Chàng trai Việt không bằng cấp vẫn được tập đoàn hàng đầu thế giới “săn đón”

Sự kiện: Giới trẻ 2025

27 tuổi, Vinh Trần sang Mỹ chỉ với một tấm vé máy bay, không bằng cấp nhưng vẫn được các công ty công nghệ hàng đầu thế giới mời về làm việc.

Anh Vinh Trần nổi tiếng với màn "flex" xuất sắc

Anh Vinh Trần nổi tiếng với màn "flex" xuất sắc

Không phải ngẫu nhiên, màn “flex” của Trần Quang Vinh (37 tuổi) trong một group kín lại nhận được 42.000 lượt thích cùng hàng nghìn lượt bình luận quan tâm. Anh sở hữu hàng loạt thành tựu đáng nể trong sự nghiệp, được nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Linkedin, Uber, Airbnb, Microsoft, Sony… săn đón dù không bằng cấp. Và sau 10 năm làm trong ngành thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ ở “thung lũng Silicon”, anh đã thành lập một công ty riêng giúp đỡ người bị bệnh trầm cảm bằng cách dùng công nghệ AI.

Câu chuyện từ bỏ việc học, sang Mỹ lập nghiệp và hành trình khám phá bản thân của Vinh Trần có rất nhiều điều đặc biệt. Cùng trò chuyện với anh, nghe anh chia sẻ nhiều hơn về hành trình đặc biệt này:

Bắt đầu từ khi nào và điều gì khiến anh mê vẽ đến vậy?

Năm 7 tuổi, lần đầu tiên thấy ba vẽ mẹ, tôi đã bắt đầu niềm đam mê này. Ngày xưa, tôi hay dùng máy tính của ba và phát hiện ra Microsoft Paint - phần mềm vẽ trên Windows, từ đó mỗi khi rảnh tôi đều vẽ trên đó.

Mê vẽ và biết vẽ bằng công nghệ là 2 việc rất khác nhau. Anh đã trải qua quá trình học hỏi thế nào để biết vẽ trên illustrator/photoshop từ năm 10 tuổi?

Microsoft Paint không phải là phần mềm vẽ chuyên nghiệp nhưng tôi đã dành nhiều giờ, nhiều ngày để vẽ trên đó bằng con chuột máy tính. 2 năm sau, bạn của ba thấy tôi thích vẽ nên đã mua tặng phần mềm Illustrator/Photoshop. Một thế giới mới như được mở ra khiến tôi mê mẩn, cứ rảnh là ngồi vẽ. Sự tò mò dần chuyển thành niềm vui, niềm đam mê nên tôi biết vẽ bằng công nghệ từ rất sớm, đa phần là tự học.

Ba mẹ ly hôn, sống độc lập từ năm 15 tuổi, anh đã tự học ra sao để trở thành một “designer” chuyên nghiệp, kiếm được mức lương 1500$/tháng ở tuổi 24?

Đó là thời điểm rất khó khăn về mặt tinh thần của tôi. Tôi không có nhiều niềm vui nên chuyện học thiết kế trở thành niềm vui lớn nhất.

Lúc ấy, tôi không biết bắt đầu từ đâu nhưng luôn cố tìm một lý do để cuộc sống có ý nghĩa. Tôi lên Youtube xem các video dạy thiết kế và tự học. Tôi khám phá ra các nhân vật huyền thoại trong lịch sử mà tôi hâm mộ, đó là nguồn cảm hứng để tôi từng ngày định nghĩa cuộc đời mình.

Vinh Trần được hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mời về làm việc

Vinh Trần được hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mời về làm việc

Tôi tìm ra video của Steve Jobs khi ông khởi nghiệp công ty Apple và có một câu nói rất ấn tượng: “Những người đủ điên rồ để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới chính là những người làm được điều đó”.

