Chàng trai 25 tuổi làm nghề “gõ sầu ra tiền”, thu nhập 50 triệu đồng/tháng
Trọng Tấn tuyên bố: “Ngày nào Việt Nam còn sầu là ngày đó mình còn cắt”.
Video Trọng Tấn thoăn thoắt cắt sầu
Những ngày gần đây, video một chàng trai vắt vẻo trên cây, thoăn thoắt gõ rồi cắt những quả sầu riêng một cách “ngọt lịm” nhận được sự quan tâm đặc biệt của dân mạng. Video được đăng tải trên mạng xã hội TikTok thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận quan tâm.
Chàng trai đó là Nguyễn Trọng Tấn (25 tuổi, quê Tiền Giang). Với 7 năm gắn bó với công việc gõ sầu, cắt sầu, anh chàng hiểu rõ những điều thú vị xen lẫn vất vả, hiểm nguy của nghề độc đáo này.
Ở Tiền Giang- nơi được xem là xứ sở sầu riêng của Việt Nam, nghề cắt sầu, gõ sầu không còn xa lạ. Đối với người con của Tiền Giang như Trọng Tấn, đây càng là công việc quen thuộc. Thế nhưng, để giỏi nghề, yêu nghề như anh chàng thì không phải ai cũng làm được.
Tấn kể, anh bắt đầu học nghề cắt sầu từ năm 18 tuổi, đến nay đã theo nghề được 7 năm. Hiện tại, đội cắt sầu của anh gồm 14 người, quanh năm “oanh tạc” các vựa sầu riêng ở miền Tây. Vì diện tích trồng sầu riêng ngày càng mở rộng, sầu nhiều cắt không xuể, hơn nữa lại tự tin vào tay nghề gõ sầu của mình nên đội của Tấn không bao giờ lo thiếu việc.
Công việc cắt sầu cho Trọng Tấn thu nhập cao ngất ngưởng
Công việc chính của Trọng Tấn là leo cây gõ sầu, lựa chọn những trái sầu đủ độ già, chín để cắt xuống cho chủ vườn. Đối với người ngoài nghề, quả sầu nào cũng có vẻ ngoài giống nhau, đều gai chi chít và tỏa ra mùi thơm đặc trưng, thế nhưng, dân chuyên như Tấn luôn có cách riêng để phân biệt sầu ngon, già quả.
“Cái này phải dùng kinh nghiệm cá nhân, đôi khi là cảm nhận của tay và mắt chứ để giải thích ra thì rất khó”, Tấn nói.
Mỗi ngày, Tấn vào vườn lúc 6 -7 giờ sáng, cắt liên tục đến 7-8 giờ tối. Vào mùa rộ, có những ngày anh cắt sầu đến 1-2 giờ sáng mới nghỉ. Khoảng 2, 3 năm gần đây, công việc gõ sầu, cắt sầu càng “rộ”, có những tháng chàng trai Tiền Giang chỉ được nghỉ 5-10 ngày.
“Thu nhập mỗi ngày của mình khoảng 1-2 triệu đồng, có ngày nhiều hơn, cũng có ngày ít hơn nếu ít sầu. Thu nhập trung bình một tháng của mình khoảng 50 triệu đồng trở lại sau khi đã trừ mọi chi phí ăn uống”, Tấn chia sẻ.
Đây có thể coi là mức thu nhập trong mơ với chàng trai 25 tuổi. Với mức lương này, Tấn có cuộc sống thoải mái và có thể phụ giúp gia đình. Hơn nữa, đây là một công việc linh động thời gian lại đều đặn. Đó cũng là lý do Tấn gắn bó với nghề suốt 7 năm qua.
“Tuy nhiên, nghề nào cũng có cái được, cái mất, lương cao đồng nghĩa trách nhiệm cao và dĩ nhiên không thể nhàn được”, Tấn nói.
Trọng Tấn có nhiều trải nghiệm thú vị với nghề
7 năm làm nghề, Trọng Tấn đã quen với việc dãi nắng, dầm sương, ngày ngày vắt vẻo trên cây hứng mưa, hứng nắng. Đôi khi, anh còn bị trái sầu chín rụng vào người, mặt mũi, chân tay trầy xước.
Những thợ non tay còn phải đối mặt với việc đền bù cho chủ vườn nếu cắt phải những trái sầu xanh, chưa ăn được. “Mình ít khi bị đền vì đã có kinh nghiệm nhưng có người lúc mới vào nghề, tiền đền sầu còn nhiều hơn tiền công”, Tấn kể.
Không thể phủ nhận cắt sầu là một công việc vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng Trọng Tấn vẫn đam mê nghề đến mức tuyên bố: “Ngày nào Việt Nam còn sầu là ngày đó mình còn cắt”.
Quỳnh Mây là một trong 30 người trên toàn thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford (Anh).
Nguồn: [Link nguồn]