Chàng trai “Ngưng ngược đãi” từng bị ngược đãi vì lùn
Những vết thương gây ra bằng lời nói không nhìn thấy được nên cũng không dễ dàng chữa được…
Sau khi bộ tranh “Ngược đãi là gì” được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng, chàng sinh viên trường Đại học Công nghệ (trường ĐH Quốc gia Hà Nội) Hạ Hồng Việt được gọi với cái tên thân mật là “chàng trai ngưng ngược đãi”.
Kể từ sau khi bộ tranh ra đời, lần đầu tiên nhiều người biết đến ngược đãi không chỉ là bạo lực thể xác mà còn là những lời nói làm đau tâm hồn.
Thông điệp Hạ Hồng Việt muốn gửi tới người xem qua bộ tranh "Ngược đãi là gì?"
“Những vết thương gây ra bằng lời nói không nhìn thấy được nên cũng không dễ dàng chữa được”, đó là lý do vì sao, chàng sinh viên công nghệ đứng lên phát động chiến dịch “Ngưng ngược đãi”.
Những nỗi đau không vô hình
“Những vết bầm tím, sưng tấy trên da thịt chẳng dễ dàng che giấu nhưng nỗi đau trong tâm hồn thì luôn dễ bị người ta cất giấu vào khoảng sâu nào đó mà người khác khó thấy được. Nhưng như thế không có nghĩa là nó vô hình”, Hồng Việt mở đầu câu chuyện bằng một triết lý khiến chúng tôi giật mình.
Vốn đam mê và theo đuổi ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực tưởng chừng như khô khan nhưng Hạ Hồng Việt lại rất nhạy cảm với những gì thuộc về tinh thần, lẩn khuất sau bộ não nhăn nhúm. Việt từng tham gia một nhóm tư vấn, chia sẻ các vấn đề về tâm lý, từng được nghe nhiều tâm sự của các bạn trẻ bị tổn thương do những lời miệt thị của người khác gây ra. Bởi vậy, hơn ai hết, Việt hiểu, đời sống tinh thần, tình cảm của giới trẻ quan trọng đến nhường nào.
Tháng 6/2015, trong khi lướt web, Hạ Hồng Việt tình cờ nhìn thấy một bộ tranh tên “Stop Bullying” (Ngừng hành hạ người khác) với thông điệp hết sức ý nghĩa.
Hạ Hồng Việt, chàng trai "Ngưng ngược đãi"
“Họ không nói về việc đánh đập, bạo hành thân xác, mà nói đến những lời nói miệt thị, kết tội bữa bãi khiến người nghe bị tổn thương. Mình thấy ở Việt Nam, khái niệm “ngược đãi tinh thần” chưa được đề cập nhiều, thậm chí, nhắc đến từ “ngược đãi”, đa số mọi người chỉ nghĩ đến bạo lực thể xác mà không nghĩ đến những lời nói ác ý có thể vô tình làm đau tinh thần. Đó chính là lý do thôi thúc mình thực hiện bộ tranh với nội dung “Ngược đãi là gì?” và phát động chiến dịch “Ngưng ngược đãi”, Việt chia sẻ.
Bằng nét vẽ giản đơn tạo nên những hình ảnh miêu tả cách thức con người ngược đãi và làm tổn thương nhau, Hạ Hồng Việt đã đem đến một định nghĩa mới cho từ “ngược đãi”. “Ngược đãi không chỉ có ở hành động mà còn ở cả những lời nói”, ngược đãi là buông lời miệt thị, xúc phạm trong khi chẳng hiểu gì về người kia…
Chiến dịch “Ngưng ngược đãi” của chàng trai 9x tạo ra một làn sóng mới trong cộng đồng mạng, “ngưng ngược đãi” trở thành cụm từ quen thuộc với các bạn trẻ Việt. Riêng trang “Ngưng ngược đãi” chỉ sau hơn 1 tháng đã nhận được 65.000 lượt like (thích) trên Facebook.
“Mình nghĩ, chiến dịch vẫn chưa làm nên điều gì lớn, nhưng ít nhất nó đã khiến nhiều người nhớ rằng có một cum từ, một chiến dịch tên là “Ngưng ngược đãi”. Hy vọng sau này, chiến dịch có thể làm được nhiều điều hơn thế nữa với cách thể hiện đơn giản và sâu sắc”, Việt bày tỏ.
“Tôi cũng từng bị ngược đãi”
Soi chiếu vào những bức tranh định nghĩa thế nào là ngược đãi, có lẽ ai cũng phải giật mình vì nhìn thấy mình trong đó với vai trò là nạn nhân hoặc thủ phạm. “Mấy người chưa từng bị lời nói của ai đó làm tổn thương và mấy ai chưa từng làm người khác buồn vì lời nói vô tình của mình”, Hạ Hồng Việt thừa nhận.
Hồng Việt thừa nhận bản thân cũng từng là nạn nhân của hành vi ngược đãi tinh thần
Chàng trai 9x có dáng vóc nhỏ nhắn, thấp lùn cũng từng là tâm điểm trêu chọc của bạn bè đồng lứa. “Hồi xưa mình nói nhiều lắm, bị xếp vào thành phần học sinh cá biệt và bị cách ly. Hơn nữa, mình chỉ cao có 1m56 nên rất hay bị trêu là lùn. Nhiều người thắc mắc tại sao mình không đi bơi, không tập xà, không chạy thể dục… để cao lên mà không biết rằng thật ra mình đã làm tất cả những điều đó”, Việt tâm sự.
Nhưng ngày đó, cậu bé hồn nhiên chỉ biết thoáng buồn mà không ý thức được rằng, những lời trêu đùa, phán xét đó vô tình để lại một chấm đen trong ký ức tuổi thơ. Sau này lớn lên, tìm hiểu thêm về tâm lý, soi chiếu lại, Hồng Việt mới nhận ra đó là “ngược đãi”.
“Nếu ngày đó mình là một đứa trẻ lầm lì, ít nói, bị trêu chọc như vậy chắc chắn sẽ rất buồn và có thể bị trầm cảm. Trẻ con vốn rất dễ bị tổn thương, sẽ rất nghiêm trọng nếu như chúng cảm thấy bị cô lập”, Việt nhấn mạnh.
Một bức ảnh trong bộ tranh "Ngược đãi là gì?" của Hạ Hồng Việt
Chàng trai “Ngưng ngược đãi” tâm sự, không chỉ hồi nhỏ mà ngay cả bây giờ cậu cũng thường xuyên phải nghe những lời phán xét, miệt thị của nhiều cư dân mạng. Bất cứ status nào được đăng tải trên Facebook thể hiện quan điểm cá nhân, Hồng Việt cũng đều nhận phải những ý kiến phản đối tiêu cực như “trẻ trâu mà cứ làm như là bố đời thiên hạ”, “biết gì mà nói”... Nếu Việt không phải là người có bản lĩnh mạnh mẽ thì có lẽ những lời xúc phạm trên đã kịp phát huy tác dụng.
“Mình từng nghe rất nhiều ý kiến theo dạng như “xã hội đã thế rồi thì dù có nói cũng đâu thay đổi được gì”. Không phải vậy, mỗi người góp một tiếng nói chắc chắn sẽ làm nên điều lớn. Mình dám tin tưởng rằng, những người đã từng quan tâm đến chiến dịch “Ngưng ngược đãi” chắc chắn sẽ cẩn trọng hơn với ngón tay, bàn phím và những gì họ sắp sửa nói ra”, Hồng Việt vui vẻ chia sẻ.