Tham gia “Shark Tank” Việt Nam mùa 3 (Thương vụ bạc tỷ), Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1989, CEO của Luxstay) “gây sóng” mạng xã hội với màn gọi vốn đầy ấn tượng (kêu gọi thành công 6 triệu đô). Đã có nhận định cho rằng, việc anh xuất hiện trong chương trình này chẳng khác nào một “học sinh xuất sắc” đi thi, bởi lẽ, những gì chàng trai nắm trong tay ở tuổi 30 khiến chính những “cá mập” của Shank Tank cũng phải ngỡ ngàng.
Ở tuổi mà nhiều chàng trai khác đang loay hoay lập nghiệp thì Nguyễn Văn Dũng đã nắm trong tay Netlink, một trong những đối tác lớn nhất của Google tại Việt Nam. Anh cũng là chủ tịch Metub Network – mạng lưới Youtube MCN (đa kênh) lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Từ năm 2017, anh lập ra dự án khởi nghiệp mới là Luxstay (nền tảng chia sẻ phòng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam với mạng lưới hàng chục nghìn địa điểm lưu trú cao cấp khắp cả nước”. Tham vọng của anh là xây dựng Luxstay thành công ty toàn cầu.
Thành công và tham vọng lớn là vậy nhưng có một điều rất đặc biệt là Dũng chưa từng thi và học đại học. 18 tuổi, trong khi bạn bè đều đặt ra mục tiêu đỗ đại học thì Dũng lại chọn ngã rẽ khác – một ngã rẽ táo bạo và nhiều rủi ro.
Cùng trò chuyện với CEO Văn Dũng, nghe anh chia sẻ nhiều hơn về hành trình từ bỏ thi đại học trở thành “người đàn ông triệu đô”.
Với hầu hết người trẻ, ôn và thi đại học sau khi tốt nghiệp cấp ba là con đường hiển nhiên sẽ đi. Tại sao ở tuổi 18, anh lại quyết định bỏ thi đại học để theo đuổi ước mơ lập nghiệp dựa vào Internet?
Tôi đam mê lập trình từ những năm cấp 2 nhưng ở thời điểm đó ngành lập trình chưa thịnh hành như bây giờ. Tuy nhiên, như một cơ duyên, từ cuốn sách chị gái tặng, tôi bỗng thấy vô cùng hứng thú với ngôn ngữ lập trình. Ở đó, mình có thể tự tay tạo ra các ứng dụng, phần mềm máy tính. Điều đó quả thực rất kỳ diệu! Chính từ những thứ tưởng chừng đơn giản ấy mà tôi ngày càng đam mê nghiên cứu, mày mò.
18 tuổi, tôi thành lập công ty riêng và một mình vận hành nó. Sau này, tôi may mắn tìm được những người cộng sự và xây dựng đội nhóm đồng hành cùng với mình trên con đường khởi nghiệp.
Anh từng chia sẻ, cũng vì bỏ thi đại học mà anh như biến mất trong mắt bố mẹ, trở thành phiên bản lỗi của gia đình. Mọi cánh cửa dường như đóng sập trước mắt. Để thấy áp lực anh phải đối mặt khi đó là quá lớn. Điều gì khiến anh vẫn đủ kiên trì với mục tiêu lập nghiệp ở tuổi 18?
Bỏ thi đại học là quyết định khó khăn và là sự đấu tranh tư tưởng lớn đối với bản thân tôi, khi con đường sự nghiệp còn đang loay hoay chưa có gì thuận lợi. Gia đình và mọi người xung quanh phản đối kịch liệt khiến tôi gặp phải áp lực rất lớn ở thời điểm đó.
Lúc các bạn học đại học thì tôi lại ở nhà nhưng đã đam mê rồi thì tôi không muốn chờ đợi. Đồng thời, vì hiểu rõ bản thân muốn gì nên tôi càng có quyết tâm hơn để phải hành động và làm một điều gì đó tốt nhất. Tôi cũng tin là mình sẽ làm được nên quyết tâm khởi nghiệp.
18 tuổi thành lập 1 công ty chuyên về thiết kế nhưng rồi lại đóng cửa công ty để đi làm thuê. Đó có được coi là thất bại đầu đời của anh? Và anh nhận được bài học gì khi ấy?
Không hẳn là thất bại mà lúc đó tôi nghĩ phải đi tìm hướng đi đột phá nên cần thay đổi môi trường. Có nhiều thứ lúc đó mình không thể tự tìm ra giải pháp thì xác định là phải đi học hỏi.
Không có trong tay bằng đại học anh làm sao để xin việc, thậm chí không lâu sau còn trở thành trưởng phòng công nghệ thông tin của một công ty tổ chức sự kiện? Từ câu chuyện của chính mình, anh có thấy rằng, thực ra một tấm bằng đại học không hề quan trọng như mọi người nghĩ?
Tôi đâu có đi xin việc, khi đó người ta mời tôi về làm việc đấy chứ (Cười).
Thật ra, người ta nhìn vào bằng đại học của bạn để biết bạn được đào tạo ở đâu, đối với tôi điều đó vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên tôi nghĩ, vấn đề không phải là ở tấm bằng mà quan trọng là nó cho thấy bạn được đào tạo ở môi trường nào và quá trình trải nghiệm ra sao.
Nếu khả năng và kinh nghiệm đủ hấp dẫn, thậm chí vượt trội hơn rồi thì bằng đại học sẽ trở nên không cần thiết nữa.
Trong suốt chặng đường từ tuổi 18 trở đi, dường như anh chỉ lao đầu vào công việc và gây dựng sự nghiệp. Vậy anh học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm bằng những cách nào? Anh có cho rằng, việc học tập từ “trường đời” hiệu quả hơn nhiều qua trường lớp, sách vở?
Câu hỏi liên quan tới học đại học thì tôi chưa đi học đại học nên chưa so sánh được. Tuy nhiên, tôi vẫn đi học thường xuyên và tự trải nghiệm thực tế. Học và trải nghiệm đều luôn cần thiết.
Anh đã khởi nghiệp rất thành công với hàng loạt công ty công nghệ, đặc biệt là Netlink và giờ đây là Luxstay. Theo anh, khi người trẻ khởi nghiệp thì yếu tố gì là quan trọng nhất để dự án của họ thành công và đi được đường dài?
“Chai lì” thôi! Người ta thường bỏ cuộc những lúc khó khăn, vượt qua được thì thành công.
Thất bại lớn nhất trong những năm khởi nghiệp của anh là gì? Và anh đã làm gì để vượt qua thất bại đó để bước tiếp?
Với tôi, thất bại lớn nhất là tốc độ! So với tham vọng thì lẽ ra giờ này tôi phải phát triển gấp nhiều lần rồi, vậy mà giờ già rồi vẫn chưa làm được gì nhiều. Vượt qua bằng cách tiếp tục chiến đấu thôi! (cười).
Anh có thể chia sẻ một chút đến người bạn trẻ không may trượt đại học… Họ sẽ có những con đường nào khác để mà dù trượt đại học vẫn có được tương lai tốt đẹp?
Tôi thấy người lớn thường động viên là “...phấn đấu năm sau thi lại”. Tương lai có tốt đẹp hay không thì như tôi nói ở trên, không phụ thuộc nhiều vào việc thi đỗ đại học. Nếu có đam mê thì tìm cách thực hiện sớm thôi.