“Cạn lời” với vị khách đem nho vào phòng thử đồ ăn để trốn thanh toán
Hàng loạt hành vi thiếu ý thức của khách hàng được nhân viên siêu thị kể lại.
Hành vi thiếu văn minh của một vài vị khách khiến nhân viên siêu thị ngán ngẩm (ảnh minh họa)
Chứng kiến nhiều nhất, thường xuyên nhất những hành vi thiếu ý thức của khách hàng khi đi mua đồ có lẽ là nhân viên siêu thị. Trong một bài viết trên Fanpage đông thành viên đề cập đến vấn đề này, hàng loạt nhân viên quầy hàng, nhân viên thu ngân đã kể những câu chuyện “chướng tai gai mắt” họ gặp phải ở môi trường được xem là văn minh và hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.
Thùy Dung (nhân viên thu ngân tại một siêu thị thuộc khu vực quận Cầu Giấy) phải thốt lên rằng: “Nhìn khách cư xử trong siêu thị, mình ngỡ ngàng với thế giới này luôn. Không hiểu sao họ lại có những việc làm như vậy”.
4 năm làm nhân viên thu ngân tại siêu thị, Thùy Dung chứng kiến không ít hành vi thiếu ý thức của khách hàng như chen lấn, ăn thử đồ, xả rác bừa bãi, quăng quật làm hỏng sản phẩm… Thế nhưng, điều khiến cô bức xúc nhất có lẽ là hành vi gian lận của một số vị khách thoạt nhìn vô cùng sang chảnh và lịch sự.
Dung kể lại, siêu thị của cô từng xảy ra trường hợp, một vị khách lén lút đem bịch nho tươi có giá hơn 200.000 đồng/kg vào phòng thử quần áo bóc ăn để trốn thanh toán. Khi ăn được một nửa, họ bọc lại cẩn thận rồi đem ra quầy hàng như không có chuyện gì xảy ra.
“Vị khách đó nghĩ trong phòng thử đồ không có camera nên vô tư đem nho vào ăn. Tiếc là khắp các quầy hàng ở siêu thị đều có nhân viên giám sát, họ để ý vị khách ấy từ khi đem hộp nho vào phòng thử đồ cho đến khi bước ra và bắt tại trận. Tất nhiên, vị khách đó sẽ phải thanh toán phần nho đã ăn trong sự bẽ bàng”, Dung chia sẻ.
Vị khách lén lút ăn nho mà không thanh toán (ảnh minh họa)
Cô còn sốc hơn trước trường hợp khách vào siêu thị trộm đồ. Một vài vị khách không biết trên quần áo có gắn chíp từ chống trộm nên lén lút xé mác, rồi mặc luôn lên người để trốn thanh toán. Đến khi bước qua cổng an ninh, chíp từ kêu inh ỏi, bảo vệ kiểm tra camera và phát hiện ra hành vi gian lận đó.
“Mà mọi người có biết vị khách đó trộm gì không? Họ trộm đồ lót, lúc bị phát hiện thì ê chề xin lỗi, cởi ra thanh toán. Ở siêu thị còn có mấy trường hợp rất “củ chuối” thế này. Đó là khách hàng mua bưởi, họ lấy tem ở những quả bưởi giá rẻ dán vào những quả bưởi giá đắt để được thanh toán rẻ hơn. Một vài loại bưởi trông lại rất giống nhau, thường thì chỉ nhân viên ngành hàng mới nhận biết chính xác chứ nhân viên thu ngân hay thanh toán liền. Cuối ngày tổng kết hàng, thu ngân bọn mình lại bị phạt, dần dà rồi bọn mình cũng phải học cách nhận biết cẩn thận để tránh bị khách lừa”, Thùy Dung ngán ngẩm kể lại.
Riêng chuyện khách hàng chen lấn, không chịu xếp hàng khi thanh toán thì không chỉ Thùy Dung mà nhân viên ở các siêu thị khác cũng gặp rất nhiều. Đào Phương từng suýt bị đuổi việc chỉ vì phản đối chuyện khách hàng đến sau nhưng đòi thanh toán trước.
Một lần, cô đang tính tiền cho khách thì một vị khách nam nhoi lên đòi được thanh toán trước vì có ít đồ hơn. Cô đã từ tốn giải thích là phải xếp hàng nhưng vị khách đó vẫn cáu gắt cho rằng, không có luật nào mà người có 3 món đồ lại phải đợi người có đến một xe hàng thanh toán. Đến lúc không thể tranh cãi được nữa, họ quay sang cằn nhằn việc cô thanh toán chậm chạp, làm mất thời gian của khách và yêu cầu quản lý siêu thị đến giải quyết sự việc.
“Một lần khác thì có vị khách nước ngoài xếp hàng khá lâu mới đến lượt nhưng hai bà cháu nhà kia lại chen ngang với thái độ cực kỳ khó chịu. Họ ném bụp túi đồ xuống trước mặt mình nói, người Việt phải ưu tiên người Việt. Mình đang định giải thích thì vị khách nước ngoài kia nhẹ nhàng để đồ lên trước, rồi quay sang nói với bà ấy bằng tiếng Việt là: “Cảm ơn”. Trước đông người như thế, không biết bà ấy có muối mặt không chứ mình thì thấy xấu hổ thay”, Đào Phương kể lại.
Khách hàng "ăn thử đồ bất chấp" mặc cho biển báo "không ăn thử" ngay cạnh (ảnh minh họa)
Một hành vi nữa của khách hàng khiến nhân viên siêu thị ức chế là “ăn thử bất chấp”. Không riêng những loại kẹo bán rời thường xuyên bị “nhón tay ăn thử” mà cả những sản phẩm bán theo lốc hay có biển báo rõ ràng là “không ăn thử”, khách hàng vẫn vô tư xé ra thử trước khi mua.
Thúy An kể, nhà cô làm siêu thị quy mô nhỏ. Cô từng gặp một vị khách nữ vô tư bóc gói dâu sấy nhập khẩu ăn thử gần hết nửa túi rồi chê ỏng chê eo là nhạt, khó ăn và ném lại lên quầy. Dù rất bực bội nhưng vì ý thức được mình làm ngành dịch vụ nên cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Vị khách chẳng những không nhận sai mà còn gắt hỏng đáp lại là khách hàng có quyền thử đồ trước khi mua.
Minh Tuyết là nhân viên giám sát hàng tại siêu thị cũng từng chứng kiến một vị khách nữ có vẻ ngoài sang chảnh đứng ở quầy hàng khô thử hết các khay hàng từ bò khô, gà khô cho đến mực xé, dù ngay cạnh đó là tấm biển “Không được thử”. Người bạn đi cùng tỏ vẻ ngại ngần, định kéo bạn rời đi thì vị khách đó nói: “Không thử sao biết ngon hay không mà mua”.
“Còn có một gia đình đến quầy sữa chua chọn đồ, thấy con đòi ăn, ông bố xé lốc sữa ra, lấy đúng một hũ đưa cho nó, trong khi siêu thị đã ghi rõ là sữa chua chỉ bán theo lốc. Lát sau, mình yêu cầu họ đem cả lốc sữa, cùng cái vỏ kia ra thanh toán thì họ nhất định không chịu. Họ bảo, con họ ăn một hũ thì chỉ thanh toán một hũ thôi rồi đứng ăn vạ, chửi bới lung tung. Cuối cùng, bên mình không tính được tiền và phải hủy hàng cái hũ sữa đó”, Minh Tuyết kể.
Còn rất nhiều hành vi “gai mắt” của khách hàng được nhân viên siêu thị kể lại với sự bức xúc tột cùng. Họ chỉ mong rằng, ở một môi trường hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, nhân viên được học cách cư xử nhã nhặn thì khách hàng cũng có cách mua sắm văn minh.
Không ít vụ ở bẩn kinh hãi của nam, nữ sinh bị chính người thân, bạn cùng phòng, hàng xóm hoặc chủ nhà trọ bóc mẽ.