Chàng kỹ sư với vườn hoa lan trị giá hàng tỷ đồng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Từ hai bàn tay trắng, sau những năm tháng miệt mài lao động, đến nay chàng kỹ sư trẻ Lê Văn Vi, ở thị trấn Sa Pa (Sa Pa, Lào Cai) đã trở thành chủ nhân của một vườn hoa lan trị giá hàng tỷ đồng.

Kỹ sư mê hoa

 

Về thị trấn Sa Pa, hỏi vườn lan của gia đình anh Lê Văn Vi (SN 1979) ai cũng biết. Anh Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế UBND huyện Sa Pa khoe: Anh Vi là kỹ sư trẻ có nhiều sáng tạo, vườn lan của anh lớn nhất nhì huyện Sa Pa, cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, anh Vi còn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phát triển mô hình trồng cà chua mang hiệu quả kinh tế cao.

Gặp anh Vi lúc đang tỉa cành cho lan, nhìn những chậu hoa lan đồ sộ, những nhánh hoa lan được uốn dáng theo những dây thép tạo sẵn mới thấy được sự kỳ công khi chơi giống hoa quý này. Anh Vi cho biết, đến với hoa lan rất tình cờ. Khi là sinh viên ở Hà Nội, đến đường Hoàng Hoa Thám xem lễ hội hoa, anh như bị hút hồn bởi vô số những chậu hoa lan rực rỡ trên vỉa hè. Hỏi ra mới biết hoa này một phần được chuyển từ Đà Lạt ra, còn lại chủ yếu được nhập từ Trung Quốc về bán cho dân chơi Tết, giá thành cao ngất ngưởng vì vận chuyển xa.

Chàng kỹ sư với vườn hoa lan trị giá hàng tỷ đồng - 1

 Kỹ sư Lê Văn Vi đang chăm sóc vườn hoa địa lan của gia đình.

Anh Vi nghĩ, Sa Pa quê mình khí hậu gần giống Đà Lạt, tại sao không phát triển nghề trồng lan để phát triển kinh tế. Năm 2006, hoàn thành luận văn về công nghệ sinh học, ra trường, anh Vi được Viện Sinh học Nông nghiệp I cử về làm công tác chuyển giao công nghệ cho Vườn quốc gia Hoàng Liên ở Sa Pa. Khi kết thúc công việc, anh không làm công chức nhà nước mà ở nhà nghiên cứu để phát triển địa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô.

“Lúc đó tôi đặt mục tiêu sẽ tạo ra nguồn giống lan giá rẻ cung cấp cho người dân trồng bán cho khách du lịch để vừa giảm áp lực khai thác lan rừng vừa biến Sa Pa trở thành một vùng hoa nổi tiếng giống như Đà Lạt”, anh Vi kể.

Hơn một năm nghiên cứu, anh Vi cho ra thành công 3 vạn chậu lan giống phát triển xanh tốt. Thành công từ vườn lan, năm 2007, anh được mời dự Hội thảo khoa học về Công nghệ sinh học ở Đà Lạt. Nhưng sau đó, trời rét đậm kéo dài, 3 vạn chậu lan đang vào thời điểm trổ hoa chuẩn bị cho thu hoạch bỗng chốc trở thành một khu vườn chết, khiến anh Vi mất trắng 600 triệu đồng. Không nản lòng, anh Vi nuôi tiếp ước mơ phát triển lan Sa Pa. Chỉ hai năm sau, vườn lan của Lê Văn Vi đã lọt vào tốp vườn lan lớn và đẹp nhất Sa Pa. Từ Tết 2010, mỗi năm anh thu về hàng tỷ đồng từ kinh doanh hoa.

Trở thành tỷ phú

Hiện, khu vườn anh Vi có hàng nghìn chậu lan công nghiệp, chậu địa lan Trần mộng và giò hoa thảm các loại. Trong đó, có những giống mới như: Thu hải đường, Cẩm nhung, Anh thảo… nhập từ Mỹ, Thái Lan về trồng thử nghiệm thành công.

Anh Vi cho biết, ngoài số lượng nhánh hoa lan trên một gốc thì tiêu chí để phân biệt độ đẹp, xấu của hoa lan là: hoa có nở đều không, màu sắc cánh hoa, độ xanh của lá, lan nguyên khóm hay bị ghép... Chậu địa lan Trần mộng đẹp, giá hiện dao động từ 350.000 - 600.000 đồng/cành (tùy theo số nụ hoa nhiều hay ít trên một cành). Những chậu địa lan càng có nhiều cành hoa đẹp giá bán sẽ càng cao hơn. Loại chậu trên dưới 10 cành, giá bán 3-6 triệu đồng; loại chậu từ 15-20 cành trở lên giá từ 7-10 triệu đồng; chậu nhiều cành hoa hơn giá bán 30-70 triệu đồng...

Chia sẻ kinh nghiệm trồng lan, anh Vi cho biết, nhiều khách hàng thất vọng khi bỏ hàng chục triệu mua hoa, nhưng về vùng xuôi hoa hỏng không chơi được. Lý do hoa địa lan hỏng là do nhiệt độ Sa Pa và Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc chênh nhau 6-8 độ.

Địa lan ở Sa Pa chuyển về vùng xuôi chưa thích nghi được với khí hậu thay đổi đột ngột nên bị “sốc nhiệt”, dẫn tới lượng nước từ đất dẫn lên không kịp cho cây; cành hoa non chưa trưởng thành nước không dẫn được tới các mao mạch nên chịu nhiều rủi ro. Địa lan lúc này sẽ bị héo và nhanh tàn.

Tôi thường đem lan xuống khu vực xã Cốc San (huyện Bát Xát), xã Cam Đường (thành phố Lào Cai). Đây là nơi khí hậu ấm áp, để sưởi ấm cho lan từ khoảng 1-2 tháng trước khi bán, giúp lan dần thích nghi với môi trường ấm hơn và ép hoa trổ bông đúng dịp”, anh Vi nói.

Ngoài thu nhập từ vườn lan, anh Vi còn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phát triển mô hình trồng cà chua cho sản lượng 150 tấn/ha, mang lại khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2008, anh Lê Văn Vi được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc. Vườn hoa của anh Vi ngoài giá trị kinh doanh còn là nơi ghé thăm, học hỏi kĩ thuật trồng, chăm sóc hoa của người dân Sa Pa. Anh Vi luôn tận tình phổ biến kĩ thuật, giúp nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao Sa Pa phát triển nghề trồng hoa để nâng cao thu nhập. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Lộc ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN