Chàng trai không tay chân và ước mơ vượt 'đại ngàn'
Sinh ra không chân tay, cả làng đòi chôn sống, phải vượt đường núi đi học khiến hai đầu gối rớm máu song những khó khăn ấy không hạ gục được ý chí của chàng trai Nay Djruêng. Giờ đây, chàng trai đầy nội lực ấy đang hiện thực mơ ước giúp đỡ được các em nhỏ nghèo nơi bản làng.
Anh Djruêng tham dự và nhận được nhiều bằng khen, giấy chứng nhận của các tổ chức
Vượt qua nghịch cảnh
Cái nắng chiều của vùng đất Krông Pa (Gia Lai) mang đến sự bình yêu cho mọi người. Hoàng hôn nơi đây rực đỏ chiếu vào làn da nâu khoẻ khoắn của người dân tộc Jrai, cùng những tiếng cười trẻ thơ bên bờ sông Ba trong veo. Quả thực, ngụm nước dừa nơi đây cũng ngon hơn nơi khác bởi thoả mãn được cơn khát vùng “chảo lửa”. Có một điều chắc chắn rằng, cái khắc nghiệt khiến cây trái nơi đây rất khó chăm sóc nhưng khi đã cho quả lại vô cùng thơm ngon.
Dẫu vậy ở góc cuối xã Krông Năng (huyện Krông Pa) dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả mà nó để lại vẫn còn dai dẳng. Chất độc da cam là nỗi ám ảnh, kéo theo sự u buồn trong mỗi gia đình. Câu chuyện vượt lên nghịch cảnh của chàng trai Nay Djruêng đầy nghị lực khiến tất thảy mọi người thán phục, thấy được giá trị cuộc sống. Thời kháng chiến, cha mẹ của Djruêng đều là du kích ở một vùng bị không quân Mỹ rải hóa chất có tên thuốc diệt cỏ (chất độc da cam). Thế nên, khi mới chào đời, anh trai của Nay Djruêng mang dị dạng đã bị chôn sống khi mới lọt lòng. Chị gái của Nay Djruêng may mắn khi chân tay có phần đỡ hơn nên được giữ lại. Năm 1994, Nay Djruêng chào đời với hình thể khiến cả làng hoảng sợ, bắt phải chôn giống như người anh trai xấu số. Họ cho rằng nếu không chôn cả làng sẽ gặp nhiều tai hoạ. Mọi quyết định phải đợi người bác cả của Nay Djruêng về. Anh Djruêng xúc động nhớ lại: “Mẹ tôi kể, hồi đó bác nói là ông không thể giết cháu mình”.
Hành trình sống của cậu bé Djruêng bắt đầu từ đó. Càng lớn ý thức được bản thân khác với mọi người, Djruêng càng buồn tủi, đơn độc. Cậu bé không tay chân bị các bạn trong làng xa lánh, nghĩ là con của ma rừng. Dẫu vậy, cậu bé ấy như cây kơ nia sừng sững, vượt qua những ánh mắt, kỳ thị của mọi người. Dù ngoại hình không toàn vẹn nhưng mọi người đã cảm nhận từ Djruêng trái tim đầy ấm áp, yêu thương các loài vật, cây cối.
Khi được 8 tuổi, Djruêng mới xin được gia đình cho đến trường. Quãng đường chỉ vài cây số nhưng ngày nào cũng khiến cả hai đầu gối rớm máu, mưng mủ. Có khi cậu bé không chân tay ấy phải trườn xuống đường đá dốc. Ước mơ được học, đến trường là động lực giúp Djruêng vượt qua tất cả. Lâu dần chân của Djruêng đã chai sạn, rắn chắc, băng qua gập ghềnh, đường núi.
“Đau mấy mình cũng chịu được, chẳng bao giờ ta thán, rơi nước mắt. Nhưng điều khiến trái tim mình buốt là những ánh mắt kỳ thị, lời nói xa lánh mình. Mình buồn và tủi thân bao nhiêu thì trong mình luôn có một ý chí phải cố gắng vươn lên, không đầu hàng số phận để được học con chữ”, anh Djruêng nhớ lại. Việc học chữ khó vô cùng bởi cậu bé không có đôi bàn tay, phải dùng hai cùi tay chắp lại, kẹp bút để viết.
Năm lớp 4, Djruêng mới được Hội Chữ thập đỏ cấp cho chân giả. Niềm vui tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng với Djruêng ý nghĩa vô cùng. Có chân mới, Djruêng đã đứng cao hơn, tự tin hơn với mọi người.
Bằng trái tim nhân hậu, nụ cười và giọng nói ấm áp, cậu bé Djruêng đã chiếm lấy trái tim của mọi người. Djruêng đã tự tin hơn khi tham gia các hoạt động của nhà trường. Sở hữu giọng hát đầy nội lực đã giúp Djruêng giành giải Nhì cuộc thi “Tiếng hát quần chúng” do huyện tổ chức. Lên cấp II trúng tuyển vào trường dân tộc nội trú, cũng từ đây Nay Djruêng dần dần xác định được mục tiêu của bản thân là học ngành Công nghệ thông tin.
Lên cấp III, khi đem giấy báo đậu về hệ cao đẳng ngành Công nghệ thông tin ở một trường Đà Nẵng khoe, bố mẹ của Djruêng vô cùng vui mừng, đi khắp làng báo tin. Cánh cửa mới tiếp tục mở ra với cuộc đời, Djruêng rời đại ngàn, bước vào cuộc sống mới.
Truyền nghị lực sống
Hiện anh Djruêng đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (Đại học Đà Nẵng), làm lập trình viên cho một trang web tại TP.Hồ Chí Minh. Chàng trai của núi rừng đang là biểu tượng, sự tự hào của người dân Krông Pa khi mỗi ngày thực hiện ước mơ, truyền cảm hứng, nghị lực sống đến mọi người.
Anh Djruêng chuẩn bị quà để tặng các em học sinh nghèo
Giúp đỡ các em nhỏ bản làng là ước mơ của anh Djruêng
“Tôi luôn cố gắng mỗi ngày để hiện thực ước mơ xây dựng thành công một sân chơi và công việc để phục vụ chính những bạn khuyết tật. Bởi vậy, tôi đang nỗ lực tạo kênh truyền thông như một nơi để những người khuyết tật giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống cũng như các câu chuyện từng trải để cùng nhau vượt khó. Những câu chuyện sẽ truyền một năng lượng giúp mọi người yêu và làm những điều ý nghĩa cho cuộc sống này”, anh Djruêng quả quyết.
Bằng trái tim nhân hậu, nụ cười và giọng nói ấm áp, cậu bé Djruêng đã chiếm lấy trái tim của mọi người. Djruêng đã tự tin hơn khi tham gia các hoạt động của nhà trường. Sở hữu giọng hát đầy nội lực đã giúp Djruêng giành giải Nhì cuộc thi “Tiếng hát quần chúng” do huyện tổ chức.
Djruêng chia sẻ, từ năm 2014 đến nay, năm nào anh cũng thực hiện chương trình thiện nguyện “Tiếp sức tới trường”, sau đó anh đổi tên thành quỹ “Đi qua mùa rẫy” với mong muốn sau mỗi mùa rẫy, các em vẫn được đến trường mà không phải bỏ trường, bỏ lớp. Để làm được điều này, anh đã nhờ sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, bạn bè gom sách giáo khoa cũ, quà cho các học sinh nghèo tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (xã Krông Năng) và THPT Đinh Tiên Hoàng (đều ở huyện Krông Pa). Mỗi dịp khai giảng, anh Djruêng trực tiếp về trường trao quà cùng chia sẻ những câu chuyện mà bản thân đã vượt qua. Có năm do không đủ kinh phí cho các em, Djruêng bỏ thêm kinh phí, chia khéo ra, mua các phần quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, thân tình.
Cũng bởi thế, anh Djruêng đã vinh dự nhận giải “Top truyền cảm hứng nhiều nhất”, “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” năm 2020 của Cộng đồng tình nguyện Việt Nam.
“Tôi có thể dành cả đời để than khóc, buồn bã vì mình không có tay như người khác. Nhưng thay vì làm vậy, tôi lựa chọn tiến lên và vượt qua thực tế một cách nhanh chóng”....
Nguồn: [Link nguồn]