Chàng trai Đông Hưng quyết tâm tàn nhưng không phế
Người khuyết tật dù khiếm khuyết những bộ phận trên cơ thể nhưng họ vẫn làm việc, vẫn lao động, vẫn luôn khẳng định cho xã hội thấy họ sẽ đứng lên bằng đôi tay và khối óc để tự nuôi sống bản thân.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống khó khăn vất vả, bố lại bị mù mắt, mẹ chỉ trông vào đồng áng, anh Nguyễn Văn Nho (sinh năm 1987 ở Đông Hưng – Thái Bình) đã quyết tâm học để bớt gánh lo cho gia đình.
Năm anh Nho học lớp 6, bố anh qua đời, để lại cho gia đình nỗi đau, mất mát lớn lao về mặt tinh thần. Anh định nghỉ học để cùng mẹ đi kiếm tiền, thế nhưng, nhớ lời bố dạy, anh lại cố gắng học tập để mong sau này đổi đời.
Cộng đồng cùng gắn bó và chia sẻ yêu thương.
Sau bao nỗ lực, anh thi đỗ trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, chuyên ngành Điện. Bên cạnh công việc học tập, anh làm thêm đủ nghề gia sư, bưng bê, dọn dẹp phòng khách sạn… để kiếm thêm chút tiền ăn học. Cuộc sống tưởng chừng như sang một trang mới khi anh Nho ra trường, tìm kiếm được một công việc ổn định, một người bạn gái xinh đẹp, một tương lai hạnh phúc đang rộng mở với anh…
Thế nhưng cuộc sống thật trớ trêu, năm 2010, một tai nạn kinh hoàng ập đến với anh khiến anh vĩnh viễn phải cắt bỏ hai chân của mình. Quá sốc, anh dần xa lánh mọi người, từ bỏ cả bạn gái, chìm vào trong men rượu để quên đi cuộc đời. Sau bao nhiêu ngày tháng chìm trong men say, nhìn mẹ và những người thân của mình đau khổ, anh nhận ra mình đang là gánh nặng của cả gia đình, mình phải gượng dậy, phải sống khác đi.
Bên người thân yêu (ảnh trên facebook nhân vật)
Anh khăn gói lên Hà nội, tham gia vào một câu lạc bộ khuyết tật để tìm cho mình niềm đồng cảm. Ở đây, anh thấy nhiều người bị khuyết tật từ lúc bẩm sinh, họ không có tuổi thơ, và anh thấy, mình may mắn hơn họ rất nhiều. Thời gian này anh đã bắt đầu tĩnh tâm, anh chuyển sang theo học công nghệ thông tin. Để có tiền ăn học, anh cùng với một người bạn đã mưu sinh bằng nghề bán trà đá vào ban ngày, ban đêm đi học.
Sau bao tháng ngày vất vả, khó khăn học tập, kiếm từng đồng lẻ bán trà, trốn chui trốn lủi vì sợ công an bắt, thu đồ, cuối cùng, anh cũng xin được vào một công ty làm lập trình viên, công việc bước đầu tạm ổn đối với một người khuyết tật như anh.
Nghị lực sống của Nho khiến nhiều người khâm phục!
Anh Nguyễn Văn Nho chia sẻ: “Các bạn lành lặn có đầy đủ chân tay hãy lao động, đừng quá dựa dẫm vào gia đình, đừng đổ lỗi cho số phận. Đừng quá bi quan, buồn chán, hãy biết đứng dậy khi bạn vấp ngã, dù cuộc sống có khó khăn và tàn nhẫn đến đâu. Người khuyết tật dù khiếm khuyết những bộ phận trên cơ thể nhưng họ vẫn làm việc, vẫn lao động, vẫn luôn khẳng định cho xã hội thấy họ sẽ đứng lên bằng đôi tay và khối óc để tự nuôi sống bản thân”.
Anh Nho cũng mong muốn rằng, các bạn trẻ hãy hạn chế uống bia rượu, đừng vì một phút sơ sẩy như anh để rồi cả cuộc đời phải ngồi trên chiếc xe lăn.
Xã hội rất cần những tấm gương như anh Nguyễn Văn Nho – một con người sống, làm việc, cống hiến hết mình cho cuộc đời với tinh thần “tàn nhưng không phế”.