Tôi dành hầu hết số tiền làm thêm để mua sách về học, lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Tôi không có nhiều bạn bè, rất cô độc nhưng chính sự cô độc đó đã tạo cho tôi sự tập trung tối đa. Tôi chỉ học và làm. Tôi chưa vào giờ nhắm vào tiền lương, lúc mới đi làm, tôi chỉ kiếm được 3 triệu đồng/tháng, đủ để ăn hủ tiếu. Lúc kiếm được nhiều hơn, tôi vẫn không thay đổi nhu cầu sống, chỉ tập trung vào niềm đam mê và tự học. Dần dần, mức lương cũng tăng lên theo sự tiến bộ của tôi.

Cơ hội nào đưa anh sang Mỹ làm việc ở tuổi 27 dù không có tấm bằng nào trong tay?

Số người làm thiết kế ứng dụng có kinh nghiệm rất hiếm trong thời điểm đó nên khi Misfit Wearables về Việt Nam tuyển nhân sự, tôi được giới thiệu và mời về làm Head of Design. Tôi được nhà sáng lập hứa hẹn sẽ đưa sang Mỹ làm một năm ít nhất 5 lần.

Tôi vốn không có ý định sang Mỹ vì cuộc sống ở Việt Nam đang rất tốt. Nhưng cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế là ước mơ của bao người nên tôi quyết định thử sức.

Sang Mỹ, anh gặt hái được rất nhiều thành tựu như mua được “xế xịn” và căn nhà đầu tiên, được Google mời về làm việc và trở thành người Việt đầu tiên trong team không bằng cấp… Anh đã nỗ lực ra sao để có được những thành tựu đó?

Khi mới sang Mỹ, tôi thẫn thờ lắm vì hợp đồng làm việc bị hủy. Không biết phải đi đâu về đâu, tôi như một lần nữa mất phương hướng, lạc loài.

Tôi được một người bạn giới thiệu công việc khác. Tôi hồi hộp chờ đợi một tuần vì đây là cơ hội cuối cùng để xác định có ở lại Mỹ hay không. Cuộc phỏng vấn kéo dài 8 tiếng, tôi vừa bước ra khỏi công ty thì họ gọi quay lại  và hỏi muốn mức lương bao nhiêu.

Tôi rất lúng túng không biết nên là con số nào. Cuối cùng, tôi nói đại một con số, sau đó thấy phía bên kia suy nghĩ rất lâu, rồi họ bảo tôi có hai lựa chọn, một là mức lương tôi đưa ra, hai là thấp hơn và sẽ được cho cổ phần. Tôi không hiểu cổ phần nên chọn tiền vì mình cần tiền. Đó là công ty đầu tiên tôi làm việc ở Mỹ với mức lương 6 con số.

Ra khỏi công ty, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Bước đi trên con đường San Francisco với cảm giác ngọt ngào, tôi nghĩ, có lẽ mình thuộc về thành phố này.

Một năm sau, công ty tôi được bình chọn trên báo Forbes là trang web có thiết kế đẹp nhất của năm. Tôi rất tự hào, được CEO cám ơn và cho thêm cổ phần công ty. Cũng ở đây, họ đã chào đón tôi và cho tôi cơ hội học hỏi, hoà nhập và gây dựng nền tảng ở Mỹ.

Vinh Trần từng có thời gian làm việc tại Google

Vinh Trần từng có thời gian làm việc tại Google

Tôi được mời làm trưởng nhóm ở Sony. Đó là ước mơ của tôi khi còn nhỏ nhưng khi đạt được lại bỏ Sony đi theo Google để có những sản phẩm có tác động lớn hơn.

Tôi gặp một số khó khăn khi ở Mỹ như: rào cản về ngôn ngữ (phải tập nói bằng Tiếng Anh 100% mỗi ngày suốt một năm để nói chuyện như người bản xứ), sự tự ti khi là người Châu Á duy nhất (mất 4 năm để chấp nhận sự khác biệt về văn hoá và tự tin khi nói câu “tôi không biết vì tôi không lớn lên ở đây”), phải cạnh tranh khốc liệt giữa các thiên tài. San Francisco là thành phố của nhân tài. Tôi luôn phải cố gắng để người khác thấy được vì sao mình có giá trị. Ở Châu Á, im lặng là khiêm tốn, ở Mỹ im lặng là tự giết mình vì bị đào thải.

