"Cấm vận" vì chồng lười nhác

Gã đàn ông hay mè nheo, nhỏng nhẽo, lười nhác của tôi năm nay đã 33 tuổi. Thế mà anh vẫn như một đứa con nít.

So với nhiều người, tôi thật có phúc vì được mẹ chồng thương yêu hết lòng. Thậm chí có lần mẹ bệnh, tôi nuôi mẹ ở bệnh viện, mọi người cứ lầm tưởng tôi là con ruột, còn Tuấn là con rể vì thỉnh thoảng anh mới vô thăm mẹ, vô ngồi một chút lại về “vì không chịu nổi mùi của bệnh viện”.

Chồng tôi là con út trong gia đình có đến 5 chị em gái. Chỉ điều đó thôi cũng khiến anh trở thành vàng ngọc không chỉ của ba mẹ mà còn của các chị. Từ bé, Tuấn đã quen được cưng thương, chiều chuộng hết mực dù khi đó nhà chồng tôi cũng không khá giả gì. Trong nhà có thứ gì ngon ngọt, đẹp đẽ, mọi người đều nhường phần cho út. Cứ thế chồng tôi lớn lên như một ông trời con trong sự bảo bọc của ba mẹ và các chị.

Khi chúng tôi mới quen nhau, anh có đề cập chuyện đó nhưng tôi không để ý lắm. Bởi tôi cũng được cưng thương, chiều chuộng nhưng ba mẹ tôi cũng dạy dỗ đàng hoàng, chuyện gì cũng tập làm cho quen chứ không được ngồi chỉ tay 5 ngón, sai người này, khiến người kia. Tôi nghĩ Tuấn cũng thế. Hơn nữa, anh là con trai một, chắc chắn phải được nuôi dạy để sau này thành trụ cột trong gia đình.

Tôi đâu biết đến năm cuối đại học, mẹ và chị vẫn phải bưng đồ ăn sáng vào tận phòng, quần áo thì có người giặt ủi sẵn; thậm chí Tuấn đi xe hết xăng cũng có người đổ cho, xe dơ có người mang đi rửa, thay nhớt; giày dép cởi ra có người lấy xếp lên kệ; ăn cơm xong có người rót nước để ngay trước mặt, tối ngủ có người mắc mùng...Đáng nói hơn là việc ăn uống trong nhà tất cả đều phụ thuộc vào khẩu vị, sở thích của “cậu út”. Út thích ăn gì thì cả nhà phải ăn thứ đó; có khi cả tuần lễ út chỉ thích ăn thịt bò xào, thế là ba mẹ và các chị cũng chỉ được ăn duy nhất món ấy trong 7 ngày!

Những chuyện như vậy, khi mới quen Tuấn, nghe mấy chị kể, tôi không tin, cứ nghĩ mấy chị cường điệu để thử lòng tôi. Chỉ đến khi về ở chung với anh, khi đó mấy chị đã đi lấy chồng, chỉ còn ba mẹ và tôi; đến lúc đó tôi mới té ngửa: Đó chỉ mới là một phần trong những gì mà “cậu út” biểu hiện. Lần đầu tiên thấy Tuấn ngồi lì trong phòng không chịu xuống ăn sáng, tôi chạy lên kêu thì mẹ chồng tôi bảo: “Con cứ ăn đi, để mẹ mang lên cho nó”. Tất nhiên tôi không thể nào để mẹ làm chuyện đó. Tôi bưng lên cho anh và nói: “Anh xuống ăn với ba mẹ và em cho vui chứ, nhà có mấy người mà mạnh ai nấy ăn thì coi sao được?”. Nghe vậy, chồng tôi cười: “Từ từ rồi em sẽ quen thôi mà”.

Nhưng tôi không thể nào quen được. Một tuần lễ, một tháng, một năm rồi ba năm... Sáng sớm tôi thức dậy thì mẹ chồng đã làm đồ ăn sáng với lý do: “Con cứ ngủ cho khỏe, mẹ nấu nướng quen khẩu vị cha con nó rồi”. Tôi không chịu nhưng không có cách gì giành lấy công việc yêu thích này của mẹ chồng. Bữa trưa thì tôi ăn cơm ở công ty, anh về nhà ăn với ba mẹ nhưng thường là ăn một mình vì mẹ nấu riêng cho anh một mâm. Buổi tối, tôi về sớm nhưng cũng chỉ được là chân phụ bếp vì mẹ lại giành phần cơm nước vì “có gì đâu mà mệt? Mẹ làm lặt vặt trong nhà thì cũng coi như tập thể dục thôi mà”. Tôi bất lực nhìn mẹ chồng: “Mẹ ơi, cứ như vầy, mai mốt không có mẹ, tụi con biết làm sao?”. Mẹ chồng tôi cười thật hiền: “Mẹ phải sống một trăm tuổi để ẳm cháu nội chớ không chết sớm đâu mà con lo”.

Tôi cũng cầu như vậy nhưng ông trời không chiều lòng người. Mẹ chồng tôi bị tai biến, sau đó không qua khỏi. Tôi thật sự bị sốc sau biến cố này. Khi đó tôi vừa có thai cháu đầu lòng được 4 tháng. Đối với tôi, mẹ tuy không phải là mẹ ruột, tôi cũng không được sống với mẹ lâu nhưng tình cảm mẹ để lại trong tôi thật khó phai nhòa.

