Chàng trai Việt bơi từ biển Trường Sa tới Philippines
Lúc 9 giờ ngày 22/4/2014, tại vùng biển Trường Sa, ngư dân Trần Minh Sang, 23 tuổi bị hẫng chân rơi xuống biển mà không ai biết. Trên người không áo phao, không nước uống, không lương thực, anh đã bơi suốt 25 giờ giữa biển khơi và đuổi theo 15 con tàu hàng để cầu cứu.
Biển đen ngòm!
Trưa 22/4, vừa bước ra sau đuôi tàu để đi vệ sinh, anh Sang hụt chân rơi xuống nước. Anh hốt hoảng kêu cứu nhưng tiếng anh bị âm thanh gầm rú của máy tàu công suất gần 300 mã lực nuốt chửng.
Chỉ vài phút, con tàu mang số QNg 90181 TS của ông Tiêu Viết Thuận (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khuất dần giữa sóng nước Trường Sa mênh mông. “Chờ mãi không thấy tàu quay lại, tôi nghĩ lần trước bị nạn ở Hoàng Sa thì 9 phần chết, 1 phần sống, còn lần này chắc là chết 10 phần” - anh Sang kể lại với ánh mắt hãi hùng.
Tại địa phương gần xã Xuân Tự, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa quê anh từng có một ngư dân bị rơi xuống biển tương tự. Bốn giờ sau ngư dân này được vớt lên tàu trong trạng thái như người mất hồn, miệng lưỡi cứng đờ. Vì quá khiếp đảm nên một ngày sau ngư dân này mới bập bẹ nói được.
Một tiếng đồng hồ sau, tàu của ông Thuận phát hiện trong số 11 ngư dân thiếu mất 1 người nên vội vã quay lại tìm kiếm. Nhưng, anh Sang rơi vào vùng nước xoáy và trôi rất nhanh về phía vùng biển Palawan của Philippines.
Lấy lại bình tĩnh, anh Sang ngửa người thả trôi tự do. Anh cầu mong có một vật dụng trôi bên cạnh để làm chiếc phao, nhưng mặt biển vắng lặng. “Trong đầu tôi hiện ra đứa con thơ Trần Nguyễn Song Thương mới 15 tháng tuổi. Nó cười nói rất dễ thương, mỗi khi tôi đi biển về, nó cứ ôm đầu, vò tóc ba. Tôi nghĩ mình phải ráng sống về với con” - anh Sang hồi tưởng.
Anh Trần Minh Sang và con gái 15 tháng tuổi - động lực giúp anh sống sót giữa biển đêm. Ảnh: văn chương
Khi gặp hoạn nạn, điều đầu tiên mà ngư dân tìm cách bấu víu, đó là cầu khẩn cá Ông đến cứu vớt. Câu chuyện tưởng như cổ tích đó, lúc hoạn nạn mới thấy hiệu nghiệm. Anh Sang kể: “Sau khi nguyện thầm thì đàn cá heo đông lắm, nó vây lấy mình rồi lộn nhào lên khỏi mặt nước mấy chục con. Lúc đó mình nghĩ chắc là còn đường sống, người khỏe và bình tĩnh trở lại”.
Vùng biển giáp ranh với Palawan là nơi có đường hàng hải quốc tế nên tàu hàng thường xuyên hành trình ngang qua. Phát hiện tàu hàng, anh bơi cật lực để chặn đầu ra hiệu cứu vớt. Nhưng cuối cùng anh phải thả tay, thở dốc vì con tàu đã vượt qua trước mặt ở khoảng cách khá xa. Đến con tàu thứ 2, 3…8, anh tiếp tục bơi đuổi khoảng 1- 2 km, nhưng rồi lại thất vọng.
Màn đêm sập xuống. Một đêm lưu lạc giữa biển đen ngòm bắt đầu.
Đánh nhau với… sứa
Những ngư dân đi biển kỳ cựu đều tròn mắt thán phục khi nghe chuyện anh Sang bơi liên tục trên biển 25 giờ. “Có phao mà còn chết huống gì bơi tay không. Bởi nước biển lạnh lắm, cả người tê cóng, tim ngừng đập, đó là chưa kể bị cá đớp mất tay, chân” – ông Hải, một ngư dân ở xã Bình Châu cho biết.
Trong đêm đen mù mịt giữa biển, lúc cảm thấy khô khát và kiệt sức, anh uống một ngụm nước biển để còn sức chờ đến ngày mai. “Một đêm dài vô tận, dài đến mức mà đầu óc mình muốn phát điên”, anh Sang cho biết.
Đêm trên biển Trường Sa, bầy sứa thấy sinh vật lạ nên bu bám thành chùm khắp người. Sứa bám khắp người gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Nhưng rất may, anh đã không rơi vào vòng vây của cá mập thường đi thành đàn ở vùng nước chảy gần Palawan.
Thủy thủ đoàn chia vui và tạm biệt ngư dân Việt Nam. Ảnh: văn chương
Trong đêm đó, ông Trần Hảo Gia là cha ruột anh Sang ở Vạn Ninh, Khánh Hòa nhận được tin dữ. Ông kể lại: “Con tôi ra Quảng Ngãi theo đoàn tàu lặn đã 7 năm. Năm 2008 tôi khóc hết nước mắt khi đón xe từ trong đó ra Quảng Ngãi với hy vọng chỉ nhận được xác vì nó đang bị dính bão quá nặng và kẹt lại ở Hoàng Sa. Còn lần này thì coi như chắc chết, làm sao sống nổi”.
Gia đình ông rất nghèo, 3 con trai đều đi biển, chỉ đứa con gái út may mắn được học hành, đang là sinh viên Đại học Sư phạm. Ngư dân Trần Minh Sang bắt đầu theo cậu đi biển ngụp lặn bắt ốc, bắt cá từ năm 7 tuổi. Năm 18 tuổi thì trở thành một ngư dân giỏi trong làng, có thể cầm lái, cầm tài chỉ huy anh em. Đêm 22/4, cả xóm chài ở Xuân Tự chạy rầm rập đến nhà ông để nghe tin. Lúc đó, giữa biển mù mịt, chàng trai trẻ nằm ngửa, tay quạt nước, chân co duỗi và thức trắng, ước mơ chân được dẫm lên mặt đất.
Đến 8 giờ sáng, anh cố gắng dùng lực tàn bơi về phía chiếc tàu hàng màu đen. Sau 1 tiếng đồng hồ, chiếc tàu này đột nhiên quay lại 2 vòng và cập vào vớt anh lên. Đó là con tàu Lucky Dolphin mang quốc tịch Philippines đang hành trình qua Trung Quốc. Chữ Lucky có nghĩa là may mắn. Anh đã sống sót nhờ con tàu may mắn.
Sinh nghề tử nghiệp
Một bức điện được tàu Lucky Dolphin điện về cho Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi với nội dung mà mọi người đều ngạc nhiên. Đó là ngư dân Việt Nam trôi 25 tiếng đồng hồ trên biển, vớt lúc 9 giờ sáng 23/4. Kiểm tra thân nhiệt 36,5-37 độ C, sức khỏe tốt. Tọa độ phát hiện phía Tây Nam đảo Balabac của Philippines.
Ngư dân Trần Minh Sang làm được một việc phi thường, đó là bơi đuổi theo khoảng 15 chiếc tàu hàng trên biển để tìm sự sống. Gần cả chục con tàu đều lặng lẽ lướt sóng mà không hay biết có một ngư dân Việt Nam đang cố sức bơi về phía mũi tàu. |
Cú điện thoại từ Philippines về cho gia đình, cha anh Sang chỉ kịp nghe mỗi câu: “Ba ơi, con còn sống!”. Câu nói này khiến ông không quên chuyện cũ. Trong cơn bão tháng 3/2008, cả đoàn tàu tại vùng biển Hoàng Sa bị dính bão cấp 12. Hai người con trai của ông là Trần Minh Sang và Trần Minh Cao đều bị kẹt trên con tàu đang neo tại đảo Đá Bắc quần đảo Hoàng Sa. Ông khóc thảm thiết khi đón xe từ quê ra Quảng Ngãi.
Tại đài Icom tại xóm Gành Cả, xã Bình Châu, bà con đến chờ tin ngư dân đông chật tới cửa. Cuối cùng, giữa âm thanh ầm ào đó, ông nghe từ Icom câu nói của con từ Hoàng Sa vọng về: “Ba ơi, con còn sống”.
Lần thứ 2 bị nạn, thủy thần vẫn không cướp được mạng sống chàng trai trẻ. Sáng 26/4, con tàu Lucky chở ngư dân bị nạn cập cảng Dung Quất.
Đại úy Ghulam, thuyền trưởng tàu cho biết: “Tôi cảm ơn thủy thủ đoàn đã làm hết trách nhiệm nên nhanh chóng phát hiện ra người bị nạn và cứu vớt, thực hiện đúng quy định của Công ước quốc tế về an toàn hàng hải”. Không những được cứu sống, ngư dân Trần Minh Sang còn được thuyền trưởng Ghulam tặng chiếc áo mang biểu tượng trở thành thuyền viên danh dự của tàu Lucky Dolphin.
Vợ anh Sang nói: “Chồng em đi biển cà thọt”. Có nghĩa là vợ không cho đi xa nhưng vẫn trốn ngõ sau để ra Quảng Ngãi đi khơi, không thèm đi tàu nhỏ ở quê. Sau 2 lần bị nạn, Trần Minh Sang vẫn dõng dạc nói khiến vợ giật nẩy mình: “Sinh nghề, tử nghiệp, anh không bỏ nghề biển xa!”.