Không bằng cấp nhưng anh vẫn được hàng loạt tập đoàn lớn “săn đón”, riêng Google mời 2 lần và Meta mời đến 7 lần. Điều gì ở anh khiến các “ông lớn” muốn chinh phục đến vậy?

Tôi nghĩ, tôi càng từ chối thì họ lại càng tò mò về khả năng của tôi. Bên cạnh đó, họ thấy tôi từng có cơ hội làm việc ở những công ty lớn nên tin tưởng hơn và tạo điều kiện để nói chuyện nhiều lần sau.

Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm và các sản phẩm thành công trước đó nên tôi không cần bằng cấp chứng minh thực lực. Đa số họ ấn tượng vì ít người không bằng cấp mà có thể đi xa như vậy ở “thung lũng Silicon”. Có bằng cấp mà thành công thì nhiều, còn không bằng cấp, lại là dân nhập cư mà có thể làm lãnh đạo thì rất ít.

Bằng cấp vốn được xem là cơ hội với những người có nó và rào cản với những người không có. Từ trải nghiệm của mình, anh thấy bằng cấp quan trọng thế nào trong sự nghiệp của mỗi người?

Tôi nghĩ, thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi có internet. Google, Apple và Meta đã không còn xét duyệt bằng cấp từ vài năm trước vì họ không tin cái bằng có thể đại diện cho khả năng của một cá nhân.

Khi đi làm tôi thấy, bí quyết thành công không nằm ở những cái được học ở trường, mà ở khả năng ứng xử trong từng tình huống giữa con người với con người, khả năng tự học và tư duy.

Thường thì trường học không dạy nhiều các yếu tố này mà chủ yếu dạy kiến thức chuyên môn. Trong khi đó, chuyên môn lại là thứ thay đổi liên tục. Trường học là môi trường tốt cho những ai không biết mình muốn gì nhưng chắc chắn không phải là con đường duy nhất.

Lúc tôi tuyển nhân viên cũng vậy, tôi sẽ không coi bằng cấp mà chỉ cần biết họ làm được gì. Bằng cấp, điểm tốt nghiệp là yếu tố cuối cùng tôi nhìn đến.

Vinh Trần đã nhiều năm đấu tranh với căn bệnh trầm cảm

Vinh Trần đã nhiều năm đấu tranh với căn bệnh trầm cảm

Anh học được những điều quý giá nào khi làm việc tại các tập đoàn lớn trên thế giới?

Khả năng tự giác: Không ai nhắc nhở mình phải làm gì, tự mình mình phải tìm ra việc ý nghĩa để làm và đem lại giá trị cho công ty.

Luôn học hỏi và phát triển bản thân, tuổi tác không quan trọng, giới tính không quan trọng, nguồn gốc không quan trọng, kinh nghiệm và nhân phẩm sẽ tự cho mọi người thấy giá trị của mình.

Tiền bạc không phải là câu trả lời cho cuộc đời một con người. Ở đây, ai cũng có mức lương cao và lợi ích cao nên mỗi ngày đi làm, tiền bạc không phải là mục tiêu, mục tiêu là giúp cho xã hội phát triển hơn.

Người giỏi rất nhiều nên mình cứ khiêm tốn trước để khi vấp ngã còn có người hỗ trợ.

Từng trầm cảm vì tuổi thơ nhiều biến cố? Anh đã tự “chữa lành” bản thân bằng cách nào?

Thời gian khó khăn nhất của tôi là khi thấy ba mẹ có xung đột và không còn yêu nhau. Lớn lên, tôi hiểu hôn nhân là điều khó nói nên hiểu cho ba mẹ. Có điều, thời điểm chuyện xảy ra, tôi không có ai để chia sẻ nội tâm nên luôn mang một nỗi đau trong lòng, tồn đọng nhiều năm mà không biết đó là trầm cảm.

Tôi từng sống rất cô lập, mỗi tối về nhà, khi cánh cửa đóng lại là không có tiếng nói của ai khác. Tôi bị đánh cũng về nhà một mình, mất việc cũng về nhà một mình, sinh nhật cũng ít khi tổ chức, tất cả đều rất tẻ nhạt.

