Chàng họa sĩ trẻ theo đuổi "nghệ thuật vị lai”
Đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là…” vừa qua , tác phẩm “Hà Nội rong” của Đặng Thái Tuấn (sinh năm 2000) đã nhận được không ít sự chú ý từ cộng đồng. Bức tranh có sự xuất hiện của nữ robot gánh hàng rong với đòn gánh là... cầu Long Biên, hai bên thúng được lấp đầy bởi những danh lam thắng cảnh của Hà Nội.
Bức tranh “Hà Nội rong” tráng lệ đến mộc mạc đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ minh họa “Hà Nội là…”.
Hà Nội là cảm hứng bất tận
Thái Tuấn chia sẻ: “Hà Nội có rất nhiều hình ảnh đẹp để khai thác, trở thành nguồn cảm hứng của nhiều người. Vì luôn muốn tạo ra sự khác biệt nên mình đã cố gắng tìm kiếm những hình ảnh đơn giản và đặc trưng nhất của Hà Nội. Vậy là mình chọn gánh hàng rong làm nguồn cảm hứng chính, áp dụng ý tưởng ‘gánh cả Hà Nội’”.
Bức tranh của Tuấn mất hơn hai tuần để hoàn thành. Vì đòi hỏi độ chi tiết cao, trước đó, cậu phải dành khá nhiều thời gian tìm hiểu và chọn lọc những hình ảnh hợp lý để thể hiện.
Về các hình ảnh, di tích lịch sử đặc trưng của Hà Nội trên hai chiếc thúng, Thái Tuấn đã quan sát rất kỹ để vẽ đúng cấu trúc nhất có thể. Với các chi tiết còn lại như người dân, nhà cửa… cậu dựa trên trải nghiệm cuộc sống cá nhân và tìm tòi thêm trên mạng. Dù đã tham khảo rất nhiều nhưng những chi tiết như mặt nước, họa tiết thúng, mây… vẫn khiến Thái Tuấn gặp khó khăn khi vẽ không đẹp như ý muốn.
“Điển hình là họa tiết thúng, mình phải vẽ đi vẽ lại liên tục đến mức gần như muốn bỏ cuộc. Nhưng đã làm thì phải làm đến cùng, mình đã cố gắng vẽ tương đối nhất có thể, dù không phải đẹp nhất nhưng đó cũng là phiên bản tốt nhất với khả năng của mình”, Tuấn tâm sự.
Với Tuấn, Hà Nội là nguồn động lực, đồng thời là nguồn cảm hứng bất tận thúc đẩy anh chàng không ngừng sáng tạo. Khi biết được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi “gọi tên” mình, Tuấn cho biết bản thân cảm thấy rất bất ngờ, bởi trước đó, đã có rất nhiều bức tranh ấn tượng cả về mặt kỹ thuật lẫn tính sáng tạo tham gia dự thi.
Phong cách vẽ “futuristic”
Sự hứng thú và đam mê vẽ vời dần lớn lên trong Tuấn qua những lần vẽ lại nhân vật hoạt hình trên truyền hình, rồi quan sát bố vẽ lại những món đồ chơi ô tô của mình. Vì vậy, chàng trai xác định theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc. Trước khi vẽ những bức tranh về đề tài Việt Nam, Tuấn chỉ làm thiết kế đồ họa và chưa biết đến vẽ kỹ thuật số (digital).
Đặng Thái Tuấn kiên định với con đường mà mình đã chọn.
Ban đầu, Tuấn tập vẽ trên máy tính bảng nhưng thành quả không như ý vì vẽ trên máy và vẽ trên giấy là hai trải nghiệm khác nhau. Qua thời gian luyện tập, Tuấn đã cho ra đời bức tranh khiến mình hài lòng, với chủ đề về Việt Nam - “Bánh chưng”. Tác phẩm được cậu đăng tải trong một nhóm thiết kế và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng. Từ khoảnh khắc đó, Tuấn đã chọn chủ đề Việt Nam làm phong cách vẽ riêng của mình.
Những tác phẩm của Tuấn không chỉ gợi nhắc vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam mà còn mang dáng dấp của một đất nước hiện đại trong tương lai. “Mình luôn hứng thú với phong cách vẽ “futuristic” - kiểu máy móc, tương lai. Mình thấy việc sử dụng phong cách này cho các hình ảnh Việt Nam quen thuộc là một điều khác biệt, độc đáo. Mình cũng để ý chưa có ai vẽ kiểu này bao giờ nên quyết nắm bắt cơ hội, giúp mình định hình phong cách riêng”, Tuấn bày tỏ.
Phong cách vẽ tranh "futuristic" (trường phái vị lai) “góp mặt” trong hầu hết các tác phẩm của Tuấn.
Đối với chàng trai 2K này, vẽ không chỉ là một nghề, mà còn là “liều thuốc” giúp cậu thư giãn mỗi khi stress. Ngoài ra, vẽ còn là “phương tiện” giúp Tuấn đưa những ý tưởng thú vị trở thành hiện thực thông qua những bức tranh.
Trước tác phẩm “Hà Nội rong”, bức tranh “Trạm tập thể” của Tuấn vinh dự được góp mặt tại triển lãm “Vietnam Reimagined - Tái tưởng tượng Việt Nam”. Đây là một cột mốc đáng tự hào trong hành trình theo đuổi đam mê của chàng họa sĩ tài năng.
“Nhà hát con sò kiểu Việt Nam”, bức tranh giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt – Úc.
Tuấn còn chia sẻ một vài bức tranh gắn liền với công cụ kỹ thuật số hiện đại của mình lên các trang mạng xã hội nước ngoài và nhận được sự thích thú của nhiều người. “Có người muốn mua tranh để in, có người lại tò mò và muốn tìm hiểu về Việt Nam, còn có bên muốn hợp tác với mình. Mình nghĩ, đây cũng là một lợi thế nho nhỏ để nghệ thuật Việt Nam có thể đến gần hơn với bạn bè quốc tế”, Tuấn chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Rác thải dùng một lần được tận dụng trở thành họa cụ để vẽ nên những bức tranh trừu tượng độc đáo. Dưới sự...