Câu chuyện cảm động về anh em song sinh đến trường chỉ với một đôi chân
Cặp song sinh Gia Lâm – Gia Hưng được mọi người ví như hình với bóng khi hai anh em luôn sát cánh cùng nhau đến trường, rong ruổi khắp nẻo đường tại trên đôi chân của Gia Hưng.
Ba mẹ con trong căn nhà trọ.
Hơn 10 năm về trước, gia đình anh Nguyễn Văn Lập và chị Nguyễn Thị Mảnh (cùng sinh sống tại Tây Ninh) vui mừng khi đón cặp song sinh Gia Lâm và Gia Hưng sau khi có được con gái lớn đầu lòng. Ngỡ rằng cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi cho đến khi Gia Lâm được 2 tuổi bị chứng Fallot, một dạng phức tạp của bệnh tim bẩm sinh, buộc phải cắt bỏ tứ chi.
Ở trọ 10 năm để cùng con trị bệnh
Chị Mảnh tâm sự: “Các bậc làm cha mẹ như tôi ai cũng muốn con sinh ra được khỏe mạnh, bình thường. Chứng kiến con vì bệnh tật mà phải cắt bỏ tay, chân khiến lòng tôi đau như cắt. Chỉ có thể bên cạnh, dùng tình yêu thương để lấp đầy những thiếu hụt của con”.
Từ lúc Gia Lâm bị bệnh, chị Mảnh ngưng công việc bán rau ở chợ để tập trung chăm sóc cho các con. Vì thế, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do anh Lập gánh vác, anh kiếm sống bằng đủ thứ nghề, ai thuê gì làm nấy để nuôi sống cả gia đình.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh viện đã hỗ trợ cho bé Gia Lâm được ở lại bệnh viện 10 năm để điều trị. Từ đó, anh chị quyết định dẫn các con từ Tây Ninh vào TPHCM để thuận tiện trong việc điều trị bệnh cho Gia Lâm.
Ba hai em chuẩn bị cho con đến trường mỗi sáng.
Căn trọ nhỏ khoảng 15m2 nằm trên đường Bắc Hải, quận 10, TPHCM được ba mẹ hai em thuê gần trường để tiện cho việc đến trường của các con. Vốn đã quen với công việc “buôn gánh bán bưng”, chị Mảnh chọn công việc bán sữa đậu nành, còn anh Lập ngoài công việc làm thuê ra, thỉnh thoảng anh lại phụ chị bán hàng để nuôi các con.
Chị Mảnh chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi đều thức dậy lúc 2h sáng để nấu sữa đậu nành và chuẩn bị bữa ăn sáng cho các con, đến 6h sáng là tôi bắt đầu đẩy xe ra công viên bán cho đến 2h chiều. Công việc thức khuya, dậy sớm là vậy, tuy đôi lúc cuộc sống chật vật và khó khăn nhưng được nhìn các con lớn lên, thấy con vui vẻ là tôi cảm thấy hạnh phúc lắm”.
'Chú chim cánh cụt' dễ thương
Ngay từ nhỏ, Gia Lâm đã có tính tự lập, tự tập viết chữ, tự mặc đồ,…Ba Gia Lâm cho biết: “Thời gian đầu khi Gia Lâm tự tập viết chữ bằng đôi tay khuyết của mình nên đôi tay liên tục bị mỏi. Tôi phải xoa bóp, mát xa tay cho con suốt và luôn động viên con giúp cậu con trai của mình có thể tự tin làm mọi việc”.
Hai anh em đến trường chỉ với một đôi chân.
Hiện tại, Gia Lâm – Gia Hưng đang theo học lớp 8 tại Trường THCS Trần Phú. Mỗi sáng, hai anh em thức dậy vào lúc 6h, Gia Hưng nhanh nhẹn chuẩn bị tất cả mọi thứ, từ giúp Gia Lâm thay quần áo, sửa soạn sách vở, chuẩn bị đồ ăn sáng. Đoạn đường từ nhà đến trường khoảng 500m, Gia Hưng đưa Gia Lâm đi học bằng xe lăn, sau đó Hưng cõng em trai từ cổng trường đến lớp học.
Gia Hưng tâm sự: “Lúc đầu cõng Gia Lâm trên lưng, em cũng thấy nặng nhưng lâu dần cũng quen. Em thương Gia Lâm lắm, em nguyện sẽ trở thành đôi chân vững chắc để Gia Lâm có thể nương tựa, cùng nhau học tập tốt để có một tương lai tươi sáng”.
'Chú chim cánh cụt dễ thương" là tên gọi mà bạn bè trong lớp đặt cho Gia Lâm.
Hai anh em cùng nhau học trong căn nhà trọ.
"Chú chim cánh cụt dễ thương" là tên gọi mà bạn bè trong lớp đặt cho Gia Lâm vì yêu mến tính cách vui vẻ, hòa đồng với bạn bè. Hai anh em luôn có được sự giúp đỡ của bạn bè. Các bạn tự nguyện phân công nhau xách ba lô phụ hay phụ anh trai Gia Hưng đẩy Gia Lâm về đến tận nhà.
Khác với suy nghĩ của nhiều người về cậu học trò khuyết tật, Gia Lâm luôn vui vẻ và vươn lên, bỏ qua mặc cảm. “Em muốn sau này sẽ trở thành một người truyền cảm hứng cho mọi người, lấp đầy khiếm khuyết bằng những việc làm tích cực, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, Gia Lâm hào hứng nói.
Chia sẻ về hai cậu học trò Gia Lâm và Gia Hưng, cô Huỳnh Thị Quỳnh Như cho biết: “Hai em rất cố gắng và vươn lên trong học tập. Đặc biệt là các em nhiệt tình tham gia các phong trào giúp đỡ người khác. Chính các em khó khăn nhưng các em luôn giúp đỡ người khác, đó chính là điều đáng quý của các em”.
Một hành trình dài đầy nỗ lực của Lương Phi (31 tuổi, ở khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên,...
Nguồn: [Link nguồn]