Thiết kế đã trở thành bạn, là nơi để tôi lẩn trốn sự cô đơn. Rồi khi có bạn gái, tôi lại bị gia đình cô ấy cấm cản vì thiếu tin tưởng. Tôi hiểu ra một điều, ai cũng phải tự lo cho mình. Muốn thoát khỏi số phận thì phải tự cố gắng làm việc và học hỏi để thành công.

Khi quá cô đơn, tôi khao khát được nói chuyện và được hiểu nên đã tìm đến những câu chuyện của người thành công. Tôi thấy họ đều phải trải qua giai đoạn rất khó khăn nên tự nói với mình rằng, họ làm được mình cũng làm được. Đó là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày.

Tôi đã thử nhiều cách, đọc nhiều tài liệu nhưng rồi điều giúp tôi vượt qua tất cả là góc nhìn của bản thân. Tôi nhận ra, cuộc sống luôn có thử thách, tôi không nghĩ nhiều đến sự việc làm mình buồn, chấp nhận sự hiện diện của nó như là một phần của cuộc đời mình. Tôi cảm thấy ít phải chống chọi hơn, bình thản hơn và tiếp tục sống.

Khúc mắc của bản thân đã thôi thúc anh mở công ty riêng giúp những bị bệnh trầm cảm bằng công nghệ AI?

Từ nỗi đau của bản thân tôi hiểu, thế hệ trẻ đang đối diện với cuộc sống khắc nghiệt hơn, khó khăn hơn ở rất nhiều mặt. Tôi muốn hỗ trợ để các bạn có cuộc sống cân bằng hơn. 

Tôi tạo ra Murror - là một trí thông minh nhân tạo. Murror dùng AI để lắng nghe tâm sự của người bị trầm cảm, chia sẻ cho họ cách nhìn nhận vấn đề và có góc nhìn tích cực hơn về một sự việc.

Theo thống kê, có rất nhiều người khi bị trầm cảm không muốn nói ra vấn đề nội tâm của mình vì sợ bị đánh giá hoặc làm phiền và làm đau lòng những người xung quanh. Đồng thời, số lượng bác sĩ tâm lý ở Mỹ rất ít trong khi người cần sự giúp đỡ thì quá nhiều nên AI có thể hỗ trợ nhu cầu của người dùng bất cứ lúc nào. Tôi đang hợp tác với nhiều bác sĩ ở các bệnh viện khác nhau để đảm bảo an toàn nhất cho người dùng.

Anh có thể nhắn nhủ vài điều đến những người đang vật lộn với căn bệnh trầm cảm và những bạn trẻ đang mù mịt trong sự nghiệp của mình?

Có thể bạn đang trong hoàn cảnh khó khăn hay gặp nhiều thử thách nhưng đừng bỏ cuộc. Hãy nhìn nhận mọi việc như là một phần của cuộc sống. Vui hay buồn, tiêu cực hay tích cực, dù là cảm xúc gì thì nó vẫn là minh chứng cho điều mình đã sống. Khi thấy bản thân tổn thương hãy yêu lấy mình và nói với mình rằng, mình sẽ vươn lên khỏi bùn để trở thành một đóa hoa sen.  

Sai lầm lớn nhất của nhiều người là nghĩ họ có nhiều thời gian. Thời gian là thứ tiền không mua được, cơ hội để học, phát triển đam mê, khám phá bản thân là khi ta còn trẻ. Mỗi một ngày là một món quà của cuộc sống. Bạn không cần phải biết mình muốn gì vì khi trẻ chẳng mấy ai biết mình muốn gì hết. Chỉ cần ham mê học và thử nghiệm ta sẽ nhận ra điều mình muốn. Và lúc đi sai đường là lúc mình hiểu bản thân hơn nên đừng nản lòng các bạn nhé!

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

Vay tiền đi học, chàng trai thành công giành học bổng toàn phần thạc sĩ của Chính phủ Trung Quốc

Dương Đức Tâm (sinh năm 1998, quê Vĩnh Phúc) đang theo học bậc thạc sĩ tại trường Đại học Nhân dân Trung hoa với học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc. Để đạt được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN