Câu chuyện vượt lên chính mình của người phụ nữ tí hon
Năm nay đã 39 tuổi nhưng vóc dáng chị Nguyễn Thị Thu Hiền vẫn như một đứa trẻ với chiều cao khiêm tốn 88cm, bàn tay bé xíu, đôi chân yếu ớt bước đi tập tễnh… Thế nhưng đằng sau dáng vẻ nhỏ bé ấy, chị đã vượt qua số phận, vươn lên học tập với hai bằng đại học, trở thành chủ một doanh nghiệp giúp đỡ nhiều người.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền Ảnh: INT
39 tuổi cao 88cm
Tôi có cơ duyên gặp chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1981 ở khu 1, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) tại một buổi giao lưu phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp. Người phụ nữ có thân hình như đứa trẻ đó đã vô cùng gây ấn tượng với tôi và mọi người.
Hỏi tên, chị bảo cứ gọi chị là Hiền Suri. Cái tên ấy khiến tôi rất thắc mắc. Chị cười bảo đó là tên tiếng Anh và cũng có nghĩa là "cô chủ nhỏ". Chị nói vậy chứ với tôi, Hiền Suri không phải là cô chủ nhỏ mà là một bà chủ lớn đúng nghĩa. Bởi dù chị là một người khuyết tật vận động nhưng đã làm được những điều mà một người bình thường chưa chắc đã làm được. Chị đã học xong 2 bằng đại học, mở cho mình công ty riêng mang tên Công ty TNHH Sản xuất - dịch vụ và thương mại Suri.
39 tuổi, chị chỉ nặng hơn 22kg. Đó là hệ quả của căn bệnh lùn tuyến yên, loãng xương bẩm sinh mà số phận bất hạnh đã đeo bám chị nên cơ thể không thể phát triển bình thường như mọi người.
Theo chia sẻ của chị, khi sinh ra chị cũng bụ bẫm, lành lặn nhưng đến tuổi tập đi thì không được nhanh như bạn bè cùng trang lứa. 3 tuổi, chị được gia đình đưa đi khám và điều trị ở rất nhiều bệnh viện, gặp rất nhiều bác sĩ, giáo sư chuyên khoa đầu ngành về chỉnh hình, phục hồi chức năng nhưng đi tới đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Thương con, bố mẹ chị kiên trì, nhẫn nại tập vận động cho con. Mỗi ngày sánh bước bên con, bố mẹ chị mong mỏi sự biến chuyển và rồi niềm hạnh phúc vỡ òa với họ khi chị bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên ở tuổi lên 5. Tự đứng dậy rồi đi được bằng đôi chân của mình, chị Hiền lại khát khao được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa. 8 tuổi, bố mẹ chị xin cho chị theo học trường hòa nhập cộng đồng.
Ngay khi đến trường, hiểu được hoàn cảnh của mình, chị Hiền xác định mình không học thì không làm được gì cả. Hơn nữa, chị ngẫm ra rằng, mình không học thì bạn bè và mọi người sẽ vẫn học, không làm thì mọi người vẫn làm và như vậy mình sẽ tụt hậu với mặt bằng chung của xã hội.
"Người khuyết tật mà không có học vấn thì sẽ càng vất vả. Tôi không muốn phải đón nhận sự thương hại của những người xung quanh. Mình chỉ được sinh ra một lần duy nhất trên đời, nếu cứ nghĩ mãi tới sự khuyết tật bẩm sinh mà tự ti, không phấn đấu sẽ chẳng vươn lên được. Người khuyết tật không vượt qua rào cản này, mất đi niềm tin sẽ càng tăng gánh nặng cho người thân và xã hội", chị Hiền nói.
Chị Hiền khi tham gia hoạt động và bên người thân ảnh: NVCC
Với cơ thể nhỏ bé, đôi bàn tay bé xíu, mềm oặt, để có thể cầm được bút cũng là cả một quãng thời gian dài chị Hiền phải luyện tập đầy vất vả. Tuy thế, mỗi lần cầm bút chị cứ phải bò ra bàn, mím môi, gồng tay lên mới viết được vài chữ. Hơn thế, đường đến trường đã khó, chị Hiền còn phải vượt qua sự kỳ thị, trêu chọc, định kiến xã hội. Nhiều người nói với chị, người bình thường học đã chả làm được gì huống hồ lại là người khuyết tật.