"Cấm vận" vì chồng lười nhác - 1

Không lẽ chẳng có cách gì để “cải tạo” đứa bé ấy trở thành một người đàn ông thực sự hay sao? (Ảnh minh họa)

Hơn nữa, mẹ còn là người lo lắng, chia sẻ với tôi mọi gánh nặng trong gia đình. Không có mẹ, tôi phải làm tất cả, trong đó có việc “hầu hạ ông vua con” là chồng tôi. “Anh à, anh để giày lên kệ dùm em đi”- tôi nhẹ nhàng nhắc khi chồng tôi cởi giày vứt mỗi nơi một chiếc. Anh lấy chân đá cho 2 chiếc giày xích lại gần nhau rồi bỏ vào nhà. “Anh dọn cơm cho ba dùm để em cho con ăn...”- tôi kéo anh khỏi trận bóng đá trên tivi. Anh lấy remode bật tivi to hết cỡ để “dưới bếp cũng nghe được”. Tôi nhờ anh ghé tiệm tạp hóa cạnh nhà mua dùm tuýp kem đánh răng, anh bảo bà chủ tiệm mang qua nhà chứ không chịu cầm về. Có lần tôi bệnh nằm liệt giường, anh xách cặp lồng ra quán mua cơm cho tôi và ba, còn anh thì đi ăn phở. Tôi nhờ anh đưa rước con đi nhà trẻ mấy hôm mình bị bệnh thì anh mang nó qua gởi nhà chị hai...

Nè anh, để em sắm cho anh cái ngai vàng rồi anh leo lên đó ngồi làm vua luôn nghen!”. Có lần bực mình quá, tôi nói với anh như vậy. Anh nhăn mặt: “Sao càng ngày em càng lắm lời như vậy? Hồi mới yêu nhau, em đâu có thế?”. “Nhưng chuyện nhà cửa là chuyện của hai người chớ đâu phải chuyện của riêng em? Em cũng phải đi làm mà?”- tôi bực mình. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm; phân công rồi, cứ vậy mà làm”- anh đứng dậy bỏ đi.

Trời ơi, tôi bó tay thật rồi. Anh cho rằng cái nhà chúng tôi đang ở là của cha mẹ để lại cho anh, vậy là anh đã hoàn thành nhiệm vụ “xây nhà” rồi; mọi thứ còn lại tôi phải làm, phải lo. Nếu cứ như vầy, tôi sẽ tức mà chết! Tôi hết chịu nổi nên cầu cứu các chị. Ngay lập tức mấy chị chạy qua. Nhưng thay vì rầy la em trai mình, họ lại... xuống nước năn nỉ tôi. Nào là “cậu út quen được cưng chiều từ nhỏ”, nào là “nhà chỉ có một mình nó con trai, mấy chị quen nhường nhịn nó rồi...”, nào là “em thương ba, thương mấy chị thì ráng chịu khó một chút”, nào là “em cần gì, mấy chị sẽ làm cho em chớ đừng bắt cậu út làm, tội nghiệp nó, đàn ông con trai mà...”...

Tôi bó thay thật rồi. Tưởng cầu cứu mấy chị sẽ được việc, ai ngờ mấy chị cũng xót em trai nên chỉ nói giúp vào, còn tôi thì ngày ngày vẫn ngập đầu với một núi công việc có tên và không tên. Thật lòng, nếu không có ba chồng tôi thì có lẽ tôi đã bỏ về nhà ba mẹ tôi mà ở cho sướng tấm thân.

Không còn cách nào khác, tôi đành phải “tự cứu” bằng cách “cấm vận” với lý do mệt mỏi, không có hứng thú. Phải công nhận là chồng tôi chuyện gì cũng tệ, chỉ có mỗi chuyện vợ chồng là giỏi giang. Chính vì vậy, khi bị cấm vận, anh bứt rứt, khó chịu; xuống nước năn nỉ ỉ ôi. Nhưng tôi nhất quyết không cho.

Ba hôm trước, tôi ra tối hậu thư: Hoặc là làm chuyện nhà giúp tôi, hoặc là “nghỉ chơi” luôn! Anh xấu hổ đỏ mặt: “Quá đáng! Làm như người ta cần lắm vậy. Cứ thử đi rồi biết ai thiệt thòi. Mai mốt người ta làm gì bên ngoài thì đừng có trách”. Nói rồi anh ngoe nguẩy ôm mền gối xuống đất ngủ.

Tôi nhìn anh nằm chèo queo dưới đất, vừa thấy tội nghiệp, vừa thấy tức cười. Gã đàn ông hay mè nheo, nhỏng nhẽo, lười nhác của tôi năm nay đã 33 tuổi. Thế mà anh vẫn như một đứa con nít. Không lẽ tôi phải sống suốt đời, suốt kiếp với một đứa trẻ lên 3 như vậy sao? Không lẽ chẳng có cách gì để “cải tạo” đứa bé ấy trở thành một người đàn ông thực sự hay sao?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hằng (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN