Cặp đôi ở TPHCM tiết lộ lí do '10 năm không nhà, không xe, dành tiền xê dịch'
Chị Nguyệt Digi - anh Viên Thường, một cặp đôi đang sống ở TPHCM đã có 10 năm cùng nhau xê dịch. Họ lựa chọn không mua nhà, không mua xe, thay vào đó tích lũy kiến thức, trải nghiệm từ những chuyến đi.
Chị Ánh Nguyệt (Nguyệt Digi, 30 tuổi) và anh Viên Thường (37 tuổi) đã có 10 năm yêu nhau và cùng thực hiện hành trình khám phá khắp Việt Nam và 8 quốc gia.
Chị Nguyệt không ngần ngại chia sẻ trên mạng xã hội: "Chúng tôi nên duyên nhờ xê dịch. Suốt 10 năm qua, chúng tôi không nhà, không xe, không kết hôn nhưng bù lại, cuộc sống được lấp đầy bởi những trải nghiệm".
Bên cạnh những lời khen ngợi, ngưỡng mộ, cũng có ý kiến cho rằng cặp đôi "chỉ sống cho riêng mình, không lo cho tương lai", hay thắc mắc "làm công việc gì để có tài chính và thời gian đi du lịch khắp nơi như vậy?"...
Chị Nguyệt bày tỏ, anh chị không còn xa lạ với những hoài nghi, bình luận như vậy.
"Với chúng tôi, du lịch không chỉ là giải trí mà còn là cơ hội tích lũy trải nghiệm, kiến thức, 'mở khóa' bản thân, mở rộng quan hệ và tìm kiếm cảm hứng cho công việc. Hành trình 10 năm cùng nhau xê dịch trở thành tài sản quý giá", chị nói.
Cặp đôi đã có 10 năm đồng hành khắp Việt Nam, qua 8 quốc gia
Nên duyên từ chuyến đạp xe xuyên Việt
Hè năm 2014, khi đang là sinh viên năm 2 đại học tại TPHCM, chị Nguyệt Digi tìm hiểu và biết tới những hội nhóm, câu lạc bộ đạp xe xuyên Việt.
Thời điểm đó, chị Nguyệt được đánh giá là "con ngoan, trò giỏi”, nhưng bản thân lại có phần thiếu tự tin, hay bỏ cuộc, "luẩn quẩn trong vòng an toàn". Muốn bứt phá, thử thách bản thân, chị quyết tâm đăng ký tham gia đạp xe xuyên Việt.
"So với nhiều thành viên trong câu lạc bộ, tôi đăng ký có phần muộn hơn nên chỉ có 2 tháng luyện tập, chuẩn bị. Trong số 70 thành viên tại TPHCM và khu vực lân cận đăng ký tham gia, tôi được giao làm trưởng nhóm.
Ngoài tự tập luyện, hàng tuần chúng tôi hẹn nhau đạp xe, chạy bộ, rèn thể lực”, chị Nguyệt kể.
Chị thích chơi thể thao từ nhỏ, nhưng cự ly xuyên Việt vẫn là thử thách lớn. "Điều quan trọng nhất không chỉ là thể lực mà còn là bạn phải có động lực và ý chí, thực sự muốn vượt thử thách, vượt qua giới hạn bản thân", chị nói.
Tới ngày lên đường, nhóm 70 thành viên chỉ còn đúng 5 người trụ lại. Trong số đó có chị Nguyệt và anh Viên Thường. Chị Nguyệt đăng ký đạp xe xuyên Việt, còn anh Thường nằm trong nhóm hậu cần, chạy xe máy hỗ trợ đoàn.
Cuối tháng 6/2014, cả nhóm mang theo hành trang, đi tàu hỏa ra Hà Nội. Ngày 3/7/2014, hành trình xuyên Việt bắt đầu, với hơn 2.400km, kéo dài 33 ngày.
Trung bình mỗi ngày, đoàn di chuyển 100km, có ngày đỉnh điểm đạp 180km. Tại một số khu vực, nhóm dành thời gian du lịch, trải nghiệm, giao lưu cùng đoàn thanh niên địa phương…
Những ngày đầu đối mặt với nắng nóng bỏng rát của khu vực miền Bắc, chị Nguyệt cảm giác như kiệt sức. Có những ngày, đoàn xuất phát từ 4h và kết thúc tận đêm muộn, 21-22h.
