Chàng trai 9x dành cả thanh xuân làm áo dài cổ

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Thuộc thế hệ 9X nhưng toàn bộ đam mê của Trần Nguyễn Trung Hiếu hầu như chỉ xoay quanh chiếc áo dài cổ (áo ngũ thân) và những giá trị văn hóa nay đã vang bóng một thời.

Hiếu (ở giữa) và bạn bè

Hiếu (ở giữa) và bạn bè

Tính đến nay, thời gian Hiếu bỏ ra để phục chế áo dài ngũ thân là 8 năm. Khách quen của Hiếu hầu hết là những người làm nghiên cứu văn hóa, ngoại giao... 

ĐẸP TỪNG MI-LI-MÉT

Khoảng ba năm đổ lại đây, trên các diễn đàn về áo dài, cái tên Trần Nguyễn Trung Hiếu xuất hiện với mức độ dày đặc. Đại sứ Phạm Sanh Châu, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm v.v... những người đàn ông “kỹ tính ở độ thượng thừa” đều là khách quen của Hiếu. Một tệp khách khác, cũng không tiếc lời ngợi ca “áo dài của Hiếu” chính là các du học sinh và “thanh niên nghiêm túc” ở lứa 9X. Dù thế, tôi vẫn bán tín bán nghi về sức hấp dẫn của loại cổ phục này, cho đến khi được chạm vào chiếc áo ngũ thân dành cho nữ mà Hiếu hoàn thành trong gần 10 ngày.

Chàng trai 9x dành cả thanh xuân làm áo dài cổ - 2

Chiếc áo màu hồng cánh sen có hoa văn dệt chìm may theo lối tối giản. Chi tiết trang trí duy nhất trên áo chính là 5 chiếc khuy vải (bé đến ngạc nhiên) kết hợp nút đồng và đường nẹp tà... tất cả đều được làm thủ công. Thoạt nhìn chẳng có gì nổi bật, song soi kỹ, lại thấy từng chi tiết, từng đường kim mũi chỉ đều đẹp đến mức xúc động. Nói thêm về cái khuy áo, theo Hiếu nói, nó được đột trứng rận (một kỹ thuật may tay căn bản nhưng ít còn được sử dụng vì quá cầu kỳ, phức tạp) và kết thúc công trình thách thức mọi kiên nhẫn này chính là một viên bi đồng chạm rỗng cùng hai cái khoen rất bé rất mảnh nhưng không thể không có. Chỉ thế thôi, nhưng toàn bộ cái áo dài của Hiếu đủ minh chứng cho cái gọi là xa xỉ, cao cấp trong thời trang. Người ta dường như không “bới” ra được khuyết điểm trong những sản phẩm có điểm nhấn tinh xảo đến như vậy. 

Hiếu bập vào nghiệp phục chế áo dài ngũ thân từ năm ba đại học, đến nay đã được 8 năm nhưng học trò duy nhất đến giờ cũng chỉ có em gái. “Công việc quá mất thời gian, ngay cả thuê thợ họ cũng không muốn nhận, hoặc có nhận cũng không làm đúng ý. Riêng khâu cái nẹp tà cũng đã mất nguyên ngày, làm khuy một ngày nữa, chưa kể thêu, nếu áo thêu thì mất hai ba tháng là thường”, Hiếu kể. Các công đoạn làm áo dài cho đến nay đều do một tay Hiếu hoàn thành. Mãi sau này mới có em gái phụ giúp một phần.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế công nghiệp, song lại bén duyên làm áo dài cổ, Hiếu luôn nhấn mạnh yếu tố may mắn trên hành trình ngược dòng của mình. May mắn vì gặp được những người truyền đam mê: như nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (khách hàng đầu tiên của Hiếu), may mắn vì gặp được những người thầy tận tâm, những nghệ nhân “chịu lắng nghe mong muốn của tôi”, và cả những khách hàng mà sau đó hầu như đều trở thành bạn bè.  

ĐỤNG ĐÂU LÀM ĐÓ

Tôi hỏi Hiếu, điều khó nhất khi phục chế áo dài ngũ thân là gì, câu trả lời gần như không cần suy nghĩ là: nguyên liệu và kỹ thuật (coi như là toàn bộ công đoạn làm áo). Hầu hết các nguyên liệu để làm ra một chiếc áo ngũ thân đúng chuẩn cổ đều đã thất truyền, kỹ thuật may cũng biến mất cùng với thế hệ nghệ nhân cũ. Năm thứ ba đại học, khi Trần Quang Đức đặt Hiếu làm áo dài, Hiếu phải tự xoay xở từ A đến Z.

Cái khó đầu tiên chính là tìm vải (đó cũng là nguyên do thời gian may áo của Hiếu kéo dài). Các làng nghề dệt lụa hiện nay đã không còn dệt những loại vải đủ dầy và kỹ cho áo ngũ thân (vì giá thành quá đắt), thay vào đó họ làm loại vải thưa sợi hơn, đồng nghĩa chất lượng không đủ dùng. Hiếu bôn ba gần như hầu hết các làng nghề dệt lụa từ Nam chí Bắc, nói chuyện và thuyết phục nghệ nhân chịu làm loại vải theo yêu cầu của mình (với số tiền không lấy gì làm nhiều nhặn – lấy từ tiền đặt cọc của khách). Cho đến nay, sau 8 năm, chuyện tìm vải của Hiếu vẫn là một nan đề.

Kế đến là chỉ thêu, Hiếu mất nguyên hai năm để đặt hàng và chờ đợi 30kg chỉ thêu nhuộm theo ý mình. Dự án nửa đường đứt gánh, Hiếu phải mày mò tự học nhuộm, rồi hài hước gọi mình là thợ đụng, đụng đâu làm đó. 30 cân chỉ thêu (phần lớn còn là màu trắng) đó được Hiếu giữ như giữ tài sản quý.

Ngay cả chiếc khuy đồng tưởng đơn giản, Hiếu cũng phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục thợ kim hoàn nhận đặt hàng. “Vì số lượng quá ít, và lại quá mất công, sản phẩm chỉ nhỏ bằng hạt đậu xanh mà lại phải đục rỗng, nói mãi người ta mới nhận”.

Chàng trai 9x dành cả thanh xuân làm áo dài cổ - 3

Những kỹ thuật may, thêu mà Hiếu có được hầu hết đều là tự mày mò, thử đi thử lại sau khi xem qua các hiện vật trong bảo tàng. Thời còn đi học, thời gian rảnh của Hiếu hầu như đều diễn ra ở bảo tàng, ở đó chàng trai quê Bến Tre mày mò từng đường kim mũi chỉ, soi từng màu chỉ thêu rồi về tự thử nghiệm. Ngay đường nẹp tà, cũng là Hiếu thấy “trên áo mẫu đẹp quá mà không biết kỹ thuật làm thế nào, về thử đi thử lại mãi mới tìm ra cách”.

Một kỹ thuật có thể nói là made in Hiếu khác chính là “thêu giả dệt”. “Ngày xưa người ta dệt được những hoa văn phúc - thọ - phú quý lên áo, nhưng ngày nay kỹ thuật ấy không còn. Tôi chỉ còn cách phải tự thêu lên vải, song phải thêu thế nào để cho họa tiết chìm vào vải – giống như như dệt chứ không nổi lên bề mặt như kiểu thêu bình thường”. Hiếu cho biết.

KHI TÌNH YÊU ĐỦ LỚN, MỌI TRẢ GIÁ ĐỀU XỨNG ĐÁNG

Xuất phát điểm công việc phục chế của Hiếu gần như từ số không. Để thuần thục mỗi công đoạn, mỗi kỹ thuật Hiếu sẽ chìm đắm trong nó một thời gian dài. Cho đến nay, việc phục chế này của Hiếu vẫn hoàn toàn tự thân, không có bất cứ một tài trợ nào. Mơ ước về một show áo dài ngũ thân vẫn cứ là chuyện xa vời.

Nếu nói áo dài Hiếu làm ra đẹp mười, thì sự say mê của Hiếu với nó phải ở cấp số nhân. Toàn bộ thời gian và tâm huyết (thậm chí tiền bạc) của Hiếu đều dành cho công việc này. Vì áo dài, Hiếu tìm hiểu cả về ẩm thực, văn hóa, thói quen... của thời kỳ áo ngũ thân còn hưng thịnh. Mê đến mức “thèm có ai đó hỏi: Ê Hiếu, áo xưa đẹp ở chỗ nào” để kể lể cho họ nghe...

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Hiếu nói rằng: “Tôi không nghĩ công việc mình chọn có gì khác biệt, nó đơn giản là một đam mê như mọi đam mê khác. Khi bạn có tình yêu với nó, mọi thứ sẽ đến một cách rất tự nhiên. Khó khăn là điều không tránh khỏi trong bất cứ công việc nào, nhưng nếu đam mê đủ lớn, bạn sẽ tìm mọi cách khắc phục và vượt qua được”.

Cuộc sống của một trạch nam

Trạch nam là một từ chuyên dùng trong dòng văn học ngôn tình để chỉ những chàng trai đang tuổi xuân nhưng chỉ muốn sống trong không gian riêng của mình, họ ở nhà là chính, ít giao tiếp, ít ra ngoài.

Hiếu ở trọ trong một căn hộ chung cư cũ thuộc một quận nội thành Sài Gòn. Không gian riêng tư ấy đồng thời là nơi trú ẩn và góc làm việc của Hiếu. Ở đó có đủ từ máy may, khung thêu, mannequin, thuốc nhuộm vải cho đến đồ đan móc... Hiếu có thể ngồi thêu cả ngày mà không chán, không cuồng chân, cũng không có cảm giác đơn điệu, tẻ nhạt.

“May mắn cho đến giờ tôi vẫn còn yêu thích công việc này, vẫn có thể tìm ra niềm vui trong đó”, Hiếu nói.

Trạch nam hiện làm thợ may toàn phần (sau một thời gian ngắn “đi làm công sở” thì bỏ ngang, dành toàn bộ thời gian cho áo dài vì không thể làm tốt cả hai việc cùng lúc). Hoạt động ra khỏi nhà duy nhất trong ngày là đi chợ. Và mỗi chuyến đi chợ này thường sẽ mang về một ít “rắc rối ngọt ngào”. 

“Gần đây có một ngôi chùa, dân xung quanh có mèo không muốn nuôi sẽ đem đến để ở cửa chùa. Tôi thấy thì mang về nuôi. Thời gian đầu còn mời mọc người quen nuôi giùm, giờ người ta thấy phiền quá, không nhận nữa, thế là tôi nuôi hết”. Cuộc sống của Hiếu bận rộn hơn với 7 con mèo xung quanh và thỉnh thoảng gây họa vì “phá vải, phá chỉ”.

Hiếu cho biết, sắp tới, sẽ mở rộng việc phục chế sang trang sức, khăn vấn, hài... những thứ thường đi đồng bộ với áo dài. Tất nhiên, dự án này vẫn hoạt động trên tinh thần tự thân.

Cô dâu, chú rể mặc cổ phục triều Nguyễn trong ngày cưới gây ấn tượng

Cô dâu Thúy Nga - chú rể Hoàng Minh chọn tổ chức đám cưới kiểu Huế. Họ diện cổ phục triều Nguyễn thay cho váy cưới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Đỗ ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN