Chàng trai vượt nghịch cảnh, tốt nghiệp loại giỏi trường Luật

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bố mẹ bỏ đi từ nhỏ, Công Dân sống trong cảnh nghèo khó với bà, song đã vượt qua khó khăn để tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM.

Bùi Công Dân, sinh viên chuyên ngành Luật dân sự, tốt nghiệp với điểm trung bình (GPA) 3,28/4, đạt loại giỏi như mục tiêu đặt ra từ khi đặt chân vào TP HCM nhập học.

Nam sinh nói hành trình đến với tấm bằng cử nhân không chỉ tính bằng khoảng thời gian 4 năm mà còn phải kể đến đoạn đường chông gai trước đó.

"Đây là một hành trình trắc trở mà có lẽ cách đây 10 năm mình không dám mơ. Mình không thể có ngày hôm nay nếu không có sự cưu mang của cộng đồng và cũng cảm ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc", Dân chia sẻ.

Bùi Công Dân, 22 tuổi, quê Phú Yên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bùi Công Dân, 22 tuổi, quê Phú Yên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dân sinh ra đã không biết mặt bố. Đến 6 tháng tuổi, mẹ đi bước nữa, Dân chuyển sang sống với bà ngoại cùng chị gái. Dân kể số lần gặp mẹ thưa dần, ba bà cháu làm lụng kiếm ăn qua bữa, thu nhập mỗi ngày khoảng 30.000-40.000 đồng. Vì thuộc diện hộ nghèo, Dân và chị được miễn học phí, còn quần áo, sách vở đều xin lại từ hàng xóm.

Hết lớp 8, chị gái phải bỏ học, nhường cơ hội đến trường cho em vì bà không thể nuôi cả hai cháu ăn học cùng lúc. Bốn năm sau, đến lượt Dân cũng muốn nghỉ học để đi làm nuôi bà. Nhưng trong sâu thẳm, nam sinh vẫn khao khát được đến trường để mong một ngày đổi đời.

"Mình viết một bức thư trình bày hoàn cảnh, gửi đến UBND xã với hy vọng tìm được mạnh thường quân giúp đỡ", Dân nhớ lại. Biết tin, chương trình Cặp lá yêu thương của VTV24 đã đưa câu chuyện của Dân lên sóng truyền hình. Nam sinh được hỗ trợ sinh hoạt phí ít nhất 200.000 đồng mỗi tháng, cùng suất học bổng học phí trong thời gian đại học.

Cuối năm lớp 12, Dân chọn theo học trường Đại học Luật TP HCM, dù bà hết lòng khuyên theo khối ngành công an vì vừa không tốn học phí, lại yên tâm về công việc sau khi ra trường.

"Mình dõng dạc nói bà yên tâm, mình sẽ tự kiếm tiền sinh hoạt", Dân kể. "Dù tự tin để trấn an bà, nhưng trên chuyến xe vào Sài Gòn nhập học, mình rơi nước mắt khi chứng kiến bạn bè có bố mẹ đồng hành, còn mình lủi thủi".

Đại diện trường Đại học Luật TP HCM cho biết câu chuyện của Công Dân khiến nhiều thầy cô xúc động. Ngay khi Dân nhập học, trường trao học bổng miễn phí năm đầu và toàn bộ giáo trình. Một giảng viên đã mời nam sinh về ở cùng và cho mượn xe máy để đi học.

Giải quyết được nỗi lo chỗ ở, Dân đăng ký và tham gia phỏng vấn nhiều loại học bổng dài hạn. Dân được bốn tổ chức đồng ý cấp học bổng suốt 4 năm, nhưng chỉ được chọn một. Cuối cùng, Dân chọn học bổng của quỹ Vietseeds, với khoản tài trợ 1.500 USD mỗi năm. Cộng với số tiền học bổng 200 triệu đồng của chương trình Cặp lá yêu thương, Dân yên tâm về học phí.

Sau khoảng 4 tháng ở nhờ nhà thầy, nam sinh xin chuyển ra ở trọ để tiện đi làm thêm. Dân chọn những công việc dễ "xoay" ca như nhân viên bán hàng hoặc phục vụ, lễ tân, thu nhập khoảng 1,3-1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Nam sinh gói ghém chi phí sinh hoạt mỗi tháng không vượt quá 2,5 triệu đồng bằng cách ở ghép với bạn, tự đi chợ nấu ăn. Suốt khoảng thời gian đại học, Dân hạn chế đi chơi, tụ tập với bạn bè, hai năm mới mua quần áo một lần.

Song song đó, Dân nỗ lực duy trì kết quả học tập ở mức khá giỏi để "săn" học bổng của tổ chức, doanh nghiệp. Nam sinh cho hay những học bổng này thường không ràng buộc về số lần nhận, nên tổng cộng trong 4 năm, Dân giành được khoảng 15 suất.

Nam sinh cho hay ngày học năm thứ nhất vẫn giữ thói quen thời phổ thông. Cứ 7h tối, Dân ngồi vào bàn, chủ động xem trước, tóm tắt, soạn sẵn nội dung bài học, cố gắng học thuộc những điều luật. Nhưng cách này không hiệu quả, điểm số không cao. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều anh chị khóa trên, nam sinh nhận ra ngoài đọc kỹ các điều luật còn cần áp dụng để phân tích tình huống, bài tập thầy cô cho để hiểu và nhớ lâu hơn. Cùng đó, Dân tìm đọc nhiều tài liệu, bản án thực tế để bổ sung, cập nhật kiến thức.

Đến đầu năm thứ tư, Dân dừng việc làm thêm, tập trung làm khóa luận tốt nghiệp và học Tiếng Anh. Tự ôn theo tài liệu trên mạng, Dân chật vật đến lần thứ tư mới đạt TOEIC 575 điểm cho hai kỹ năng, đáp ứng chuẩn đầu ra.

Công Dân chụp ảnh cùng bà ngoại và cháu khi nhận danh hiệu Sinh viên tiêu biểu tỉnh Phú Yên năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công Dân chụp ảnh cùng bà ngoại và cháu khi nhận danh hiệu Sinh viên tiêu biểu tỉnh Phú Yên năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Yến, giảng viên khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, ấn tượng vì Công Dân luôn năng nổ phát biểu trong giờ học.

Trong một lần dạy lớp đến hơn 9h tối, cô bắt gặp nam sinh ngồi một mình ở khu tự học. Khi hỏi thăm, cô mới biết Dân đang luyện tiếng Anh nhưng ở trọ quá nóng nên đành lên khu tự học của trường.

"Dân là chàng trai rất nghị lực, biết mình muốn gì và lên kế hoạch cho từng giai đoạn rất rõ ràng. Khi em dừng làm thêm, tôi lo em hụt tài chính nhưng không ngờ em đã có kế hoạch tích lũy, phân bổ số tiền học bổng", cô Yến cho hay.

Dân đang ở quê nghỉ ngơi, trước khi tìm việc làm. Nam sinh mong được làm việc ở phòng pháp chế của doanh nghiệp hoặc văn phòng luật sư để tích lũy kinh nghiệm, kết hợp nâng cao khả năng tiếng Anh. Sau đó, Dân sẽ cân nhắc học thạc sĩ hay thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư.

"Một dự định khác là sớm đưa bà đi du lịch, mình đã dành dụm một khoản nhỏ cho việc này", Dân chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Trở thành thủ khoa đầu ra, Nguyên Khôi phải trải qua chặng đường không hề dễ dàng. Giai đoạn căng thẳng nhất với Khôi là cuối năm 4, khi giành được suất thực tập tại Deloitte - một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN