Chàng trai 24 tuổi cưới người vợ 71 tuổi, hẹn kiếp sau vẫn là vợ chồng

TRUNG QUỐC - Câu chuyện tình của "cặp đôi bà cháu" ở vùng nông thôn Quảng Tây khiến dân làng xôn xao bởi sự chênh lệch tuổi tác quá lớn.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Ngọn lửa tình yêu của hai người bắt đầu từ năm 1989. Khi đó Ngụy Quế Tường 21 tuổi còn bà Lam Tú Liên 68 tuổi. 

Ngụy Quế Tường sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Tây. Hồi nhỏ, anh có bệnh về mắt, thị lực kém và yếu dần. Dù vậy anh không buông xuôi mà vẫn nỗ lực từng ngày. Vì mắt kém nên đôi tai của anh càng thính. Giọng hát hay chính là lợi thế khiến Quế Tường quyết tâm học dân ca và bắt đầu mang tiếng hát đi phục vụ người dân quanh vùng, thông tin từ Toutiao.

Bà Lam Tú Liên sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Cuộc hôn nhân sắp đặt đầu tiên không mấy may mắn với bà. Dù gia đình chồng khá giả nhưng bà lại chịu nhiều áp bức. Mang thai đứa con đầu được 8 tháng thì bà bị sảy. Nhà chồng hắt hủi, thường xuyên đuổi bà ra khỏi nhà. 

Cặp đôi có tình cảm nhưng bị gia đình ngăn cấm, dân làng dị nghị. Ảnh: 163

Cặp đôi có tình cảm nhưng bị gia đình ngăn cấm, dân làng dị nghị. Ảnh: 163

Sau khi người chồng đầu tiên mất, bố mẹ lại mai mối cho bà một người đàn ông khác. Tuy người này với bà không đăng kí kết hôn nhưng sống với nhau như vợ chồng. 

Chung sống một thời gian bà phát hiện người đàn ông này cũng nghiện rượu, vũ phu. Chịu đựng nhiều năm, bà Lam Tú Liên quyết định mang hành lý ra khỏi nhà, kiếm một túp lều bỏ hoang trên núi sống qua ngày. 

Một lần trên đường xuống núi, bà gặp Ngụy Quế Tường đang đốn củi. Thấy mắt cậu kém mà vẫn chăm chỉ làm việc, tay lại bị thương, bà hỏi han cậu, còn chỉ cho cậu cách trị vết thương. 

Một ngày nọ, khi bà Lam Tú Liên đang làm việc dưới núi thì một giọng hát vang lên. Bà đi theo âm thanh thì phát hiện chàng trai lần trước gặp chính là người có giọng hát cuốn hút như vậy. Bà ngồi lắng nghe chàng trai trẻ hát. Sau đó hai người nói chuyện rất vui vẻ.

Vì cảm kích bà Lam Tú Liên, Quế Tường đã ra chợ mua đồ ăn, nhu yếu phẩm đến túp lều trên núi cho bà. 

Anh còn tự tay nấu một bữa ăn ngon, thịnh soạn khiến bà Tú Liên cảm thấy xúc động. Hai người cùng ăn và trò chuyện thoải mái.  

Ngày qua ngày, hai người trở thành bạn đồng áng, cùng nói chuyện, cùng nấu ăn. 

Đến một ngày, Quế Tường đột nhiên thú nhận tình cảm của mình và nói muốn cưới bà Tú Liên làm vợ. Khi đó bà Tú Liên đã 70 tuổi, tóc bạc phơ. Bà rất bất ngờ về câu nói của chàng trai trẻ và cho đó là lời nói trêu đùa. 

Quế Tường khẳng định bà Tú Liên là người phụ nữ đầu tiên mình yêu trong đời. Anh ngưỡng mộ sự chăm chỉ, lòng tốt và kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời của bà. 

Trong lòng bà Tú Liên rất mâu thuẫn. Đã trải qua hai cuộc hôn nhân vất vả nên bà càng sợ bước vào cuộc hôn nhân thứ ba. Hơn nữa, tuổi tác giữa hai người quá chênh lệch là điều bà không dám nghĩ tới chuyện kết hôn. 

Ngụy Quế Tường kém thị lực được bà Tú Liên chăm sóc tận tình. Ảnh: 163

Ngụy Quế Tường kém thị lực được bà Tú Liên chăm sóc tận tình. Ảnh: 163

Sau một thời gian, Quế Tường dùng mọi cách chứng minh tình cảm của mình và đã khiến bà Tú Liên cảm động.

Kiếp sau vẫn làm vợ chồng

Bà Tú Liên vượt qua nỗi sợ hãi trong lòng và dũng cảm chấp nhận cuộc hôn nhân mà nhiều người cho rằng không thể chấp nhận được. Vì chênh lệch tuổi tác quá lớn, mối quan hệ của họ bị dân làng bàn tán. 

Người chồng thứ hai của bà Tú Liên khi nghe tin thì đến tận nơi phá phách, không chấp nhận chuyện này. Nhưng Quế Tường đã đứng ra ngăn cản, dũng cảm chịu đòn. 

Bố mẹ của Quế Tường không thể chấp nhận người con dâu hơn cả tuổi mình. Tất cả mọi người đều quay lưng lại với chuyện tình cảm của “cặp đôi bà cháu”. Nhưng đôi bên vẫn kiên quyết ở bên nhau. 

Họ chuyển đến sống ở một hang động phía sau núi để tránh bị gièm pha. 

Một thời gian sau, cả hai rời khỏi hang động đến sống ở một ngôi nhà tre đơn sơ trên núi. Những người dân xung quanh cũng không còn bàn tán về mối quan hệ này bởi thấy họ vẫn gắn bó và thực sự chăm sóc cho nhau rất tốt. 

Năm 1992, Quế Tường 24 tuổi và bà Lam Tú Liên 71 tuổi nhận giấy đăng kí kết hôn, trở thành vợ chồng hợp pháp. Đám cưới cũng chỉ có hai người tự tổ chức với nhau. 

Dù không được gia đình chồng chấp nhận nhưng bà Tú Liên vẫn thường xuyên đến nhà chồng, chăm sóc bố mẹ chồng và kính cẩn gọi họ là "bố, mẹ". Khi bố mẹ chồng ốm, bà cũng một tay chăm sóc. Thấy được sự tận tụy của con dâu lớn tuổi, cuối cùng bố mẹ Quế Tường cũng chấp nhận. Sau này họ còn rất quý mến bà.

Cuộc sống vui vẻ không kéo dài được bao lâu thì bệnh mắt của Quế Tường đột nhiên trầm trọng, không nhìn rõ mặt vợ. Một mình bà Tú Liên phải gánh vác gia đình khi tuổi đã cao. Tuy vậy, tình yêu hai người dành cho nhau vẫn luôn mặn nồng.

16 năm bên nhau của "cặp đôi bà cháu". Ảnh: Toutiao

16 năm bên nhau của "cặp đôi bà cháu". Ảnh: Toutiao

Năm 2008 bà Tú Liên 87 tuổi mắc bệnh khó chữa đã ra đi trong vòng tay của chồng. Trước khi vợ nhắm mắt xuôi tay, Quế Tường nắm tay bà và nói: “Nếu có kiếp sau, chúng ta vẫn sẽ là vợ chồng”. 

Sau này, mỗi ngày anh đều đến mộ và hát cho vợ nghe bài dân ca bà yêu thích, cũng là bài hát giúp hai người nên duyên. 

Sau 16 năm gắn bó rồi chia xa, Quế Tường vẫn sống trong căn nhà tre ở trên núi, làm mọi việc hàng ngày mà vợ vẫn làm. Cặp đôi cách nhau 47 tuổi trải qua bao sóng gió để được ở bên nhau. Họ đã chứng minh tình yêu không phân biệt tuổi tác và cần sự đồng điệu, sẻ chia.

Cụ bà hạnh phúc kết hôn cùng chồng trẻ và hiện anh đảm nhiệm tất cả việc nấu nướng và dọn dẹp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh (vietnamnet.vn)
“Cặp đôi đũa lệch” giờ ra sao? Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN