Câu chuyện về tình chị em khiến bạn rơi nước mắt
Với bạn, hành động đó hết sức nhỏ bé, nhưng với người khác nó lại có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Cuộc sống muốn màu luôn ẩn chứa những bất ngờ thú vị. Có những thứ diễn ra thật đơn giản nhưng lại khiến ta ngỡ ngàng ở giây phút cuối cùng. Có những hành xử tưởng chừng rất sai nhưng khi đứng ở điểm cuối hành trình ta lại nhận ra nó đúng… Hãy cùng chúng tôi khám phá những bất ngờ thú vị đó qua những câu chuyện đáng suy ngẫm, đầy tính nhân văn vào 0 giờ chủ nhật và thứ tư hàng tuần. |
Tôi sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh dựa lưng vào núi. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải còng lưng cấy cày trên mảnh đất khô cằn để nuôi cả nhà 4 miệng ăn.
Một ngày, tôi muốn mua chiếc khăn tay mà tất cả các cô gái xung quanh tôi đều có. Không có tiền, tôi đánh liều, lấy trộm tiền của bố mẹ để trong ngăn kéo. Ngay hôm đó, bố tôi đã phát hiện ra số tiền bị mất.
“Ai đã lấy trộm tiền?”, ông hỏi 2 chị em tôi.
Thật sự lúc đó tôi vô cùng choáng váng và sợ hãi, tôi không thể mở miệng khi nghĩ đến viễn cảnh sắp xảy ra. Không ai trong chúng tôi thừa nhận.
Một lát sau, ông nói: "Được thôi, nếu không ai nhận, cả hai đều sẽ bị phạt!". Đột nhiên, em trai tôi nắm chặt bàn tay của cha: “Cha, chính con đã làm việc này! Cha hãy phạt mình con thôi”.
Hôm ấy, đứa em trai nhỏ bé đã thay tôi nhận đòn, điều này làm tôi đau đớn vô cùng. Nó chỉ nhìn tôi và nói: “Chị đừng khóc, tất cả đã qua rồi”.
Tôi không dám tin rằng, em trai đã thay tôi chịu đòn hôm đó (ảnh minh họa)
Năm đó, nó 8 tuổi và tôi 11 tuổi. Trong cuộc đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên đứa em trai ấy đã bảo vệ tôi thế nào. Mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy chán ghét bản thân vì không đủ can đảm để nhận lỗi và chấp nhận hình phạt cho hành vi trộm cắp của mình.
Kết thúc năm cuối trung học, em trai tôi đỗ vào một trường phổ thông ở thị trấn. Đồng thời, tôi cũng đỗ vào một trường đại học trên thành phố.
Đêm đó, cha ngồi trong sân, đốt cả bao thuốc. Tôi nghe thấy cha mẹ nói chuyện. Cha nói: "Cả hai đứa đều đã làm rất tốt". Mẹ khẽ lau những giọt nước mắt và thở dài: "Chúng ta phải làm sao đây, làm sao có thể nuôi cả 2 đứa ăn học”.
Đúng lúc đó, em trai tôi bước ra, đứng trước mặt cha và quả quyết: "Cha, con không muốn học nữa, học thế đủ rồi”.
“Đàn ông mà lại yếu đuối vậy à? Cha mẹ có phải ăn xin thì 2 đứa vẫn phải đi học”, cha giận dữ quát. Và hôm sau, tôi thấy cha đến gõ cửa từng nhà trong làng để vay tiền.
Nhưng vào ngày đó, trước lúc bình minh, em tôi đã đi khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ và ít đậu khô. Tôi khóc lạc cả giọng khi đọc mảnh giấy chỉ vẻn vẹn vài chữ nó để lại: “Đỗ đại học không phải là việc dễ dàng. Em sẽ đi tìm một công việc và gửi tiền cho chị”.
Không ngờ, chỉ một lần nhường bao tay cho em hồi nhỏ mà tôi được nhận lại ân huệ của em cả đời (ảnh minh họa)
Với số tiền vay mượn được từ mọi người trong làng và tiền lương của em trai từ công việc mang vác xi măng tại một công trường xây dựng, cuối cùng tôi cũng hoàn thành xong mấy năm đại học. Năm đó, em trai tôi 17 tuổi còn tôi 20.
Một ngày nọ, khi đang ở phòng trọ, người bạn cùng phòng tôi vào thông báo: "Có người cùng quê đang chờ cậu ở bên ngoài”. Hơi ngạc nhiên nhưng tôi cũng đi ra và nhìn thấy em mình từ xa.
"Sao em không nói em là em trai chị?”, tôi kéo tay em và thắc mắc. “Nhìn em thế này mọi người sẽ cười chị mất”, em tôi mỉm cười.
Nước mắt chực trào ra, cổ họng tôi nghẹ đắng. “Ai dám cười em trai chị chứ”.
Từ trong túi, nó lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm, nhẹ nhàng cài lên tóc tôi và nói: "Em thấy bọn con gái trong thị trấn đều có 1 chiếc thế này”.
Tôi không thể kìm nén được cảm động, kéo tay nó vào lòng và khóc. Năm đó, em trai tôi bước sang tuổi 20 còn tôi đã 23.
Sau khi kết hôn, tôi sống ở thành phố. Nhiều lần chồng tôi muốn đón cha mẹ tôi lên sống chung nhưng họ từ chối. Họ nói rằng cả đời họ đã quen sống ở làng và em trai tôi cũng nghĩ vậy: "Em sẽ chăm sóc cha mẹ, chị đừng lo”.
Chồng tôi là giám đốc một nhà máy và không hề khó để sắp xếp cho em trai công việc quản đốc bộ phận bảo trì nhưng nó đã từ chối và muốn bắt đầu ở vị trí thợ sửa chữa.
Một ngày, khi đang sửa chữa cáp, em tôi bị điện giật và được đưa đến bệnh viện. Nhìn em, tôi không khỏi xót xa: "Đã bảo em làm quản đốc thì không nghe, bây giờ thì nhìn đi, công việc này quá nguy hiểm”.
“Chị hãy nghĩ cho anh rể, em chẳng có bằng cấp hay kinh nghiệm gì, nếu được làm quản đốc, nhiều người sẽ không phục anh, như vậy không tốt chút nào”, em nói.
“Nhưng em không được đi học là vì chị”, tôi nghẹn ngào. “Đừng nhắc lại chuyện ngày xưa”, nó nắm lấy tay tôi. Năm đó, em trai 26 tuổi còn tôi 29 tuổi.
4 năm sau, khi đã 30 tuổi, em tôi kết hôn với một cô gái cùng làng. Trong lễ đường, Cha xứ hỏi nó: “Ai là người khiến cậu yêu thương nhất?”
Không cần suy nghĩ, em trả lời: “Là chị gái tôi”. Nó tiếp tục kể một câu chuyện mà thậm chí tôi cũng không còn nhớ:
“Khi tôi vào tiểu học, hàng ngày, 2 chị em tôi phải đi bộ 2 giờ đồng hồ để đến trường và trở về nhà. Một ngày, tôi đánh mất một chiếc găng tay. Chị gái đã đưa cho tôi găng tay của chị ấy mặc dù chị phải đi xa hơn. Khi về nhà, hai bàn tay chị lạnh cóng, run rẩy thậm chí còn không thể cầm đũa. Từ ngày đó, tôi đã thề rằng miễn là tôi còn sống, tôi sẽ chăm sóc và bảo vệ chị ấy".
Cả căn phòng vỗ tay rầm rầm và trước mặt mọi người, một lần nữa, nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt tôi.