rỗng, chẳng có sự ràng buộc nào cả. Tình cảm nửa vời như vậy dù có chia tay họ cũng chẳng thấy đau buồn gì. Trong lòng cả hai người đều cảm thấy rất bình thường, nghĩ làm bạn với nhau có lẽ sẽ tốt hơn. Họ không cảm thấy gượng gạo, thậm chí rất thoải mái, coi mọi chuyện không có gì to tát.
2. Trong lòng vẫn còn yêu, hy vọng tình cảm trở về như cũ
Không phải ai chia tay cũng đều vì hết yêu hoặc không thể quay trở lại như cũ. Một số người nói lời chia tay vì những mâu thuẫn nhất thời. Họ chọn cách cho cả hai có được khoảng không gian và thời gian riêng để bình tĩnh nhìn nhận lại tình cảm thực sự của mình. Dù mang tiếng chia tay nhưng trong tim họ vẫn luôn nghĩ về nhau, hy vọng mọi thứ sẽ ổn.
Cho dù 1 trong 2 người muốn hòa giải hoặc cả hai đều muốn nhưng họ cảm thấy có chút xấu hổ nếu nói ra trực tiếp. Vì không hiểu được đối phương nghĩ gì nên cả hai chọn cách lùi lại một bước, nói chuyện với nhau trên danh nghĩa bạn bè. Sau một khoảng thời gian, cả hai đã suy nghĩ thấu đáo, nếu nhận ra mình vẫn không thể sống thiếu đối phương, họ lại quay trở về bên nhau.
Nhiều cặp đôi vẫn chọn cách giữ mối quan hệ bạn bè sau khi chia tay. Về cơ bản, ít nhất 1 trong 2 người vẫn còn tình cảm với đối phương và chờ đợi cơ hội vào một ngày nào đó.
3. Sống lý trí “cầm được buông được”
Khi yêu, phần lớn mọi người sẽ bị cảm xúc chi phối, sau khi chia tay thường rất đau buồn. Thế nhưng cũng có những người sống rất lý trí, “cầm được buông được”, không quá đặt nặng vấn đề tình cảm, không để bản thân sống mãi với quá khứ được và tiếp tục bước về phía trước.
Đối với kiểu người này, một khi đến với quyết định chia tay, tất cả mọi cảm xúc về đối phương sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Đối với họ, kể cả khi chia tay cả hai vẫn có thể làm bạn bè bình thường. Thiếu đi bóng dáng một người quen thuộc không khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn hay mất cân bằng.
Một người sống quá lý trí như vậy có thể bị đánh giá “máu lạnh” nhưng bản thân họ lại cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn này. Dù trải qua chuyện gì đi chăng nữa, họ luôn có thể yêu và bắt đầu lại mọi thứ một cách dễ dàng.
Nếu không rơi vào 3 trường hợp trên, sau khi chia tay tốt nhất nên “phũ phàng” mọi thứ. Tuy nhiên, nếu muốn cả hai vẫn là bạn bè, điều kiện tiên quyết đối phương không được trì hoãn hay cản trở tương lai của bạn. Đừng bao giờ để người yêu cũ làm phiền đến cuộc sống hiện tại của bạn dù đó có là mối quan hệ bạn bè đi chăng nữa.
Nguồn: [Link nguồn]
Bạn sẽ dễ dàng thấy được có một sự khác biệt rất rõ giữa người cấp thấp và cấp cao trong chính tính cách của họ.