Lưu bài Bỏ lưu bài

Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 2Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 3

Trận chung kết năm thứ 9 của 12 năm về trước được xem là trận chung kết đặc biệt nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” khi có tới 5 thí sinh tranh tài.

Sở dĩ có điều đặc biệt này là vì trận thi quý 3 năm đó có sự nhầm lẫn giữa đáp án của thí sinh và đáp án chương trình đưa ra. Sau khi gia đình gửi đơn khiếu nại, chương trình đã đưa ra cách giải quyết cuối cùng là đồng ý với đáp án của thí sinh và chàng trai thua cuộc trận quý đó đã cùng với người thắng cuộc bước vào chung kết.

Trận chung kết năm thứ 9 diễn ra vô cùng gay cấn với sự góp mặt của 5 nhà leo núi: Bạch Đình Thắng (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội), Hồ Ngọc Hân (THPT Quốc Học Huế), Đào Thị Hương (Trường THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Thị Thu Trang (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Bùi Tứ Quý (Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM).

Chiến thắng cuối cùng thuộc về Hồ Ngọc Hân, chàng trai “vàng” của trường THPT Quốc Học Huế. Thế nhưng, một thí sinh của trận chung kết năm đó, cũng gây chú ý không kém là Bùi Tứ Quý – anh chàng có vẻ ngoài hiền lành và “ngố tàu”.

Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 4

Tứ Quý đã gây tiếc nuối cho biết bao khán giả khi có hành trình leo núi suôn sẻ, dẫn đầu ở cả hai phần thi Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc nhưng ở phần thi quyết định lại thất bại.

Mức độ cạnh tranh quá khốc liệt giữa các thí sinh khiến Tứ Quý đánh mất lợi thế của mình, không ghi được điểm nào ở phần thi Về đích. Kết quả chung cuộc, anh xếp vị trí thứ 3 với 175 điểm.

12 năm trôi qua, chàng trai “ngố tàu” năm nào đã có sự thay đổi ngoạn mục về ngoại hình. Không những thế, anh còn có sự nghiệp đáng ngưỡng mộ - là thành quả ngọt ngào cho những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian qua.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tứ Quý, nghe anh chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống hiện tại:

Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 5

Cảm xúc của Tứ Quý thế nào khi nhớ lại trận chung kết Olympia năm đó?

Mình cũng không còn nhiều cảm xúc quá đặc biệt (Cười). Đã 12 năm kể từ ngày 17/5/2009, thời gian càng trôi thì có vẻ như kỉ niệm càng nhỏ lại. Nếu được quay lại hôm ấy, chắc mình thích về trường cấp 3 để xem không khí ở “điểm cầu truyền hình” hơn là đến trường quay S9 để thi. Hôm ở S9, mình chỉ thấy mọi người qua một cái màn hình nhỏ xíu.

Sau thất bại năm đó, Tứ Quý có mất nhiều thời gian để cân bằng lại tâm trạng và cuộc sống?

Sau trận thi ấy, mình bắt đầu tổ chức cuộc thi “Thách thức Entropy” ở trường Phổ Thông Năng Khiếu, đào tạo thế hệ đàn em với mong muốn các em thành công hơn mình ở sân chơi Olympia.

Mình vẫn sống trong không khí của những cuộc thi học thuật như vậy tầm 5 năm tiếp theo. Sau đó thì những công việc mới đến, những bận rộn của việc trở thành người lớn không cho phép mình gắn bó mãi với quá khứ được.

Điều khiến Tứ Quý tiếc nuối nhất ở mùa Olympia năm đó là gì?

Nhớ lại trận chung kết năm xưa, điều mình tiếc nhất chắc vẫn là vòng thi Về đích, khi mình bấm chuông trả lời câu hỏi của các bạn khác để “cướp điểm” nhưng các đáp án đều không trọn vẹn và cuối cùng lại bị mất điểm. Nhưng bây giờ nghĩ lại, mình thấy đó chỉ là những “vấp ngã” nhỏ xíu. Đứng lên được, nghĩa là còn nhiều cơ hội khác để mình làm lại.

Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 6

Tứ Quý có từng bị sự thất bại đầy tiếc nuối ở trận chung kết năm đó khiến cho mất thăng bằng một thời gian?

Thực ra, riêng việc tham gia “Đường lên đỉnh Olympia” năm đó đối với mình đã là thành công rồi. Mọi người có thể chỉ thấy mình ở trận chung kết nhưng mình thì thấy bản thân từ cái ngày nộp bản đăng kí, được gọi tham gia, được thi tuần, thi tháng, rồi trải qua trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008 (trận thi quý), phải đưa phần thưởng là chiếc ti vi từ Hà Nội về TP.HCM như thế nào.

Tất thảy những chuyện đó đều ít nhiều thay đổi mình, góp phần giúp mình trở thành một người như bây giờ. Còn gục ngã hay mất thăng bằng thì không đâu. Hồi đó mình đã nghĩ, dù thắng hay thua trận chung kết cũng sẽ khóc, rút cuộc mình chẳng khóc chút nào (cười).

Rời khỏi cuộc thi Olympia, Tứ Quý đã học tập thế nào và gặt hái được những thành tựu gì?

Mình trúng tuyển vào ngành Kinh tế đối ngoại trường Đại học Ngoại thương, sau khi tốt nghiệp thì đi làm tại một công ty dầu khí trong hai năm rưỡi.

Thành tích thì cũng không có gì đáng kể và cũng qua lâu rồi nên mình thấy nó chỉ là những thứ lấp lánh đã cũ.

Học Kinh tế đối ngoại nhưng công việc chính của Tứ Quý hiện tại lại là dạy học. Điều gì khiến bạn chuyển hướng như vậy?

Hiện tại, mình có các lớp dạy Tiếng Anh luyện thi IELTS (gọi là IELTS Tứ Quý), tính đến giờ mình đã dạy được khoảng 7 năm rồi. Bên cạnh đó, mình cũng có các lớp về Tư duy Logic Hệ thống, Tư duy Phân tích Phản biện, Hệ thống Năng suất cá nhân, Phù thuỷ PowerPoint để dạy thêm các kĩ năng cho những bạn quan tâm.

Bên cạnh việc tự mở lớp thì mình cũng làm nhiều dự án cá nhân, đi dạy doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong những dự án của họ… Gần đây, mình cũng làm một format truyền hình thực tế – là chương trình “Vietnam Why Not” (10 tập), đi chung với đoàn phim trong hơn 3 tuần.

Năm 2015, khi có bằng IELTS 8.5, mình bắt đầu đi dạy thêm. Năm 2016, khi tham gia “Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP)", mình buộc phải nghỉ việc khoảng nửa năm. Sau đó, trở lại Việt Nam, mình chuyển hẳn sang việc dạy học.

Ban đầu, dạy học chỉ là công việc làm thêm của mình nhưng dần dần, mình cảm thấy việc đi dạy phù hợp với bản thân hơn, kiểu như “nghề chọn người” đó.

Bản thân mình thường xuyên hệ thống hoá kiến thức thành sơ đồ, hộp, khối và thấy mọi thứ trở nên logic, gần gũi, áp dụng được, nên mình càng muốn chia sẻ nhiều. Kĩ năng sư phạm thì nghe đồn là thiên bẩm (cười).

Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 7

Tứ Quý thấy sự thay đổi lớn nhất của bản thân trong 12 năm qua là gì?

Mình nghĩ đó là tính hệ thống trong suy nghĩ. Bản thân không còn làm theo cảm tính, đăng những status tâm trạng như là mình của đầu thập niên 2010 nữa.

Mình cởi mở hơn, lí tính nhưng bớt già nua hơn, thích kết nối mọi thứ và thích có những góc tiếp cận hệ thống cho vấn đề. Khi nhìn thấy mọi thứ rõ ràng, tự nhiên mình thấy thoải mái hơn.

Hôm nào công việc nhiều quá và thấy cạn năng lượng cuối ngày, mình thường ngồi giải lại mấy bài toán đố nhỏ nhỏ, vui vui để thấy đầu óc vẫn còn minh mẫn, thế là lại có lực đẩy để mình đi tiếp, đi xa hơn.

Tứ Quý có đặt ra mục tiêu 5 năm sau mình phải trở thành một người thế nào không?

 5 năm là một quãng đường quá dài và càng dài thì càng khó nắm bắt. Mình lại thích suy nghĩ ngắn và trực diện hơn.

Từ năm 2017, khi đọc được cuốn sách “12-week year” (Một năm 12 tuần thay vì 12 tháng), mình đã thay đổi quan điểm về thời gian và tìm cách tối ưu nó. Mình cũng bắt chước concept “skill tree” (cây kỹ năng) của việc chơi game để định hướng phát triển cho bản thân ở các “nhánh” mối quan hệ, hiểu biết, tài chính…

Nói về mục tiêu của năm thì mình đang có “danh sách 21 mục tiêu 2021” và mỗi ngày vẫn phải chạy theo nó như chạy deadline. Còn mục tiêu dài hơn thì mình không nghĩ quá xa.

Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 8

Ngoài đời, Tứ Quý là chàng trai có tính cách thế nào nhỉ?

Nhiều người nói là khó hẹn mình đi chơi, có “hào quang xa cách” làm người khác không dám tới gần.

Trên thực tế thì lịch làm việc của mình hơi ngược với bạn bè nên đôi lúc cũng khó gặp, đành phải chủ động thiết kế lịch cá nhân, tự lựa chọn nên làm gì, không nên làm gì.

Sở thích của mình là viết nhật kí. Mỗi ngày chắc mình phải dành ra ít nhất 1 giờ đồng hồ để viết (nhiều lúc bạn mình cũng hỏi là không biết một ngày có cái gì mà viết lắm thế haha). Hi vọng một ngày nào đó, mình có thể tổng hợp được những phần cốt lõi nhất trong đó, tìm cách liên kết để làm được một cuốn sách.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Chàng trai gây tiếc nuối nhất chung kết Olympia 12 năm trước giờ ra sao? - 9

Content & Media: Hạ Nhiên

Thứ Sáu, ngày 23/04/2021 16:30 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])