Chàng trai Nhật thoát nợ ngập đầu, tiết kiệm được 80% thu nhập tháng
Nhật Bản - Kurama, một nhân viên văn phòng đã thoát khoản nợ 3 triệu yen, tiết kiệm được 80% thu nhập hàng tháng.
Kurama, chủ tài khoản YouTube Thrifty Way, chuyên chia sẻ thông tin về cách tiết kiệm tiền, các suy nghĩ của mình về cuộc sống. Ban ngày, anh là nhân viên văn phòng, tối làm YouTube. Ảnh: Weekly Joshi PRIME
Là nhân viên văn phòng, mức lương hàng tháng của Kurama là khoảng 240.000 yen Nhật, đây không phải là mức thu nhập cao. Nhưng anh đã tiết kiệm được gần 80% tiền lương, giữ chi phí sinh hoạt từ 40.000 đến 50.000 yen.
Tập trung trả hết nợ đầu tiên
Kurama từng phải mượn ba triệu yen để học đại học. Sau tốt nghiệp, bên cạnh công việc chính, anh làm thêm việc dọn dẹp vào ban đêm, giúp có thêm 100.000 yen mỗi tháng. Anh cắt giảm chi phí sinh hoạt và phần còn lại để trả nợ.
Với sự tập trung cao độ, anh đã trả hết khoản nợ ba triệu yen trong năm đầu tiên đi làm. "Cách tiết kiệm tiền được khuyên nhiều nhất là giảm chi phí nhà ở. Tôi sống ở Tokyo, được công ty hỗ trợ đôi chút, và chỉ phải 5.000 yen tiền thuê một tháng".
Tiếp theo, Kurama cắt giảm chi phí thực phẩm. Anh từng ăn ba bữa một ngày, nhưng sau đó cắt giảm xuống còn hai bữa một ngày và cuối cùng chỉ còn một bữa cho bữa tối. Bây giờ chi phí ăn uống hàng tháng của anh giảm từ 40.000 xuống còn 10.000 đến 20.000 yen.
"Tôi tự nấu tất cả bữa ăn, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Do đó, nên tôi chú ý cân bằng dinh dưỡng giữa đạm và rau. Chi phí thức ăn có thể du di nên tôi có thể giảm bao nhiêu tùy ý", anh cho hay. Kurama tin rằng nếu bạn không thể kiểm soát ham muốn của mình, bạn sẽ không bao giờ gia tăng được sự giàu có.
Kurama nói: "Nếu muốn tiết kiệm tiền, bạn phải hạ thấp mức sống của mình xuống. Ví dụ, nếu bạn bỏ qua một bữa trưa, bạn sẽ tiết kiệm được 1.000 yen. Nếu bạn coi đó là lợi nhuận thì bạn đã tiến gần hơn một bước đến mục tiêu của mình".
Làm việc để cảm thấy ít căng thẳng hơn
Kurama gần như không chơi chút nào kể từ khi bắt đầu tiết kiệm tiền. Anh dành 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm để tiết kiệm tiền. ''Mục tiêu số một của tôi khi làm việc là sự an tâm. Hầu hết những lo lắng của con người đều liên quan trực tiếp đến tiền bạc, và tôi nghĩ rằng nếu có tiền thì mọi lo lắng sẽ được giải tỏa".
Nhiều người càng làm việc càng cảm thấy căng thẳng hơn nhưng Kurama thì ngược lại. "Càng làm việc và tiết kiệm, tôi càng trở nên tự tin hơn. Ngay cả khi căng thẳng trong công việc, tôi vẫn có thể mỉm cười khi nghĩ: 'Mình có 20 triệu yen'. Sự an tâm là điều xa xỉ nhất".
Phương pháp độc đáo và sức mạnh tinh thần mạnh mẽ của anh khiến thế hệ lớn tuổi phải né tránh anh và nói rằng: "Không thể bắt chước anh ấy được".
Xây dựng một mô hình cho phép bạn sống bằng một khoản tiền nhỏ
Kurama phân tích, sau khi bạn bước sang tuổi 50, đây là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu tiết kiệm. Bạn đã nuôi con xong, bạn sắp hết khoản thanh toán thế chấp và việc dự đoán chi tiêu trong tương lai của bạn dễ dàng hơn.
Cha mẹ của Kurama đều 52 tuổi và đều đang đi làm. Họ thờ ơ với tiền bạc đến mức không biết thu nhập của nhau. Họ không có ý định tiết kiệm tiền, nhưng với lời khuyên của Kurama, cả gia đình đã thảo luận nghiêm túc về kế hoạch tiền bạc.
"Bạn muốn có loại quỹ hưu trí nào và bạn cần bao nhiêu để đạt được con số đó? Khi bạn đã có một con số cụ thể, tất cả những gì bạn phải làm là hành động hàng ngày để đạt được con số đó. Nếu bạn làm việc cho đến khi 65 tuổi và nỗ lực tiết kiệm, chắc chắn bạn sẽ có được một khoản đáng kể", anh nói.
Kurama gợi ý, nếu có thể, bạn nên cho con tham gia khi lập kế hoạch tài chính. Điều này là do thế hệ trẻ thường có nhiều thông tin hơn về quản lý tài sản, chẳng hạn như hiểu biết về chứng khoán trực tuyến. Hơn nữa, vấn đề tuổi già của cha mẹ cũng là áp lực của con cái.
