“Hô biến” gỗ vụn thành sản phẩm thủ công độc đáo
Tận dụng những miếng gỗ thừa ở xưởng sau khi hoàn thành sản phẩm nội thất, Trần Minh Tân (sinh năm 1994, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã cho ra đời hơn 50 sản phẩm thủ công tinh tế, ấn tượng.
Tân kể: “Mình thường xuyên tiếp xúc với gỗ vì công việc chính là thiết kế nội thất. Nhận thấy các nhà xưởng bỏ đi nhiều gỗ vụn, gỗ thừa, mình quyết định xin về làm đồ handmade để vừa thỏa sức sáng tạo, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nhiều người thắc mắc hành động của mình nhưng sau khi xem các tác phẩm từ gỗ vụn thì họ hiểu ra và rất thích thú”.
Tân bắt tay vào sáng tạo các sản phẩm này từ tháng 3/2021, khi tình cờ trông thấy những món đồ handmade đẹp mắt trên một số trang web nước ngoài. Hồi học THPT, cậu đã có năng khiếu trong việc thiết kế và từng tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Nội thất của trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai.
Tân luôn tỉ mỉ trong từng tác phẩm của mình.
Quy trình thông thường cho một sản phẩm của Tân là: Lên ý tưởng; chọn các miếng gỗ vụn có kích thước và hình dáng phù hợp; rồi cưa, cắt thành hình dạng mong muốn. Nếu sản phẩm có chi tiết mái nhà thì phần mái sẽ được làm bằng lõi bìa giấy carton. Tân thường sử dụng màu acrylic để tô sản phẩm sau khi tạo hình xong. Cuối cùng, Tân dán cố định các chi tiết với phần đế bằng keo 502.
Cứ mỗi khi rảnh rỗi, Tân lại cặm cụi bên máy cưa đĩa đa góc, máy chà nhám và súng bắn đinh để sáng tạo tác phẩm mới. Ngoài ra, cậu cũng cần chuẩn bị búa, kìm, kéo… thậm chí là dao trổ và nhíp để tạo hình các chi tiết từ nhỏ đến lớn.
Tân chia sẻ: “Cứ có thời gian là mình làm. Mình hay làm theo cảm hứng, đến khi nào ưng ý mới ngưng. Mình cần khoảng 2 - 4 tiếng cho một sản phẩm, đôi khi là mấy ngày trời mới hoàn thiện”.
Những sản phẩm do tân tạo tác được trưng bày tại nhà.
Tân cho biết, gỗ vụn thường có kích thước nhỏ nên dễ dàng trong việc tạo hình sản phẩm. Tuy nhiên, điều đó cũng gây khó khăn vì chúng đòi hỏi người thực hiện phải tỉ mỉ và tập trung cao độ. “Sơ ý một chút là phải làm lại ngay. Việc sắp xếp bố cục với tỉ lệ hài hoà hay phối màu sắc sao cho hợp lý và chân thật cũng cần được chú trọng”, Tân bày tỏ thêm.
Những tấm gỗ vụn dưới đôi bàn tay khéo léo của cậu đã hoàn toàn “lột xác”, trở thành những tác phẩm tinh tế, độc đáo. Chính chất liệu gỗ đã giúp các sản phẩm luôn chứa đựng sự thân thương, bình dị. Không khó để nhận ra đa số sản phẩm của Tân có sự xuất hiện của biển vì cậu vốn thích vùng biển, sông nước.
Tân cũng đã có dịp đặt chân tới gần hết 63 tỉnh, thành trên dải đất hình chữ S nên cậu ấp ủ nhiều ý tưởng cho các tác phẩm. “Mình đi để trải nghiệm, khám phá nên những cảnh đẹp và ấn tượng đều được mình ghi nhớ, rồi bất chợt nảy ra trong đầu để mình “thổi hồn” cho các tác phẩm từ gỗ vụn”, Tân nói.
Sắp tới, Tân hy vọng có thể liên kết với các bạn cùng đam mê để nâng cấp và mở rộng dòng sản phẩm này.
Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tân đang tạm ngưng công việc chính, dành thời gian ở nhà để làm các sản phẩm do khách hàng đặt. Đó cũng là điều may mắn đối với Tân vì cậu vẫn có được một khoản thu nhập trong mùa dịch, với số đơn đặt hàng khá nhiều, bù cho khoảng thời gian trước đây vì bận công việc chính mà không thể đáp ứng hết số lượng khách yêu cầu.
Tân luôn nỗ lực không ngừng để các món đồ làm ra sẽ mang dấu ấn cá nhân, đảm bảo sự độc lạ giữa thị trường đồ handmade đang phát triển như ngày nay. “Mình nghĩ là cứ làm bằng cái tâm và sự đam mê thì các sản phẩm sẽ có “hồn” cũng như mang lại những giá trị nhất định”, Tân bộc bạch.
Cùng ngắm một số tác phẩm thủ công độc đáo của Tân được tạo ra từ gỗ vụn:
"Tôi đã từng đi bộ một mình dưới cái nắng 40 độ trên đèo Mã Pí Lèng - Hà Giang; từng đi bộ từ cầu Hiền Lương...
Nguồn: [Link nguồn]