Bằng tất cả nghị lực, chị đã vượt qua được. Điều may mắn với chị là luôn có gia đình, bạn bè, thầy cô tạo động lực để chị vượt qua mọi vất vả, gian nan suốt 12 năm phổ thông và 7 năm học đại học. Chị đã tự trang bị kiến thức cần thiết làm hành trang bước vào đời. Chị đã có 2 bằng đại học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp và tài chính kế toán của Trường ĐH Vinh. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2008 với 2 bằng đại học, chị bắt đầu tìm kiếm công việc để nuôi sống bản thân và giúp đỡ bố mẹ.
Vươn lên làm chủ, giúp đỡ nhiều người
Suốt 39 năm qua, chị Hiền đã nhận được rất nhiều bằng khen
Với những cố gắng suốt 39 năm qua, chị Hiền đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp hội cho những thành tích của mình: Là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen trong chương trình "Tự hào phụ nữ Việt Nam"; Giải thưởng KOVA do Hội liên hiệp Phụ nữ đề cử; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Bằng khen của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Đi học với người khuyết tật đã vất vả, đi xin việc làm càng khó khăn hơn. Sau một thời gian, chị Hiền xin làm thuê cho một số doanh nghiệp tư nhân để trau dồi kĩ năng kế toán của mình. Bằng năng lực của mình, chị đã chứng tỏ được kiến thức của bản thân, nhiều đơn vi gửi chị chứng từ về nhà làm.
Khi công việc kế toán dần ổn định, niềm khát khao khởi nghiệp đã thôi thúc chị. Năm 2010, với vốn kinh nghiệm, tài chính có được từ khi đi làm thuê, sự hậu thuẫn từ gia đình, chị quyết định thành lập công ty riêng. Và Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri ra đời, chuyên sản xuất bàn, ghế đá Granito cung cấp cho các công viên, trường học, bệnh viện... Đến giờ, Công ty của chị đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, với mức thu nhập ổn định.
Không dừng lại ở hoạt động kinh doanh mang tính truyền thống của gia đình, năm 2011, chị Hiền đã mở thêm một Câu lạc bộ giải trí Billiards Snooker tại Thanh Hóa. Ngày đó, quyết định của chị đã bị nhiều người phản đối. Ai cũng nói rằng, công việc đó phức tạp chỉ hợp với nam giới. Suốt một thời gian dài, chị phải kiên trì và nỗ lực một mình. Và giờ, mọi thứ đã mang lại cho chị nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị không chỉ tự nuôi sống chính bản thân mình mà còn giúp đỡ nhiều người khác.
Chia sẻ về những khó khăn với người khuyết tật khởi nghiệp, chị Hiền cho biết, những ngày đầu khởi nghiệp chị đã gặp không ít rào cản. Nhiều khi đi kí hợp đồng hay đi ra công trường, nhiều người vẫn ngờ vực khi thấy chị chỉ như em bé mà lại làm trong lĩnh vực kinh doanh thường dành cho đàn ông. Nhưng từ chất lượng và hiệu quả công việc, chị đã cho đối tác và mọi người thấy rằng, người "khuyết nhưng không tật".
"Tôi luôn nghĩ nếu tôi không quyết tâm theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình thì chẳng bao giờ tôi có được nó", chị Hiền nói. Bằng niềm tin đó, chị luôn nỗ lực với mục đích tự giúp chính bản thân để mọi người thay đổi cách nhìn nhận về người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Chị mong muốn mọi người hãy nhìn vào chính khả năng của người khuyết tật chứ không phải nhìn ở vẻ bề ngoài khác biệt.
Có lẽ vì bản thân là một người kém may mắn nên chị Hiền bên cạnh hoạt động kinh doanh còn rất tích cực với các công tác xã hội. Chị tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên và sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hoá.
Câu lạc bộ với hàng trăm thành viên là nơi chia sẻ, kết nối những con người đồng cảnh ngộ gần lại với nhau. Cùng với các cán bộ Hội, chị đã từng đi về các huyện để thành lập các nhóm tự lực, làm truyền thông về các chính sách, chế độ cho người khuyết tật...
Đối diện người phụ nữ tuy nhỏ bé về hình thể nhưng mang trí tuệ lớn, được nghe về hành trang bước vào đời, tôi càng thêm khâm phục chị Hiền. Ở chị luôn toát lên một nghị lực sống mà nhiều người không có được.
Sinh ra với một ngoại hình không được lành lặn như bao người, thế nhưng chàng trai này chưa từng đầu hàng trước số...
Nguồn: http://giadinh.suckhoedoisong.vn/xa-hoi/cau-chuyen-vuot-len-chinh-minh-cua-...