''Cậu bé chăn bò'' lập kỳ tích

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Cùng lúc nhận được học bổng của 2 chính phủ sau khi thi vào 2 trường đại học danh tiếng thế giới, “cậu bé chăn bò” Võ Văn Huy ngày nào lại khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục.

Ngày 12/9 tới, Võ Văn Huy (ngụ xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) sẽ lên đường sang kinh đô ánh sáng để nhập học ở ĐH Bách khoa Paris sau khi nhận được học bổng Eiffel của chính phủ Pháp. Trước đó, Huy đã phải viết thư xin lỗi và từ chối đến ĐH Quốc gia Singapore khi cùng lúc cũng nhận được học bổng ASEAN của chính phủ nước này.

Lắm ngã rẽ bất ngờ

Nhiều người dân Phú Yên vẫn quen gọi Huy với cái tên mộc mạc “cậu bé chăn bò” bởi khi còn là học sinh, thời gian ôn bài của Huy trong lúc chăn bò nhiều hơn trên bàn học. Nhiều người đã biết đến thành tích học tập đáng nể của Huy nhưng những ngã rẽ bất ngờ của chàng sinh viên có dáng người nhỏ nhắn này lại khiến người ta vừa ngỡ ngàng vừa thán phục.

Ngã rẽ đầu tiên là khi Huy bước vào lớp 10. Năm ấy, Huy thi vào lớp chuyên toán trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và nằm trong top 5 đỗ đầu. Họ hàng, thầy cô, bè bạn nơi Huy học THCS chưa kịp mừng vì một học sinh trường quê đậu vào trường chuyên, thầy cô Trường Lương Văn Chánh còn đang kỳ vọng về một “cây toán” sẽ làm rạng danh cho trường mình thì bất ngờ Huy rút hồ sơ xin về lại trường THPT Lê Hồng Phong gần nhà.

''Cậu bé chăn bò'' lập kỳ tích - 1

Huy trúng tuyển 2 trường đại học danh tiếng thế giới

“Lúc ấy em cũng phân vân lắm nhưng nghĩ hoàn cảnh khó khăn, mẹ bệnh, em gái út lại bị tật ở chân, không ai cõng đến trường nên đành chấp nhận học gần nhà để giúp đỡ gia đình” - Huy giải thích. Những ngày ấy, Huy như một lao động chính trong gia đình. Cha làm thợ hồ hằng ngày vắng nhà, Huy vừa học vừa đưa đón em đến trường, vừa chăm lo đàn bò vừa giúp mẹ bóc vỏ hạt điều thuê để kiếm tiền.

Lịch học và làm việc của Huy luôn được xếp kín, thời gian ôn bài chỉ gói gọn trong lúc chăn bò và từ 3h30 đến 5h30 hàng ngày. “Huy xếp lịch hay lắm. 6 giờ 45 phút trống vào lớp thì y như rằng ngay lúc ấy Huy có mặt, không muộn và cũng chẳng bao giờ sớm hơn 1 phút” - Hồ Lê Trúc Linh, một học sinh cũ cùng lớp 12A1 của Huy ở trường THPT Lê Hồng Phong nhớ lại.

Cuối năm học lớp 12, Huy được chọn vào đội tuyển toán quốc gia chuẩn bị thi Olympic toán quốc tế năm 2011. Lần đầu tiên tỉnh Phú Yên có học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic quốc tế nhưng gần đến ngày triệu tập, Huy cho biết có thể sẽ không tham gia vì… gia đình không có tiền và nếu đi ở nhà không ai chăm sóc cô em tật nguyền. Sau đó, Huy cũng đến được đội tuyển toán nhờ sự giúp đỡ của nhiều người và lời hứa của cha sẽ sắp xếp công việc để đưa đón cô em gái.

Một trong những ngã rẽ bất ngờ nhất của Huy là vào năm 2012. Sau khi đoạt huy chương đồng Olympic toán quốc tế, Huy được tuyển thẳng vào 1 trong 2 trường ĐH Ngoại thương và ĐH Y Dược TP.HCM. Huy chọn ĐH Y Dược.TP HCM theo lời khuyên của cha. Nhưng chưa đến 3 tháng sau, Huy điện thoại về nhà thông báo: “Dường như học y dược không phù hợp với con lắm”.

Gia đình động viên, Huy cũng ráng theo hết năm học. Sau đó, Huy bất ngờ về nhà xin cha cho thi lại vào ĐH Bách khoa TP.HCM khi chỉ còn nửa tháng nữa là đến kỳ thi. “Em chỉ ôn thi mấy ngày, trong khi kiến thức cũ sau một năm cũng quên đi ít nhiều. May mà đề thi không quá khó” - Huy nhớ lại. Vậy mà năm ấy, Huy đậu thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM với 29 điểm cho 3 môn.