"Chưa đến điểm nghỉ đã được sắp xếp từ trước, thì chặng đạp của ngày đó chưa kết thúc", chị nói. Dẫu vất vả, chị vẫn hăng hái, không nản lòng.
Khoảng thời gian này, anh Thường và chị Nguyệt có nhiều cơ hội hơn để trò chuyện, chia sẻ.
Một cô gái mông lung về định hướng tương lai. Một chàng trai 27 tuổi vừa từ bỏ công việc văn phòng ổn định để theo đuổi đam mê hội họa. Hai con người xa lạ nhưng cùng trong giai đoạn khủng hoảng, dễ đồng cảm với nhau.
"Đồng hành khoảng 1 tuần, trên chặng Thanh Hóa - Nghệ An, anh bày tỏ cảm mến tôi. Lúc này, tôi có để ý anh nhưng chưa định hình rõ ràng tình cảm”, chị Nguyệt kể.
Quá nửa hành trình, khi di chuyển tới Nha Trang, chị Nguyệt ốm nặng, gần như không muốn ăn uống hay vận động. Nhiều thành viên trong đoàn khuyên chị dừng lại để nghỉ ngơi, nhưng cô gái 20 tuổi khi ấy nhất quyết không bỏ cuộc.
“Tôi nghĩ trong đầu, dù đi bộ, tôi cũng phải tiếp tục hành trình. Nếu bỏ cuộc, tôi sẽ đi lại vết xe đổ của chính mình, không bao giờ dám đến đích", chị Nguyệt nói.
Khác với mọi người, anh Viên Thường lại ủng hộ chị Nguyệt tiếp tục hành trình. Anh đổi xe máy với một thành viên trong đoàn, trực tiếp đạp xe đồng hành, ở bên chăm sóc, động viên chị Nguyệt.
Vốn không phải người chơi thể thao nhiều năm, thân hình lại ốm nhom nên nhìn anh Thường căng mình vượt con đèo Omega nối Khánh Hòa - Lâm Đồng, chị Nguyệt rất xúc động.
Con đèo này nổi tiếng với những dốc cao và những đoạn cua gấp như khuỷu tay. Cuộc đổ đèo cũng gian nan không kém khi du khách “rơi” từ độ cao 1.700m xuống 1.000m, rồi dưới 500m.
"Chính thời điểm đồng hành vượt con đèo Omega đã khiến tôi nhận ra sự thấu hiếu, trân trọng mà anh dành cho mình. Không cần lời bày tỏ, chúng tôi chính thức bước vào mối quan hệ yêu thương”, chị Nguyệt nhớ lại.
Trở về tới TPHCM sau chuyến xuyên Việt thành công, cặp đôi thay đổi nhiều điều trong cuộc sống.
Chị Nguyệt tìm được sự tự tin, dám bước khỏi vùng an toàn. Chị đăng ký tham gia nhiều chương trình tình nguyện, dạy học miễn phí ở vùng xa, đăng ký làm việc bán thời gian cho các công ty để tích lũy kinh nghiệm.
Trong khi đó, anh Thường kiên định với con đường hội họa, trở thành họa sĩ thủy mặc, thư pháp.
Những chuyến du lịch "thay đổi cuộc đời"
Những năm đầu yêu nhau, chị Nguyệt còn đi học, anh Thường theo đuổi sự nghiệp mới. Do đó, nguồn kinh phí để du lịch còn rất hạn chế.
Cặp đôi thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi để khám phá những tỉnh, thành lân cận TPHCM như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, về quê anh Thường ở Bình Phước. Những chuyến đi ngắn, tự lái xe, ăn uống đơn giản nên rất tiết kiệm.
Giai đoạn này, anh Thường cũng có những chuyến đi công việc ở các tỉnh miền Tây, miền Trung, thường là mùa lễ hội đầu năm. Cặp đôi kết hợp vừa đi làm vừa du lịch để tiết kiệm chi phí mà vẫn có nhiều trải nghiệm.
"Năm 2014 - 2016, chúng tôi rong ruổi trên con xe máy cà tàng, đi khắp các tỉnh, thành Việt Nam. Những tỉnh thành xa, hai đứa đi xe khách rồi tới nơi thuê xe máy. Chúng tôi quan trọng nhất là trải nghiệm cùng nhau, không nặng nề việc ăn ngon, ngủ sang trọng”, chị Nguyệt kể lại.
Cuối năm 2017, cặp đôi lần đầu tiên "xuất ngoại". Họ sang Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước).
