Hậu phá thai... đêm nào cũng nghe thấy tiếng dao kéo
17 tuổi, cô gái quyết định dâng hiến tất cả cho bạn trai để chứng minh tình yêu chân thành của mình.
Vội vã yêu, vội vàng dâng hiến... để rồi lại hối hả vào bệnh viện phụ sản nạo hút thai. Con số 1,6 triệu ca nạo phá thai/năm ở một đất nước 90 triệu dân Việt Nam là không hề nhỏ. Dẫu biết sẽ có rất nhiều mối nguy hiểm sau khi nạo phá thai nhưng tại sao giới trẻ vẫn lao vào yêu như thiêu thân, để rồi phải nhận lấy "trái đắng" cho mình? Chúng tôi đã có một cuộc thâm nhập thực tế về giới trẻ, tìm hiểu qua các bác sỹ phụ sản và nhận được những con số khủng khiếp... |
Nỗi ám ảnh, đau đớn sau di việc nạo phá thai để lại (Ảnh minh họa)
Kỳ 2: Nỗi ám ảnh phá thai
Sau khi bỏ con, những cô gái trẻ lại cảm giác xót thương, tội lỗi vì đã “giết” đi đứa con vô tội của mình. Nhiều cô gái trẻ đã tìm mọi cách để giải tỏa tâm lý như: tìm đến các chuyên gia tư vấn, lên mạng "thú tội"... để vơi đi sự mặc cảm, tội lỗi trong lòng.
Chàng giục phá, nàng sợ đau
Trong nhiều năm làm chuyên gia tư vấn tâm lý giới tính cho các bạn trẻ, Tiến sỹ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn đã gặp rất nhiều những câu chuyện dở khóc, dở cười. Câu hỏi ông nhận được nhiều nhất từ các cô gái trẻ lỡ mang bầu là “giữ” hay “bỏ” và làm sao có thể xóa được những giấc mơ kinh hoàng sau khi phá bỏ đứa con.
“Có những cô gái lo lắng và sợ hãi đến mức trong suốt cuộc gọi chỉ biết khóc và lặp đi lặp lại một câu: con sợ lắm, con không biết phải làm thế nào, ba mẹ sẽ giết con mất". - Tiến sỹ chia sẻ.
Trong công việc tư vấn của mình, ông Sơn đã gặp rất nhiều trường hợp mắc chứng ám ảnh sau khi phá thai, đặc biệt là những bạn còn rất trẻ, phá thai lần đầu.
Ông kể lại: “Tôi đã từng tiếp một ca đến tư vấn của một cô gái trẻ đang là sinh viên năm 2 trên địa bàn TP HCM. Cô gái kể mình và bạn trai trong một lần sơ suất đã để dính bầu. Do cả hai đang còn đi học, gia đình 2 bên cũng không khá giả nên cả 2 quyết định bỏ cái thai khi đã được 6 tuần tuổi.
Kể từ đó cô luôn bị ám ảnh bởi tiếng dao, kéo kim loại va vào nhau khi nằm trong phòng thủ thuật. Đêm ngủ cô luôn bị giật mình vì những tiếng kim loại va vào nhau chói tai khiến cô tỉnh giấc giữa đêm khuya. Có đôi khi cô bị mắc chứng “đau giả”, cảm giác đau nhói lúc bác sĩ sản khoa đưa chiếc kéo vào trong người cô kéo ra đứa con chưa kịp thành hình của mình hiện lên như thật. Chỉ trong vòng một tháng mà cô sút ký nhanh chóng, người luôn trong trạng thái mệt mỏi, giật mình hoảng hốt”.
Chuyên gia tư vấn Kim Dung (Trung tâm tư vấn H.M) cũng gặp rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười trong nghiệp tư vấn của mình.
Bà chia sẻ: “Có cô bé gọi điện đến khóc lóc thảm thiết, kêu bế tắc muốn tự tử. Khi tôi hỏi nguyên do thì cô bé ấy nói mình đang mang bầu, không biết phải làm sao. Chẳng là, cô bé mới 17 tuổi, yêu một anh bạn cùng lớp, muốn dâng hiến cho nhau nhưng lại không dùng các biện pháp tránh thai nên lỡ mang bầu. Cả hai đều không dám nói với bố mẹ, lại càng không thể cưới và sinh con vì đang đi học. Chàng trai giục phá, cô gái sợ đau, còn bào thai thì cứ mỗi ngày một lớn".
"Tôi phân tích cho cô gái tất cả cả những hậu quả của việc phá thai từ tâm lý đến sinh lý nhưng cuối cùng cô gái vẫn lựa chọn việc bỏ đứa con”. - Tiến sỹ Dung cho hay.
Một câu chuyện khác cũng bi hài không kém. Theo lời kể của bà, có một cô gái tôn thờ chữ “trinh” nên trong hơn hai năm yêu nhau đã khước từ mọi đòi hỏi của người yêu. Nhưng khi chàng trai đòi chia tay, cô gái vội vàng níu giữ bằng cách dâng hiến bản thân mình và cho rằng, bào thai sẽ kết nối tình yêu hai người thêm bền chặt.
Nào ngờ khi ăn “ốc” xong cậu trai quay ngoắt 180 độ, để lại cô gái cùng giọt máu đang lớn lên từng ngày. Mất cả chì lẫn chài, cô gái đâm ra hoảng loạn, đau đớn rồi quyết định trả thù người yêu bằng cách vứt bỏ đứa con.
Chuyên gia tư vấn đã rất nhiều lần bị tiếng chuông điện thoại đánh thức lúc nửa đêm bởi “đó là lúc các bà mẹ “hụt” vừa trải qua giấc mơ kinh hoàng cần một mảnh phao để bám víu. Chuyên gia tư vấn tâm lý kể lại: “Họ gọi cho tôi vừa khóc vừa nói trong tình trạng tâm lý hoảng loạn: “Cháu không giết người, mẹ sai rồi, mẹ không nên giết con…”.
Sau một hồi trấn an, cô gái mới bĩnh tĩnh lại và kể đầu đuôi sự việc: “Từ ngày bỏ đứa bé, đêm nào cháu cũng mơ thấy tiếng khóc trẻ con và máu me. Mỗi lần nghe thấy tiếng dao dĩa lạch cạch là cháu lại thấy rùng mình và nhớ lại khoảng khắc cháu bỏ đứa bé ở bệnh viện”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý ngậm ngùi: “Bỏ đi một phần cơ thể đâu phải là điều dễ dàng đối với những cô gái trẻ mới bước vào đời. Nó như một vết sẹo trong lòng chẳng biết bao giờ mới thôi rữa nát. Hầu hết, các cô gái trẻ khi lầm lỡ đều không dám chia sẻ với bố mẹ, bạn bè. Cô nào may mắn thì được cùng người yêu lo chuyện giải quyết cái thai. Cô nào bất hạnh, bị người yêu ruồng bỏ thì đành một mình chống chịu. Mà mấy ai chịu được nối ám ảnh kinh hoàng như thế”.
Là một chuyên gia tư vấn tâm lý, ông Huỳnh Văn Sơn thừa nhận những người tư vấn chỉ có thể phân tích tình hình, đưa ra những lời khuyên đúng đắn nhất dựa trên cái đầu tỉnh táo và sự thấu hiểu tâm lý giới trẻ, chứ quyết định vẫn thuộc về các bạn.
Còn đối với các cô gái lầm lỡ, họ tìm đến các trung tâm tư vấn để chia sẻ, tâm sự, than thở, kêu khóc, coi đó như mảnh phao cứu sinh mỏng manh và hi vọng tìm thấy ở đó một chút yên bình. Sai lầm là của họ và việc “đối xử” với sai lầm đó như thế nào cũng chỉ có họ mới quyết định được.
Hậu quả... do lối sống hưởng thụ
Các con số thống kê cho thấy, tình trạng nạo phá thai ở giới trẻ ngày càng tăng. Hầu hết mọi người đều cho rằng, tình trạng đó xuất phát từ việc giới trẻ ngày nay yêu quá sớm.
Tiến sỹ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Tuy nhiên, chuyên gia tư vấn Huỳnh Văn Sơn lại có ý kiến khác: "Nói các bạn trẻ thời nay yêu sớm hơn ông bà ta ngày xưa cũng chưa hẳn đã đúng. Thế hệ ông bà ta xưa vẫn có những tình cảm rung động ở tuổi 15, 16. Thậm chí là sớm hơn nữa. Chẳng thế mà có câu “Lấy chồng từ thuở 13 đến khi 18 thiếp đà 5 con”. Có chăng thì chỉ khác nhau ở cách thể hiện tình cảm rung động, tình yêu trai gái ra bên ngoài mà thôi.
Ông bà ta xưa thì có cách thể hiện kín đáo, vì sống trong xã hội gia phong, lễ giáo khắt khe nên chỉ được phép thể hiện sự yêu thương qua từng ánh mắt, từng cử chỉ, lời nói dành cho nhau mà không dám vượt ra khỏi khuôn phép “nam nữ thụ thụ bất thân” khi chưa là vợ chồng.
Còn các bạn trẻ ngày nay thì có quan niệm yêu thoáng như: yêu thì phải dâng hiến, “gần” nhau thì tình cảm mới thêm bền chặt, hoặc “bào thai” sẽ là chất kết dính giữa hai người… Khi mang bầu rồi họ lại có đủ lý do để không thể sinh con như bố mẹ ngăn cấm, đang còn học nên không có điều kiện sinh con, không muốn đứa con là ngăn trở tương lai… nên lại chọn cách bỏ đứa trẻ. Do vậy, chính cách yêu và cách thể hiện tình cảm không đúng mới là vấn đề cốt lõi.
Hơn nữa, theo ông Sơn, một bộ phận giới trẻ ngày nay quen với lối sống hưởng thụ cá nhân, không chịu trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, đặc biệt là kiến thức về giáo dục giới tính. Các bạn trẻ mơ hồ về các biện pháp phòng tránh thai, “yêu” hồn nhiên mà không hề nghĩ đến hậu quả, đến khi chuyện đã rồi mới cuống quýt tìm cách giải quyết.
Chuyên gia tư vấn hơn một lần đã phải thốt lên: “Tôi không hiểu nổi sao giới trẻ thích yêu, thích quan hệ mà không chịu tìm hiểu các biện pháp phòng tránh thai. Họ tìm hiểu là để tự bảo vệ mình chứ đâu phải bảo vệ người khác? Các bạn trẻ Việt Nam có sống thoáng thì vẫn không thể thoáng hơn giới trẻ phương Tây được. Nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở các nước phương Tây vẫn đứng sau Việt Nam. Là bởi vì giới trẻ Việt thiếu kiến thức trầm trọng về sức khỏe sinh sản, thiếu những kiến thức về phòng tránh thai an toàn, thiếu “văn hóa bao cao su”.
Thêm vào đó, sự kết gắn trong gia đình ngày nay ngày càng trở nên lõng lẻo. Ba mẹ bận bịu, lo làm ăn, ít có thời gian chia sẻ, lắng nghe tâm tình của con trẻ. Đặc biệt sai lầm là việc các ông bố, bà mẹ luôn né tránh những thắc mắc của con trẻ về vấn đề “nhạy cảm” giới tính. Hoặc đôi khi chỉ là sự trả lời qua loa, cho có.
Việc giáo dục giới tính cho trẻ mà làm không triệt để còn khiến các em thêm tò mò. Những câu chuyện cô bé 15 tuổi phá thai rồi nửa đêm than khóc vì mơ thấy máu sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu giáo dục giới tính không được các bậc phụ huynh quan tâm thực sự.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ có điều kiện tiếp cận với những thành quả khoa học như smartphone, máy tính, Ipad, internet… trong đó có rất nhiều những trang web “đen”, những thước phim, hình ảnh sốc, sex… tạo cho họ sự kích thích, tò mò, bắt chước làm thử…
Chưa kể các loại thuốc phá thai khẩn cấp, các cơ sở nạo phá thai tư nhân được quảng cáo tràn lan trên mạng nên khi “lầm lỡ” họ thường chọn cách uống thuốc hoặc đến các cơ sở tư nhân để giải quyết nhanh chóng.
(Còn nữa)
Kỳ 1: “Em bảo anh dùng bao, sao anh không dùng?”
Cảm giác tội lỗi vì bỏ đi giọt máu của mình, những cô gái trẻ đã tìm mọi cách để sám hối, thú tội và "bù đắp" một phần nào đó cho những đứa con vô tội của mình. Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 6/10/2014.