Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Trải nghiệm thực tế bằng việc rong ruổi trên những nẻo đường, khám phá những con người và vùng đất mới.

Lâm Thiếu Gia, cái tên thân mật mà mọi người hay gọi anh, anh có tên thật là Hoàng Ngọc Lâm (SN 1989, tại quận Long Biên, Hà Nội). Lâm là một chàng trai trẻ, thích ngao du đó đây, khát khao được trải nghiệm theo cách hiện thực nhất, ước muốn được khám phá nhiều điều kì thú, hay đơn giản, như “một kẻ hâm dở giữa xô bồ đời thường chai lặng - người đi tìm những điều giản dị và lắng nghe, cảm nhận”.

“Muốn bay, hãy dám chấp nhận sải cánh”

Như bao con người trẻ khác, ai cũng muốn cơ hội được tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống, về những giá trị hiện hữu, hay ít nhất là được lưu giữ những khoảnh khắc ngọt ngào về một thời tuổi trẻ tóc xanh rối bời. Lâm chọn cách trải nghiệm thực tế bằng việc thường xuyên rong ruổi trên những nẻo đường bất tận, gặp gỡ những nền văn hóa xa lạ, khám phá những con người  với những chiều suy nghĩ khác nhau.

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 1

Dốc Thẩm Mã, Hà Giang – mùa hoa Tam Giác Mạch tháng 10.2013

Giữa tháng 10 cuối năm 2012 những ngày cuối thu, Lâm đã quyết định một mình thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt từ 2 điểm đầu đất nước: cột cờ Lũng Cú – Mũi Cà Mau, tổng quãng đường gần 3000km theo những con lộ nhỏ ven biển. Anh có 15 ngày để chuẩn bị cho cuộc hành trình.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một hành trình dài đi bộ ngàn dặm là một điều cực kì quan trọng. Tất cả đều phải sẵn sàng từ chuẩn bị vật dụng, kinh nghiệm, kĩ năng, tài chính, sức khỏe, lộ trình từng chặng đường và quan trọng nhất là ý chí – niềm yêu thích thực sự.

“Để biết chuyện sẽ xảy đến ra sao, chẳng còn cách nào khác là hãy đón nhận”

Hành trình đi bộ xuyên Việt của Lâm được chia làm 8 chặng chính trải dải khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam giữa 2 điểm cực của đất nước.

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 2

Tại thủy điện Hòa Bình

Chặng đường đầu tiên, anh xuất phát từ cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) – điểm cực Bắc đất nước về tới Hà Nội, đoạn đường dài gần 500km. Giữa mảnh đất Hà Giang nổi tiếng nơi những “hoa nở từ trong những kẽ đá tai mèo” xứ đó, là chặng đầu tiên, luôn chẳng bao giờ là dễ dàng.

Có những khi đêm tối, do chưa quen và các điểm dừng chân cách nhau khá xa nên anh mỗi chặng đường hàng ngày anh thường xuyên rơi vào tình trạng kiệt sức. Thậm chí, anh còn nhớ như in về kỉ niệm tối ngày thứ 6 trong cuộc hành trình, khi kết thúc chặng đường ngày hôm đó từ thành phố Hà Giang – thị trấn Tân Quang anh đã ngã mình mê man vào cơn ốm say nắng, cáu bẩn, nhếch nhác, thậm chí chẳng còn đủ sức tỉnh táo đi rửa mặt mũi, anh ngủ li bì ngay khi dừng chân.

Anh được một người bạn là thầy giáo trẻ  trường Tân Quang giúp đỡ, trong khu nội trú tạm của trường với căn phòng xập xệ chưa đến 15m2 chỉ có một chiếc giường nhỏ, thầy giáo trẻ dù lần đầu gặp gỡ nhưng đã nhường cả chiếc gối duy nhất, chăn và chiếc giường cũ kĩ cho vị khách xa mới quen .

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 3

Cột mốc Hà Giang

Anh gặp những ngôi nhà nối nhau trong bản xếp hàng rào đá, có rêu mọc xanh rì in hằn màu thời gian. Những dãy ngô vàng rộm hong trước cửa nhà,những đứa trẻ người Mông ngây ngô không hiểu lời anh nói, đã đổi sắc hồng hoa tam giác mạch để lấy kẹo. Trẻ con vùng nào cũng đáng yêu và mang một sắc thái riêng khiến những cung đường ta đi qua đều in đậm dấu ấn tạo nên một hạnh phúc viên mãn hơn.

Hay anh kể có những ngày Trung Bộ nhỡ độ đường không điểm dừng chân phải đi xuyên qua cả bóng đêm không ánh đèn lề đường, khi vắng vẻ chỉ là những cồn cát gió hú, lúc lại thấp thoáng những ngôi mộ cả cũ cả mới đan xen 2 hàng thông phấp phới trong ánh bang bạc biển đêm lấp lánh. Hay cả những ngày đơn độc giữa trưa tênh hênh nơi con đường nhựa ngồn ngột cháy bỏng thứ nắng gió Tây Nguyên xa lạ, để luôn phải dừng lại tiếp nước, sũng ướt cả thần thái lẫn tâm hồn.

Có quá nhiều lần, cùng vô vàn lí do mông lung để tưởng chừng chỉ 1 khắc nữa thôi, anh sẽ bỏ cuộc. Bởi lẽ có quá nhiều điều mới mẻ mà anh không thể kiểm soát được. Những lần ngủ nhờ trạm xăng, ngủ nhờ công trình hay vì ăn uống không hợp khẩu vị khiến anh đau bụng dữ dội, mất sức và nản chí.. sẽ trở về, anh không thể !!

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 4

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 5

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 6

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 7

Chàng trai Hà Thành và hành trình đi bộ xuyên Việt - 8

Những nơi "Lâm Thiếu Gia" từng đi qua.

Chân sưng rộp, vết cũ chưa hết lại đến vết mới, đến khi nhận ra giày đã mòn đế thì giơ lên cũng đủ để nhìn thấy ánh nắng xuyên qua.

Nhưng mọi thành công luôn nở nụ cười với kẻ biết trân trọng, sau 89 ngày lênh đênh mội dải mây trời đất nước (12/10/2012 – 8/1/2013), anh cũng thực hiện được ước mơ cán tới cái đích Mũi Cà Mau, điểm Cực Nam của đất nước, điểm kết thúc của một cuộc hành trình ngàn dặm trên đôi chân trần.

Một cuộc hành trình thực sự được tính không phải bằng dặm, mà bằng những người bạn

Hành trình đi bộ xuyên Việt của Lâm kéo dài trong 89 ngày (12/10/2012 – 8/1/2013) với 8 chặng tổng chiều dài gần 3000km. Sau khi cán đích tại Mũi Cà Mau, nghỉ ngơi hai ngày, anh tiếp tục chuyến xuyên Việt kép trở về Hà Nội dài 16 ngày khác để thăm lại những người bạn suốt dọc hành trình đã giúp đỡ anh ( 11/1/2013-26/1/2013) trên chiếc vespa cổ độc đáo mang tên “người bạn Máy Kày”, một món quà từ người bạn lớn tuổi Đồng Hới.

“Có lẽ, với tôi, đó sẽ mãi là quãng thời gian ngọt ngào nhất để chẳng bao giờ có thể là quên, khi mắt môi thấm đượm vạn ngàn những cung bậc cảm xúc giản dị được cuộc sống trao tặng. Nhớ, hành trình của thời tuổi trẻ!" – anh chia sẻ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Trang ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN