Cậu sinh viên Gen Z và tình yêu đặc biệt với nghệ thuật truyền thống của dân tộc
Bén duyên với nghệ thuật truyền thống từ rất sớm, chàng trai trẻ sinh năm 2002 Lê Doãn Thái Bình đã mong muốn sử dụng ngôn ngữ hiện đại để kể về truyền thống.
Lê Doãn Thái Bình còn được biết đến với tên gọi khác là Binn Lê, đang theo học chuyên ngành Nhạc cụ truyền thống - Đàn Nhị - Đàn Nguyệt tại Học viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam. Chia sẻ về lý do lựa chọn theo học nhạc cụ truyền thống, Binn Lê chỉ cười và cho rằng đó là cái duyên.
Chàng sinh viên Gen Z không lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cậu cũng giống như bao bạn bè khác được tiếp xúc nhiều với âm nhạc thị trường. Tuy nhiên, khi vô tình nghe được một làn điệu dân ca trên sóng truyền hình, Binn Lê đã tò mò, lên mạng tìm hiểu và từ đó đã thiết tha yêu câu ca điệu hát của dân tộc, đặc biệt là sân khấu Chèo truyền thống và nhạc cụ dân tộc.
Trước khi theo học nhạc cụ dân tộc tại Học viện Quốc gia Việt Nam, Binn Lê đã đạt Quán Quân chương trình DIGI Show 2018 với vai trò cố vấn hát Xẩm và đạt giải Tuyên truyền viên hay nhất - Chung khảo hội thi thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách quận Hoàn Kiếm năm 2014. Những bước đệm này đã giúp Lê Doãn Thái Bình bước gần hơn với nghệ thuật và quyết tâm theo đuổi con đường này.
Bén duyên với nghệ thuật truyền thống từ sớm, đặc biệt là Sân khấu Chèo, chàng trai trẻ Binn Lê đã có cơ hội được học tập với các nghệ nhân dân gian, các thầy cô là diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam,… Đó cũng là cơ hội rất lớn để Binn Lê tiếp thu kiến thức hữu ích liên quan đến nghệ thuật hát Chèo và nhạc cụ dân tộc. Đối với Binn Lê, sự nhiệt tình của thầy cô chính là động lực lớn để cậu không ngừng cố gắng và nỗ lực về mục tiêu theo đuổi nghệ thuật truyền thống của mình.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình học tập tại trường và theo đuổi sân khấu Chèo chuyên nghiệp, chàng trai Lê Doãn Thái Bình chia sẻ: “Đàn Nhị rất khó, có thể nói là khó nhất trong các loại nhạc cụ dân tộc, vì đàn không có phím, người chơi phải sử dụng tất cả các giác quan của mình cùng với tâm hồn tĩnh lặng để cảm nhận từng nốt nhạc trên đàn. Với sân khấu Chèo, mình yêu những làn điệu Chèo và những vai diễn, những tích trò của cha ông xưa. Để được toả sáng vài phút trên sân khấu, mình đã phải tập luyện rất nhiều, từ cách múa, cách xoè quạt, cách đi, cách nói, và đặc biệt là cách hát. Ca từ của Chèo sâu rộng và thâm thuý, các kỹ thuật nhấn nhá nhả chữ trong từng câu hát cũng vô cùng tinh tế và phức tạp”. Bên cạnh đó, vì đặc thù công việc hát Chèo đa phần phải đóng giả làm nữ với cách đi lại uyển chuyển, do đó nhiều người thường nghĩ Binn Lê là “Gay”.
Mặc dù hiện nay đang theo học nhạc cụ dân tộc nhưng ít ai biết rằng ước mơ lớn nhất của chàng trai trẻ chính là trở thành diễn viên Kịch nói. Nhiều người thường thắc mắc tại sao Binn Lê không thi vào Chèo vì đã có sẵn nền tảng kiến thức. Tuy nhiên, ước mơ lớn nhất của chàng trai trẻ chính là bản thân được sử dụng ngôn ngữ hiện đại để kể về truyền thống.
Binn Lê chia sẻ: “Mình muốn làm những bộ phim về đề tài dã sử, cổ trang và tái hiện lại sát nhất cuộc sống của cha ông ta thời trước. Nhìn sang các nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… họ đều bảo tồn và phát triển rất tốt các giá trị Văn hoá - Nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhưng thật đáng buồn vì vấn đề này ở nước ta vẫn chưa thật sự có cơ hội được nhà nước và nhân dân quan tâm.
Mình tin chắc rằng, âm ỉ trong mỗi con người Việt Nam đều vang vọng lời ru của bà, của mẹ, là “Con Cò” là “Thằng Bờm” … điều đó chứng tỏ mọi người chưa từng quên truyền thống, chỉ là mọi người chưa có nhiều cơ hội để chạm tới truyền thống mà thôi. Có lẽ vì vậy mà mình luôn khao khát, học hỏi, nghiên cứu để chung tay quảng bá Văn hoá - Nghệ thuật truyền thống đến với công chúng khán giả gần xa trong cả nước và bạn bè quốc tế.”
Tuy năm nay chưa đỗ vào trường Sân khấu vì thiếu 0,5 điểm nhưng Binn Lê cũng không nản chí. Chàng trai Gen Z sẽ cố gắng trau dồi bản thân và kỹ thuật biểu diễn nhiều hơn nữa để tiếp tục thi lại vào năm sau, theo đuổi ước mơ nghệ thuật của mình.
Dưới bàn tay khéo léo của Trần Duy, những khối gỗ thô kệch biến thành tác phẩm nghệ thuật sống động.
Nguồn: [Link nguồn]