Cậu bé lớp 5 biết vẽ chữ như rồng phượng
Cậu học trò lớp 5 Mã Vương Kiệt (tiểu học Tân Phú, Q.9, TP.HCM) được nhiều người biết đến bởi khả năng vẽ chữ đẹp không kém các nhà thư pháp.
Mã Vương Kiệt (lớp 5, trường tiểu học Tân Phú) biết viết chữ thành hình rồng phượng từ năm 6 tuổi. Trong ảnh, Kiệt đang biểu diễn khả năng của mình tại căn nhà trọ của gia đình ở bên hông khu du lịch Suối Tiên (Q.9).
Bằng sự sáng tạo cộng với năng khiếu vẽ giỏi, viết đẹp, Mã Vương Kiệt đã vận dụng hình ảnh rồng, cô tiên, bông hoa… để tạo thành một bức họa đẹp.
Loại hình này tựa như viết thư pháp, cũng dùng mực tàu.
Tuy nhiên thay vì dùng bút cọ để viết thì việc viết chữ rồng phượng phải dùng đến loại bút đặc biệt làm từ gỗ tre, được đẽo thành các khúc có chiều rộng khác nhau.
Người vẽ chấm mực tàu và phệt lên giấy trắng những đường nét thanh đậm, tạo ra hình rồng, hình phượng. Các bước không theo quy tắc viết chữ thông thường mà tùy thuộc vào cách bài trí một bức tranh.
Kiệt cho biết: "Nếu viết tên con trai thì dùng hình ảnh con rồng, tên con gái thì vẽ phượng. Đó đều là hai động vật tượng trưng cho sự phú quý, quyền lực. Hơn nữa rồng, phượng đều có đuôi dài, uốn éo nên dễ tạo hình chữ". Trong ảnh, Kiệt đang viết chữ Khang, với vần "K" hình con rồng.
Với tất cả các chữ cái đều có thể sử dụng rồng phượng tạo ra nét chữ và chỉ chữ đầu của mỗi tên thì mới dùng hình ảnh hai linh vật này để vẽ.
Người truyền nghề cho Kiệt là ông nội Mã Vương Quyền (77 tuổi). Ông Quyền có hơn 20 năm nghề thư pháp. Ông cho biết: "Loại chữ này do tôi sáng tạo ra cách đây 20 năm. Tôi đặt tên là chữ rồng phụng (phượng - PV). Lúc đầu tôi thử dùng hình ảnh các con giáp khác để vẽ chữ nhưng không đạt". Theo ông, đây là một dạnh biến thể khác của tranh thủy mặc.
Các con của ông Quyền cũng đều biết vẽ loại chữ này nhưng Kiệt là biết sớm nhất, từ năm 6 tuổi. Theo ông Quyền, từ nhỏ Kiệt đã thích thú với loại tranh ông vẽ và học hỏi nhanh. "Tôi không chỉ nhiều, Kiệt cứ nhìn tôi vẽ rồi bắt chước theo và tập luyện rất chăm chỉ", ông nói.
Tranh của Kiệt được nhiều người đánh giá cao, không chỉ đẹp, ý nghĩa mà nó còn thể hiện sự sáng tạo. Mỗi lần có cuộc thi vẽ tranh, chữ đẹp nhà trường đều cử Kiệt tham gia.
Bất kỳ cái tên nào Kiệt đều có thể vẽ được kể cả tiếng nước ngoài. Chỉ cần đọc tên ra, mất vài giây tư duy, Kiệt biết mình nên vẽ dạng nào. Thời gian hoàn thành mỗi bức tranh mất khoảng 7-10 phút, tùy thuộc độ dài ngắn của các âm tiết.
Chữ "Khang Thái" được Kiệt thể hiện theo lối vẽ rồng phượng.
Chữ "Phúc" với hình ảnh con rồng.
Chữ "Tâm". Với mỗi cái tên, nét chính vẫn là hình ảnh rồng, phượng nhưng Kiệt đều thể hiện sự sáng tạo riêng cho từng bức tranh.
Ngoài ra Kiệt còn sử dụng các hình ảnh khác như cô tiên, bông hoa... để vẽ chữ. Trong ảnh là hình chữ "Hồng" với hình bông hoa và cô tiên. Theo lời ông Quyền, những nét chữ của Kiệt ngày càng tiến bộ nhưng vẫn chưa hài hòa về bố cục và ít thể hiện được phong thủy trong tranh. "Sắp tới tôi sẽ dạy cháu thêm về viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc", ông Quyền cho biết.
Thời gian chủ yếu của Kiệt vẫn là tập trung học. Nếu không học, không vẽ thì cậu bé thường đọc truyện tranh. Do bố mẹ làm công việc buôn bán ngoài chợ nên phần lớn thời gian Kiệt ở với ông bà hoặc một mình. Những bữa ăn cậu bé thượng tự ăn.
Vào các dịp cuối tuần, lễ hội cậu bé thường theo ông vào công viên, khu du lịch thêm thu nhập cho gia đình.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Cậu bé lớp 7 một mình nuôi anh chị ngớ ngẩn
Nghĩa cử cao đẹp của cậu bé 5 tuổi