Và bây giờ, Huy lại tạo bất ngờ khi nhận được học bổng toàn phần của 2 chính phủ ở 2 trường ĐH danh giá trên thế giới. “Nếu như ĐH Bách khoa Paris thi tuyển rất căng các môn khoa học thì ĐH Quốc gia Singapore lại rất khó ở môn tiếng Anh. Muốn có học bổng trường này, điều kiện cần là phải có bằng IELTS 6.5 trở lên, trong khi vốn tiếng Anh của em ở phổ thông dường như không có gì, đến năm học ĐH đầu tiên mới có bằng IELTS 7.0” - Huy so sánh.

Về 2 năm học ở ĐH Bách khoa TP HCM với điểm số trung bình rất cao (trên 9,3), Huy cho rằng mình không hề bỏ phí. “Để học ĐH Bách khoa Paris, sinh viên Pháp phải học 2 năm dự bị, còn sinh viên các nước phải qua 2 năm học ở các trường ĐH khoa học kỹ thuật” - Huy cho biết.

''Cậu bé chăn bò'' lập kỳ tích - 2

 Võ Văn Huy đưa đón người em út bị tật nguyền đến trường.

Từ chối tập đoàn lớn

Trở lại gia đình Võ Văn Huy sau 2 năm, chúng tôi vẫn không thấy gì thay đổi. Vẫn còn đó căn nhà nhỏ với mái tôn thấp nóng hâm hấp. Tranh thủ những ngày còn ở gần gia đình, Huy lại xắn tay áo làm những công việc quen thuộc như quét dọn vườn tược, chăm sóc đàn bò và đưa đón em gái đến trường.

Ông Võ Văn Mười, cha Huy, vừa làm thợ hồ về hổn hển với chiếc xe đạp. Nhắc đến chuyện học hành của con trai, giọng ông vừa tự hào vừa như trách yêu: “Tui chạy theo chuyện học của thằng Huy mà… đuối!”. Ông cho biết khi Huy quyết định bỏ ngang một năm học ở ĐH Y Dược.

TP.HCM để thi lại, ông thật sự không muốn. “Học y dược dễ xin việc, vả lại học hết một năm rồi, tốn tiền lắm nhưng Huy không thích thì làm sao bắt nó học được nên gia đình cũng phải tôn trọng quyết định của con” - ông giải thích.

Khi Huy đậu thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM, một tập đoàn lớn của Việt Nam đã quyết định cấp học bổng toàn phần cho em sang Nga học với điều kiện sau khi tốt nghiệp Huy phải công tác ở tập đoàn này ít nhất 5 năm. Với một sinh viên bình thường, đó là một cơ hội đáng mơ ước - vừa được du học vừa có sẵn nơi làm việc “ngon lành” sau khi ra trường - nhưng Huy lại xin cha mẹ cho phép được từ chối.

“Huy bảo thà làm gia sư để có tiền học chứ như thế thì quá ràng buộc. Thôi thì gia đình cũng phải tôn trọng ý kiến của con chứ biết làm sao” - ông Mười phân bua. Năm 2014, Huy nhận làm gia sư ôn thi ĐH 2 môn toán, hóa cho 2 học sinh TP.HCM và cả 2 đều đỗ.

''Cậu bé chăn bò'' lập kỳ tích - 3

Huy tìm hiểu về nơi chuẩn bị theo học - ĐH Bách khoa Paris.

Khi Huy cùng lúc nhận 2 học bổng và phải quyết định chọn một trường để học, gia đình dù hết sức vui mừng nhưng cũng phân vân. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, mẹ Huy, không khỏi lo lắng vì con trai lại chọn trường xa ở Pháp để học. “Ngoài học bổng nghe đâu 1.100 Euro/tháng và được miễn học phí, cả khóa trường chỉ lo cho một chuyến bay về Việt Nam. Tiền vé máy bay cao lắm, đến hơn 30 triệu đồng, lỡ gia đình có chuyện gì thì làm sao về?…” - người mẹ chân quê băn khoăn.

Nhất định về lại Việt Nam

Võ Văn Huy cho biết trong 3 năm học ở ĐH Y Dược và ĐH Bách khoa TP.HCM, phần lớn chi phí đều từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Họ đã giúp đỡ khi Huy thi Olympic toán quốc tế, đoạt huy chương đồng cũng như lúc đậu thủ khoa. “Em đã quyết tâm rồi, học xong ĐH Bách khoa Paris, em sẽ tìm việc làm bên Pháp để học thêm 3-4 năm nữa. Khi có đủ kinh nghiệm, em nhất định sẽ về Việt Nam làm việc. Em không muốn phụ lòng những người đã giúp đỡ mình thời gian qua” - Huy tâm sự.

Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, người từng gắn bó với Huy trong thời gian bồi dưỡng thi học sinh giỏi quốc gia, tự hào: “Sẽ khó tìm một học sinh nào như Huy. Đó là một hạt giống tốt, không mối mọt, gieo ở đâu cũng sẽ lên xanh. Nếu được gieo trong môi trường tốt thì hạt giống ấy sẽ cho hiệu quả phải biết!”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN