Chàng trai mắc ung thư và giấc mơ Cầu Vồng cho trẻ em nghèo

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, tưởng chừng Nguyễn Công Nội (SN 1992, thôn Nam Tân, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) suy sụp khi nghĩ đến cái chết đang cận kề... Nhưng không, Nội đã viết tiếp một giấc mơ đẹp cho trẻ em nghèo ở đại ngàn nắng gió.

Lớp học vui vẻ của thầy Nội

Lớp học vui vẻ của thầy Nội

Nghị lực

Chiều nắng vàng trên vườn hoa rực rỡ sắc màu trước ngôi nhà cấp 4, chàng trai đang tỉ mẩn bên chậu sen đá. Ánh mắt tự tin, nụ cười cởi mở dễ gần là cảm nhận khi tiếp xúc với Nguyễn Công Nội.

Câu chuyện của Nội xoay vần bên ấm trà nóng giữa tiết trời khô hanh của vùng đất Cư Kpô: Cậu thanh niên lấm màu đất ba zan là học sinh chăm chỉ, tuổi thơ Nội gắn với nương rẫy, sự vất vả của bố mẹ khi nuôi 6 chị em khôn lớn.

Hiểu được sự gian khó, Nội vùi đầu vào sách vở với ước mơ thay đổi phận khó nghèo của bản thân và hơn hết là lo cho gia đình một cuộc sống sung túc. Sau thời gian “dùi mài kinh sử”, chàng trai vùng sâu Tây Nguyên đỗ điểm cao vào trường Đại học Ngân hàng TPHCM.

Năm 2014, Nội tốt nghiệp, xin vào làm công ty tư nhân tại đây với mức lương khá cao. Sau hơn một năm, Nội mở công ty riêng cung cấp thực phẩm sạch cho các trường học trên địa bàn thành phố. Công việc kinh doanh khá thuận lợi, Nội dự định dành tiền về quê xây nhà cho cha mẹ.

Mọi thứ với Nội đúng như những gì anh từng mơ, cho đến một ngày cuối tháng 10/2016, khi đánh cầu lông cùng bạn về, Nội đau bụng dữ dội phải đến bệnh viện cấp cứu. Sau nhiều lần xét nghiệm, Nội chết lặng khi bác sĩ kết luận mình bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối.

Ngưng một lát, Nội tiếp: Lúc phát hiện bệnh, tôi mới ở tuổi 24, quãng đời còn tươi đẹp phía trước với bao nhiêu hoài bão, tôi rất sốc. Nhưng nghĩ về công lao bố mẹ, những hoàn cảnh đã gặp họ bất hạnh hơn mình nhưng vẫn sống lạc quan. Tôi tự nhủ phải chiến đấu, sống thật ý nghĩa.

Nội chủ động chia tay với mối tình 6 năm của mình. Nội tâm niệm mình chỉ thực sự hạnh phúc khi thấy người mình yêu thương được hạnh phúc trọn vẹn. Nội bán lại công ty của mình cho người quen, thu vén tiền bạc cho việc chữa bệnh. Trải qua 8 đợt hóa trị đầy đau đớn, cơ thể Nội yếu hẳn nhưng Nội quyết không bỏ cuộc. Sau đó, Nội về quê ở xã Cư Kpô để sống những ngày cuối cùng với núi đồi bình yên.

Viết tiếp ước mơ cho trẻ em nghèo

Sống nơi quê nhà tỉnh, thấy em nhỏ ở buôn làng hằng ngày theo cha mẹ lên rẫy làm đủ việc vất vả, thương những đứa trẻ thiệt thòi vì nghèo khó, Nội quyết định mở lớp ôn tập kiến thức và dạy tiếng Anh miễn phí.

Đầu năm 2017, Nội mua  bàn ghế học sinh, chiều chiều gọi các em nhỏ trong xóm đến chơi rồi dạy tiếng Anh và toán.

Khoảng thời gian “chơi mà học”, các em tiến bộ khiến cha mẹ rất vui. Lớp học vì vậy đông dần lên. Ban đầu, chỉ có 6 -7 em, sau hai tháng, có đến 70 học sinh, Nội phải chia thành nhiều ca để dạy.

Nội viết thư pháp tặng mọi người

Nội viết thư pháp tặng mọi người

Giữa những cơn đau, Nội vẫn lạc quan trên bục giảng. Trong câu chuyện với mọi người, ánh mắt anh lấp lánh niềm tin và tình yêu thương vô bờ bến với những học trò nhỏ của mình.

Thấy việc học của con hiệu quả rõ từ khi học thầy Nội, nhiều phụ huynh đến đăng ký và xin được ủng hộ tiền đầu tư mua trang thiết bị, sân chơi…Những người quen góp sách cũ để Nội lập thư viện nhỏ cho các em.