"Chuyến xuất ngoại đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ như không đổi tiền, lạc đường... nhưng hai đứa rất thích thú với những cảnh vật, văn hóa độc đáo, con người nơi đây. Tại Campuchia, người dân chất phác và thân thiện.
Họ tận tình chỉ dẫn đường, cách đổi tiền, chơi gì, thưởng thức món nào... cho chúng tôi. Cũng từ đó, chúng tôi muốn đi nhiều quốc gia hơn, gặp gỡ người bản địa để thêm kiến thức văn hóa, mở rộng hiểu biết”, chị Nguyệt chia sẻ.
Cặp đôi thừa nhận, trong 3 năm đầu tiên, họ trải qua nhiều giai đoạn khó khăn khi chưa thực sự thấu hiểu và biết cách dung hòa. "Càng đi du lịch cùng nhau, càng nhiều tính xấu của đối phương lộ ra.
Có thời điểm tôi "stress" vì mối quan hệ này. Nhưng thay vì từ bỏ, chúng tôi ngồi lại nói chuyện, nhìn nhận vấn đề và tìm cách giải quyết”, chị Nguyệt nói.
Cặp đôi trải qua giai đoạn 3 năm đầu yêu nhau đầy khó khăn trước khi trở nên thấu hiểu, dung hòa nhau
Sau khi ra trường, chị Nguyệt từng làm nhân viên văn phòng với mức lương ổn định. Tuy nhiên, để theo đuổi lối sống du mục số, chị quyết định chuyển hướng, thử sức với “nghề viết”.
Nguyệt Digi trở thành cây bút đứng sau nhiều kịch bản quảng cáo, xây dựng thương hiệu cá nhân bằng video ngắn, truyền thông thương hiệu, những cuốn sách kinh doanh, du ký của khách hàng...
Thời điểm này, công việc vẽ tranh thủy mặc và kinh doanh tranh của anh Viên Thường cũng phát triển tốt. Đồng thời, anh Thường còn phát triển khóa học "Dạy vẽ thủy mặc" cho những người cùng đam mê.
Cặp đôi xây dựng một quỹ riêng dành cho du lịch. Mỗi năm họ đi nước ngoài 1-2 lần, với chi phí khoảng 40-50 triệu đồng/người.
Mỗi năm, chị Nguyệt và anh Thường cùng nhau khám phá 1-2 quốc gia
Chị Nguyệt và anh Thường từng cùng nhau thong dong cưỡi ngựa qua những thảo nguyên mênh mông ở Mông Cổ, dắt tay nhau đi qua mùa hoa mơ, hoa đào nở rộ ở Pakistan, trải nghiệm cái lạnh "quéo xương" ở gần biên giới Tân Cương (Trung Quốc) hay nhảy múa giữa những cánh đồng hoa cải vàng ươm ở Kyrgyzstan.
Mỗi chuyến xê dịch là một "tài sản" với cặp đôi
"Anh Thường hay nói, không có chiếc máy ảnh nào thu hết được cảnh đẹp chúng tôi đi qua tốt bằng đôi mắt. Những hình ảnh đó trở thành chất liệu để anh sáng tác tranh, mang tới những bức vẽ rất chân thực, có hồn.
Còn với tôi, những chuyến đi giúp bản thân mở rộng vốn hiểu biết, kiến thức và gạt bỏ nhiều định kiến. Nhiều người bạn đồng hành trong chuyến du lịch đã trở thành đối tác, khách hàng lâu dài.
Những trải nghiệm độc đáo và hiếm có giúp tôi mở rộng thế giới quan của mình, nhạy cảm hơn và biết cách tiếp cận vấn đề, mở đầu câu chuyện với khách hàng", chị Nguyệt cho biết.
Cặp đôi bộc bạch, khi có lí do để du lịch thì họ có động lực để làm việc.
"Nhu cầu cuộc sống của chúng tôi rất đơn giản, đúng như cái tên của anh - Viên Thường - bình thường là sự viên mãn. Chúng tôi hạnh phúc với công việc, với những chuyến đi và lựa chọn hiện tại”, chị Nguyệt chia sẻ.
Cặp đôi hạnh phúc với lựa chọn "không nhà, không xa, dành tiền để xê dịch"
Ảnh: NVCC
Nguồn: [Link nguồn]
Một cặp vợ chồng đi nghỉ 10 lần một năm nói rằng họ thích tiêu tiền để tạo nên những kỷ niệm.