"Nếu bạn hạ thấp mức sống, số tiền bạn phải kiếm sẽ giảm, điều này sẽ giúp bạn yên tâm hơn. Bạn sẽ không phải làm việc quá vất vả, vẫn có thể sống qua ngày. Với một khoản tiền nhỏ, tôi đã giảm chi phí sinh hoạt của mình xuống mức tối thiểu. Chẳng có gì phải sợ cả", Kurama nói.
Có tư duy 'Không tiêu bất kỳ số tiền nào bạn có'
"Mọi người có xu hướng thư giãn và nói: 'Tôi chỉ tiêu 100 yen thôi'. Nhưng điều này dễ trở thành thói quen chi tiêu quá mức và cuối cùng khiến họ chẳng còn gì cả", Kurama tiếp tục.
Một góc phòng của Kurama. Ảnh: Weekly Joshi PRIME
Đồ nội thất của Kurama như giá đỡ tivi, giá đỡ máy tính... đều được làm bằng bìa cứng. Khi chuyển chỗ ở, anh chỉ cần vứt chúng đi và sẽ có ít đồ đạc hơn để mang theo. "Mục tiêu của tôi là giảm dần mức sống và từ bỏ ham muốn vật chất, sống đơn giản như thể tôi là người vô gia cư", Kurama cho hay.
Anh cũng lưu ý "đừng để bị cuốn vào cuộc cạnh tranh vật chất vì theo đuổi sự phù phiếm". Một người bạn của Kurama thích đi du lịch và đã mắc nợ hàng triệu yen vì muốn đăng một bức ảnh trên Instagram". Kurama cho rằng hãy tiêu tiền theo tiêu chuẩn của riêng bạn mà không cần lo lắng về việc người khác nghĩ gì.
Kurama nêu những người không bao giờ tiết kiệm được tiền:
- Khi thu nhập tăng, mức sống cũng tăng lên
- Bạn thích tự thưởng cho bản thân
- Bạn không thể kiểm soát được sự thèm ăn hay ham muốn vật chất của mình
- Bạn tiêu "một ít" vào những chi tiêu không cần thiết
- Cách xả stress của bạn là mua sắm hoặc tiêu tiền vào việc ăn uống
Coi lãng phí tiền bạc là lãng phí cuộc đời
Bạn phải làm việc để có tiền. Tiền là phần thưởng cho việc bạn dành thời gian và cống hiến cả cuộc đời cho công việc. Kurama định nghĩa tiền = thời gian = mạng sống. "Tiền giống như cuộc sống vậy nên tôi muốn mọi người sử dụng nó một cách cẩn thận. Tôi tin rằng lãng phí tiền bạc cũng giống như lãng phí cuộc đời mình", anh tiếp tục.
"Không có tiền tiết kiệm là dấu hiệu cho thấy bạn cần đưa cuộc sống của mình trở lại đúng hướng. Sổ ghi chép chi tiêu hộ gia đình là điều cần thiết để xem xét cả nhà đang tiêu xài thế nào. Kurama bắt đầu ghi chép chi tiêu từ khi mắc nợ và duy trì cho tới nay.
Bằng cách phanh lại chuyện tiêu xài ngay khi nhận thấy điều gì đó, bạn có thể duy trì ngân sách gia đình lành mạnh.
Không đóng những khoản thuế không cần thiết
Kurama không đụng tới thuốc lá, rượu, cờ bạc, vé số... vì những thứ này đều bị đánh thuế theo cách riêng. Anh cũng không có ý định sở hữu một chiếc xe hơi vì chúng phải chịu thuế phương tiện và cũng không cần thiết. "Khi bạn vay tiền để mua một thứ gì đó, điều đó giống như bạn đang vay trước tương lai của mình, có nghĩa là bạn đang vay trước cả cuộc đời mình", anh tiếp tục.
Thu nhập tăng nhưng mức sống không tăng
Đang ở độ tuổi 20 và thu nhập sẽ tăng trong tương lai nhưng Kurama không có ý định thay đổi mức sống. Anh cho rằng, nếu tăng mức sống sẽ khó tiết kiệm một cách có hệ thống.
Kurama khuyến nghị tỷ lệ tiết kiệm ít nhất là 10% thu nhập. Anh nói: ''Khi tôi thấy số tiền tiết kiệm của mình tăng lên, tôi phấn chấn và có động lực. Vì thế tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ tiết kiệm. Tôi nghĩ việc tiết kiệm sẽ trở nên thú vị khi bạn bắt đầu thực hiện, bởi nó sẽ nhanh chóng dẫn đến kết quả.''
Kurama đã đạt được mục tiêu nghỉ hưu là số tiền 20 triệu yen trong tay. Bây giờ, anh đặt ra mục tiêu tiếp theo là tiết kiệm tới con số 50 triệu yen.
Nguồn: [Link nguồn]
Hồng Ngọc phân bổ ngân sách để thuê phòng trọ, điện nước nhiều nhất, rồi tới sinh hoạt phí, tiết kiệm, chi tiêu để phát triển bản thân.