Chàng trai liệt toàn thân và không gian đọc "Hy vọng"

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Chỉ tính riêng trong năm 2019, tủ sách tại 'Không gian đọc Hy vọng' đã có 4.000 cuốn sách cho mượn đọc miễn phí với hơn 900 độc giả thân thiết đăng ký mượn sách.

Đỗ Hà Cừ và mẹ tới lễ trao Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019

Đỗ Hà Cừ và mẹ tới lễ trao Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019

Không gian đọc “Hy vọng” của chàng trai bị di chứng chất độc da cam

Ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam ngay từ lúc mới sinh, Đỗ Hà Cừ (sinh năm 1984) đã bị liệt toàn thân. Dù ở tuổi 36 nhưng Hà Cừ nhỏ thó, nằm lọt thỏm trong chiếc xe đẩy.

Chừng ấy năm, cô Nguyễn Thị Kim Sơn (mẹ của Hà Cừ) chăm sóc con từ miếng ăn, giấc ngủ, tới cả chuyện vệ sinh cá nhân... Người mẹ ấy cũng chính là cô giáo dạy Cừ biết đọc, biết viết và biết sử dụng máy vi tính dù chỉ bằng một ngón tay.

Vào đầu tháng 1/2020, cùng con vượt chặng đường gần 500 km từ Thái Bình lên huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019, người mẹ ấy không khỏi tự hào khi nói về cậu con trai không may mắn của mình.

“Lúc mới sinh cháu ra, biết con không như những đứa trẻ bình thường nên hai vợ chồng buồn lắm. Ban đầu đã nghĩ cháu là đứa “bỏ đi” rồi, nhưng bản năng làm mẹ khiến tôi yêu thương hơn, chăm sóc cháu mỗi ngày. Cừ tỏ ra là cậu bé ưa khám phá mặc dù cháu không được đến trường ngày nào. Vì thế tôi vẫn dạy chữ, dạy vi tính cho con và tôi biết con sẽ có ngày không làm tôi thất vọng", cô Sơn nhớ lại.

Biết chữ là điều kiện giúp chàng trai khuyết tật được chìm đắm trong thế giới rộng mở của những trang sách. Đọc sách, mở ra những chân trời mới là điều tuyệt vời mà không phải bạn trẻ khuyết tật nào cũng có cơ hội tiếp cận. Vì thế Hà Cừ đã thành lập tủ sách cá nhân, trước tiên để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của mình, sau đó là truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác.

Lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ con mở không gian đọc chỉ để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của bản thân, nhưng sau Cừ vận động được nhiều sách, con lại muốn cho những người khuyết tật khác có niềm vui như mình, được tiếp xúc với thế giới qua từng trang sách. Dự án tủ sách dành cho người khuyết tật quản lý với không gian đọc mang tên “Hy vọng” chính thức mở cửa từ năm 2015 tại nhà tôi”, cô Sơn nói.

Người mẹ có gương mặt phúc hậu vui lây với niềm vui của con. Cô bảo, từ khi thành lập không gian đọc, tiếp xúc với mọi người khiến Hà Cừ vui vẻ, khỏe mạnh hẳn lên. “Là một người mẹ thấy cháu làm được những điều tưởng chừng như “không tưởng” tôi rất phấn khởi”, cô Sơn chia sẻ.

Vừa mở không gian đọc, cả nhà phải cùng Hà Cừ phục vụ độc giả đến mức “quá tải”. Cô Sơn nhớ lại rồi cười hiền nói: "Cứ duy trì như thế chúng tôi không làm được việc gì, thành ra sau đó phải giảm xuống tuần hai buổi (vào thứ Bảy, Chủ nhật). Riêng mùa hè thì mở cửa các ngày trong tuần”.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, tủ sách tại không gian đọc "Hy vọng" có 4.000 cuốn sách để cho độc giả mượn đọc miễn phí thường xuyên. Có tới hơn 900 độc giả đã đăng ký mượn thường xuyên. Hàng tuần có khoảng hơn 20 độc giả đến đọc và mượn sách.

Trong dự án phát triển thêm tại 8 tủ sách do người khuyết tật tại các tỉnh quản lý, Hà Cừ cho biết mỗi tủ sách có từ 700 đến 2.500 cuốn sách. Hiện nay các không gian đọc này đã và đang đi vào hoạt động rất hiệu quả phục vụ cộng đồng.

Không gian đọc của Đỗ Hà Cừ.

Không gian đọc của Đỗ Hà Cừ.

Rất khó khăn khi diễn đạt bằng lời, Hà Cừ chia sẻ: “Hàng ngày tôi cập nhật thông tin của các tủ sách nằm trong dự án, uốn nắn, theo dõi và chia sẻ thông tin hữu ích để các tủ sách hoạt động hiệu quả nhất có thể. Hiện nay không gian đọc Hy vọng do tôi quản lý có 80 tình nguyện viên ở khắp các vùng miền".

Và một người mẹ luôn bên con

Khi được hỏi về mẹ, giơ cánh tay khẳng khiu với những ngón tay co quắp, Hà Cừ cọ cọ vào bàn tay nhăn nheo của mẹ, hướng ánh mắt về bà. Cô Sơn, liền giữ chặt tay con trai, mỉm cười.

Cô kể, từ nhỏ Hà Cừ chỉ có một tư thế nằm, gõ vi tính cũng chỉ bằng một ngón tay nên mọi sinh hoạt đều cần sự hỗ trợ của người thân. Đặc biệt khi mở không gian đọc, mẹ lại là người luôn sát cánh giúp đỡ con.

Con đi đâu mẹ cũng theo cùng. “Dù cháu có đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ nhưng có những việc không ai thay thế được nên cháu đi đâu tôi cũng phải đi đấy để giúp cháu. Ví dụ như lên tận Cao Bằng, tôi là người say xe nhưng vẫn đồng hành cùng con”, cô nói.

Kể về hành trình lên Cao Bằng nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019, cô Sơn cho biết hai mẹ con từng tham gia nhiều hành trình thiện nguyện. Tuy nhiên, chuyến đi này đường khó đi, có những đoạn đường cua tay áo, trên xe nhiều người khỏe cũng say lả lướt, ấy vậy mà hai mẹ con vẫn cố gắng ngồi 12 tiếng đồng hồ để lên tới đây.

“Đây là dịp Hà Cừ gặp được nhiều người chung chí hướng làm việc thiện. Cháu cũng được gặp nhiều em nhỏ, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Bảo Lạc. Mẹ con chúng tôi được các em nhỏ xúm xít vây quanh hỏi chuyện… Hơn tất cả, có lẽ đây cũng là chuyến đi vinh dự nhất của hai mẹ con, bởi vượt ra ngoài tấm bằng khen mà cháu được nhận thì tinh thần vượt khó, sự ham học của cháu phần nào được rất nhiều học sinh ở Bảo Lạc đón nhận”, cô Sơn nói trong ánh mắt tự hào.

Đỗ Hà Cừ là 1 trong 20 thủ lĩnh được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam dành cho CLB có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện năm 2018. Anh cũng là 1 trong 10 gương mặt đạt Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Anh được nhận Bằng khen do Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình trao tặng cho người khuyết tật có ý chí và nghị lực vươn lên thành lập Không gian đọc làm phong phú văn hóa đọc của địa phương. Năm 2019, Hà Cừ vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng cho Không gian đọc Hy vọng do đạt Giải thưởng văn hóa đọc.

Nguồn: [Link nguồn]

Xúc động tấm lòng cô gái khuyết tật ủng hộ quỹ chống dịch COVID-19

Dù bị khuyết tật nhưng Đặng Thị Phương (SN 1988, xóm 7, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã không ngại vượt quãng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N. Huyền ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN