Chàng cơ trưởng trẻ nhất VN được các cô gái "săn lùng" là ai?
Sở hữu chiều cao gần 1m80, có má lúm đồng tiền và là nam cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam khi mới 24 tuổi, Nguyễn Quang Đạt trở thành cái tên được nhiều cô gái săn lùng ngay sau khi trải lòng về chuyện máy bay trễ giờ gây "sốt mạng".
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì bài viết có tự đề: "Công bằng đi các bạn, chúng tớ cũng cố gắng lắm rồi" với nội dung nhằm trải lòng về chuyện máy bay trễ giờ trên trang Facebook cá nhân của nam cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam Nguyễn Quang Đạt (sinh năm 1991).
Bài viết của cơ trưởng ngay sau khi đăng tải đã thu hút gần 10.000 lượt bày tỏ cảm xúc, chia sẻ của cộng đồng mạng.
Ngoài những lời khen ngợi bài viết của nam cơ trưởng khiến nhiều người hiểu ra nhiều điều về những chuyến bay trễ giờ. Cư dân mạng, nhất là những cô gái thừa nhận bị cuốn hút ngay từ những những hình ảnh điển trai của nam cơ trưởng 9x này.
Ngắm những khoảnh khắc được nam cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam chia sẻ trên trang Facebook cá nhân đã "đốn tim" không ít chị em.
Chàng cơ trưởng 9x gây ấn tưởng bởi chiều cao 1m80 và có lúm đồng tiền kèm nụ cười tỏa nắng.
Hình ảnh cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam chụp cùng với Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Được biết, Đạt là cựu học sinh lớp chất lượng cao tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Có ba làm phi công, mẹ là công chức nhà nước, ngay từ nhỏ Đạt đã "mê mẩn" bầu trời và những chuyến bay qua chuyện ba kể. Đây là hình ảnh gia đình nam cơ trưởng.
Với Đạt, ba là người truyền cảm hứng, cũng là người chia sẻ cho con trai rất nhiều kinh nghiệm bổ ích sau này khi thực hiện những chuyến bay.
Năm 2009, trước khi đi học làm phi công, Đạt là sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Theo học được 3 tháng, cậu trúng tuyển vào khóa đào tạo phi công của một hãng hàng không nên quyết định ham gia khóa học 2 năm ở New Zealand. Hình ảnh là cuộc gặp và nói chuyện giữa anh với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam.
Trải qua nhiều khóa huấn luyện miệt mài, đến ngày 1.7.2015 Đạt chính thức trở thành cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam khi mới 24 tuổi."
Tuổi trẻ là một lợi thế, nhưng cũng là trở ngại. Nhiều người nghi ngại trẻ thế này thì liệu có đảm bảo an toàn cho hành khách không nên lúc nào tôi cũng phải cố gắng, vừa để đảm bảo an toàn trên những chuyến bay và để có thêm kinh nghiệm, hoàn thiện mình" - Nam cơ trưởng 9x chia sẻ.
Bài viết với tiêu đề "Công bằng đi các bạn, chúng tớ cũng cố gắng lắm rồi" trên trang cá nhân của cơ trưởng sinh năm 1991 Tớ có khá là nhiều đứa bạn luôn kêu ca về chuyện vì sao chuyến bay thường hay bị delay. Bản thân mẹ mình hôm trước đi vào Sài Gòn chơi, gặp mình cũng bảo: 'Chuyến hôm nay bị muộn'. Mình hỏi là muộn bao nhiêu, mẹ hồn nhiên trả lời: 'Delay hẳn 15 phút con ạ'. Có nhiều hôm mình mặc đồ thường, đi ngồi ghế khách, trong lúc máy bay chờ tới lượt cất cánh khoảng 10 phút, các thượng đế thường buông ra một câu than thở nghe rất chán: 'Cái hãng này chẳng bao giờ bay đúng giờ nhỉ'. Hôm nay, sau khi lại tiếp tục nhận những dòng kể lể về chuyện chuyến bay trễ 20 phút, mình cũng xin một lần phân trần về chuyện tại sao các chuyến bay thường dễ bị trễ, để mong có một cái nhìn thông cảm hơn từ phía hành khách và để sự đòi hỏi dịch vụ sao cho thật văn minh. Tấm ảnh mình đăng kèm là hành trình bay của mình từ Hà Nội vào Sài Gòn. Thay vì sau khi bay qua Buôn Mê Thuột, máy bay có thể bay qua hồ Trị An, Đồng Nai rồi thẳng về Tân Sơn Nhất như khoảng 6 - 7 năm trước, máy bay của mình đã phải bay một hành trình thoạt nhìn có phần hơi kỳ dị: bay ra thẳng Phan Thiết, bay về Long Thành, rồi vòng lên hồ Trị An, sau đó tiếp tục lượn xuống Vũng Tàu rồi sau đó mới quay về Biên Hòa để tiếp cận. Thời gian bay tăng so với kế hoạch cũng tới 20 - 25 phút mà đây còn là lúc 11h đêm các bạn ạ. Sân bay Tân Sơn Nhất một ngày có vài lần cao điểm, đã có những lần máy bay của mình khi vào gần đến thành phố thì được thông báo có số thứ tự thứ 25 để hạ cánh, như vậy nhẹ nhàng cũng là delay 30 phút. Mình bay tới rất nhiều các sân bay lớn của châu Á như Hong Kong, Bangkok, Singapore… nhưng thực sự căng thẳng và bức bách nhất chính là bay đến Sài Gòn. Hạ tầng của mình quá tải kinh khủng, mặc dù có hai đường băng như các sân bay lớn nhưng đường băng xây quá gần nhau, không thể hoạt động đồng thời (ở cả Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng). Sân bay có khả năng phục vụ 25 triệu lượt khách, năm nay đã có tới 32 triệu lượt nên tắc ở trên không xuống tới cổng sân bay. Đáp được xuống rồi, đôi khi chờ đường lăn, chờ bãi đậu để được vào nhiều khi cũng mất 10 - 15 phút. Nếu một chuyến bay không may mắn, chỉ vì 'đường đông' đã có thể trễ tới 30 - 45 phút. Một ngày một máy bay phục vụ khoảng 6 - 8 chuyến bay, chỉ cần một nửa trong đó bị 'tắc đường' là những chuyến cuối ngày đã có thể trễ tới 2 tiếng. Sẽ có người hỏi là vì sao không tăng thời gian chờ giữa các chuyến bay lên. Nhưng mọi người cũng hiểu là mình đang mua những vé máy bay rẻ nhất thế giới ở đất nước mình. Để tối ưu hóa hoạt động, để phục vụ được nhiều hành khách nhất, với giá như bây giờ là một sự gồng mình của các bộ phận để máy bay có thể quay đầu bay tiếp trong vòng 30 - 35 phút. Vì để có giá rẻ, một máy bay phải làm sao thực hiện được nhiều chuyến nhất mỗi ngày. Mọi người hay hỏi là hạ cánh xuống được nghỉ bao lâu, mình hay cười và lắc đầu bảo: 'Làm gì được nghỉ'. Phi công vừa chịu trách nhiệm chuẩn bị lập trình máy bay, vừa nạp nhiên liệu, vừa kiểm tra các hệ thống máy. Tiếp viên thì vừa tươi cười chào khách chuyến trước xong đã phải đeo bao tay, đi thu rác khách bỏ lại, vừa kiểm tra an ninh cho cả khoảng khách, vừa nhận đồ ăn uống, rồi lại nhanh nhẹn tháo bao tay tươi cười chào khách chuyến sau. Tất cả trong có đúng 30 phút, đôi khi bận quá còn không kịp đi vệ sinh. Rất dễ để nói là hãy tăng thời gian giữa các chuyến lên 1 - 2 tiếng, để không có chuyến nào bị trễ nhưng lúc đó giá vé sẽ không còn rẻ nữa, và cơ hội được đi máy bay sẽ không còn dành cho tất cả mọi người. Một trong những nguyên nhân có thể làm máy bay bị trễ chính là kỹ thuật. Nói thật là từ khi làm phi công tớ không còn muốn bước lên phương tiện nào khác nữa (đặc biệt là ô tô đường trường) bởi vì tớ thấy máy bay an toàn quá. Đôi khi chỉ vì hỏng một cái đèn, một vết cắt nhỏ trên lốp, một hệ thống vô cùng nhỏ trong hàng chục hệ thống của máy bay báo lỗi mà máy bay buộc lòng sẽ không được phép bay nữa. Đã có một lần vì một lỗi mà tớ biết 99,999% là sẽ an toàn, tuy chỉ còn 0,001% rủi ro nhưng tớ quyết định quay đầu lại về sân bay vừa khởi hành để kiểm tra kỹ thuật. Mặc dù tớ đã đọc phát ngôn để giải thích rất cụ thể nhưng khi xuống máy bay mọi người vẫn lắc đầu hỏi tiếp viên một câu mà thực sự mình thấy rất tủi thân: 'Sao không để cơ trưởng Tây bay mà để người Việt bay xong không hạ cánh được”. Nhưng mà thôi, vẫn đề kỹ thuật không phải là chuyện để đùa. Tớ tin là các anh em đồng nghiệp của tớ ở Việt Nam đã được huấn luyện cực tốt để họ không đánh đổi vài giờ đồng hồ lấy sinh mạng và tổn thất của rất nhiều người và gia đình. Nên có khi nào nghe chuyến bay phải kiểm tra kỹ thuật, mặc dù không tránh được sự phiền lòng vì đến nơi trễ nhưng tớ nghĩ là mình nên tự tin vì họ là những người vận hành có trách nhiệm và lương tâm. Các 'thượng đế' ơi, hãy nhìn mọi chuyện một cách thật sự công bằng. Tỷ lệ trễ chuyến bay trên 15 phút của Việt Nam trung bình là dưới 20%, tốt ngang với bất kỳ nước nào trên thế giới (dưới 15 phút thì chắc không nên gọi là trễ các bạn nhỉ). Khi bạn phải di chuyển bằng máy bay, hãy lên kế hoạch cho một khoảng thời gian thoải mái, đừng quá gấp gáp. Nếu chẳng may chuyến bay của các bạn bị trễ thì chúng tớ cũng thành thật xin lỗi vì nó là điều không mong muốn. Nhưng chúng tớ: phi công, tiếp viên, phục vụ mặt đất, kiểm soát không lưu... thực sự là đã cố gắng lắm rồi. Các bạn thỉnh thoảng mới phải di chuyến bằng máy bay, chúng tớ ngày nào cũng 3 - 4 chuyến, cũng sốt ruột và mong về nhà với gia đình lắm chứ. Nhưng mà nước mình mới phát triển nhanh mấy năm gần đây, hạ tầng đang phải gồng lên để chịu đựng. Cho nên cũng đừng vui mồm mà chê bai một cách vô tâm, mỗi người cố một tí, sống và lao động vui vẻ thì mọi thứ sẽ dần khá lên thôi". |
---> Mời độc giả xem thêm: Ngắm 3 nữ phi công Việt xinh đẹp như hot girl