Chị Bùi Thị Bích Liên, phụ huynh em Dương Bùi Hữu Nghĩa (7 tuổi) cho biết: Các em học thầy Nội đều lễ phép, ngoan, nhanh nhẹn. Tiền học phí thầy không thu nhưng có nhiều phụ huynh xin đóng 150 -200 nghìn đồng/tháng ủng hộ. Số tiền này thầy dùng tổ chức các trò chơi cho học sinh. 

“Tôi muốn mở cho các em một lớp học thật vui vẻ, nơi các em không bị áp lực thành tích, không giáo điều, không tiền bạc… Nơi các em thỏa sức sáng tạo, hướng về những gì tốt đẹp để có một tuổi thơ trọn vẹn nhất”, Nội nói.

Sau khi lớp học phát triển, Nội ấp ủ mở một trường học mang tên “Trường học Cầu Vồng”. Nội tâm sự: “Mỗi học sinh là một tính cách, một màu sắc riêng và chúng ta cần tôn trọng. Vậy nên tôi đặt tên ngôi trường là Cầu Vồng. Các em được chia sẻ, được sống vui vẻ với sở thích thì học sẽ dễ dàng. Tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng tôi tin nếu có ngôi trường Cầu Vồng đầu tiên sẽ có thêm nhiều ngôi trường vui vẻ như vậy trên những cánh đồng hoa mặt trời”.

Năm 2019, Nội thuê mảnh đất 2 hecta gần nhà, trồng hoa mặt trời xung quanh. Khi các phòng học xây dựng gần hoàn thiện phải dừng ngang bởi vướng quy định thuê đất. Nói đến đây, Nội nghẹn giọng: Khi đó tôi như chết lặng. Tôi đã nhận 200 triệu đồng theo hình thức nhận tiền năm trước trả bơ năm sau để thuê đất xây dựng. Tôi phải vay tiền người thân để trả lại cho nhà hảo tâm vì không muốn mang tiếng. Hy vọng, đến lúc nào có đất xây trường, mọi người lại chung tay.

Sau khi ngôi trường thành hoang phế, tưởng chừng Nội suy sụp, nhưng không, Nội vẫn yêu đời, lạc quan trong ngôi nhà cấp 4 đầy sắc hoa của mình. Nội tự tay trồng cây, hoa trước sân. Tận dụng lốp xe cũ, thanh sắt… cùng các học sinh sơn vẽ, lắp ráp thành nhiều đồ dùng hữu ích.

Qua bàn tay khéo léo, những vật dụng cũ ấy trở thành sân chơi cho trẻ như, xích đu, ghế ngồi, bập bênh… với nhiều màu sắc rực rỡ, vừa gần gũi thiên nhiên vừa kích thích sự phát triển vận động tư duy sáng tạo cho trẻ. Nội đặt tên cho ngôi nhà của mình là “khu vườn Mùa Xuân”.

Nội cùng các em học sinh trải nghiệm làm nông nghiệp

Nội cùng các em học sinh trải nghiệm làm nông nghiệp

Điểm dạy học của Nội được đặt tại 2 nơi. Những ngày cuối tuần học sinh đông, Nội dạy ở phòng học được xây trên nhà bố mẹ. Ngày trong tuần học ở “khu vườn Mùa Xuân”. Ngoài lớp học vui vẻ Nội còn dạy các em làm bánh, trồng cây,… ở nơi đó còn có những ngày tắm mưa cùng nhau, cắm trại thâu đêm.

Nhiều hôm tổ chức chương trình cho các em vì không có đủ kinh phí nên thầy trò chỉ chiên bánh chuối, bánh khoai. Nội luôn mong muốn có đủ sức khỏe để xây dựng một ngôi trường Cầu Vồng, có những lớp học vui vẻ nằm trên ngọn đồi hạnh phúc ngập tràn hoa hướng dương. Đó sẽ là nơi gieo hạt mầm tử tế cho đời.

Nhiều học sinh còn gọi Nội là “thầy giáo đa tài” bởi hát hay, đàn giỏi. Nội còn viết thư pháp cho một số chùa trên địa bàn huyện. Vào dịp tết, khách đến nhà sẽ được Nội viết thư pháp tặng…

Chúng tôi rời “khu vườn Mùa Xuân” khi khói bếp tỏa lên từ những nóc nhà, tiếng gà, tiếng chim kêu, tiếng những đứa trẻ thôn quê nô đùa hòa lẫn vào không trung. Đâu đó vẫn văng vẳng câu nói của Nội: “Khi những cơn đau ập đến điều giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn là được nhìn thấy nụ cười cô cậu học trò nhỏ của mình. Tôi thấy cuộc sống đơn giản không phải bon chen”.

Xót xa nữ sinh xứ Thanh phát hiện bệnh ung thư khi sắp nhận bằng tốt nghiệp đại học

"Vì sao em còn quá trẻ mà thần chết lại điền tên em vào danh sách dự bị sớm thế này? Em chỉ còn ít ngày nữa là tốt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thảo ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN