Cách người trẻ vượt qua áp lực trong cuộc sống
Guồng quay cuộc sống bận rộn khiến cho không ít người trẻ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, có đôi lúc họ tưởng chừng như không thể cân bằng được... Làm gì khi gặp bế tắc trong cuộc sống? Nhiều người trẻ đã chia sẻ “bí quyết” để họ vượt qua áp lực.
Người trẻ đối mặt với nhiều lo lắng (Ảnh minh hoạ)
Bạn Bích Loan, sinh viên năm thứ 2, trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội cho biết, bạn thường rơi vào trạng thái stress kéo dài khi gặp áp lực học hành trước và trong các kì thi. Mỗi lần đến kì thi quan trọng ở trường, bản thân Loan đều vô cùng mệt mỏi khi phải thức đêm học bài. Chuyên ngành Loan theo học là Dược học, vì vậy khối lượng kiến thức rất lớn. Đã có nhiều đêm cô gái nhỏ cố thức trắng đêm học thuộc bảng thành phần rồi tiếp đó lại chạy vội lên trường để kịp giờ học ca sáng.
"Mình hay đặt nặng việc học và mong muốn điểm số cao nên luôn căng mình để hoàn thành mọi thứ thật tốt. Thời gian chủ yếu của mình đều dành cho việc học mà bỏ quên những hoạt động khác. Dần dần, mình bị sút cân, chán ăn và nhiều khi chẳng muốn làm gì nữa cả" - Loan nói.
Khi nhận phản hồi của các bạn về tình trạng hay nóng nảy, sống khép mình của Loan… Cô gái giật mình nhìn nhận lại và thấy rằng mình đã có những thay đổi tiêu cực. Sau khi lên mạng tìm hiểu và tư vấn bác sỹ, cô nàng mới biết mình bị stress.
Loan tập dần với việc dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, dọn dẹp những nỗi lo vô hình không tên. Cô nàng bắt đầu khám phá thêm những sở thích mới của bản thân như làm bánh và chụp ảnh,... "Việc tự khám phá thêm cho bản thân những sở thích mới thực sự rất thú vị. Điều đó sẽ khiến bản thân mình không có thời gian để nghĩ đến những điều tiêu cực. Hơn nữa, trong quá trình theo đuổi một sở thích nào đó, cơ thể sẽ giải phóng ra một loại hoocmon mang tên Endorphin, giúp mình giải tỏa bớt căng thẳng trong việc học và làm giảm đáng kể những suy nghĩ tiêu cực không nên có", Loan chia sẻ.
Học cách bình tĩnh và nghĩ về tương lai
Trần Quang Hùng, học sinh trường THPT Thạch Bàn (Long Biên) cho biết, thời điểm chuẩn bị thi vào lớp 10, cậu cũng đã rất căng thẳng, dưới áp lực của kỳ thi, cùng với việc học liên tục ở trường và sự đốc thúc của bố mẹ, nhiều lúc Hùng tưởng như muốn buông xuôi tất cả, bỏ đi đâu đó để trốn mọi thứ đang bủa vây quanh mình.
“Thời gian đó em áp lực, hay nổi cáu, cãi bố mẹ, thậm chí là bỏ nhà đi lang thang, khiến cả nhà lo lắng… sau này, bố mẹ cũng đã nhẹ nhàng hơn, không còn ép học nữa, tâm trạng em thoải mái hơn và tự thấy trách nhiệm cần phải học.
Bây giờ nghĩ lại lúc đó, em thấy, những lúc bế tắc, bản thân nên dành thời gian để bình tĩnh lại, dành một khoảng lặng để suy nghĩ, hãy nghĩ đến một tương lại tươi đẹp còn chờ mình ở phía trước. Những lúc căng thẳng, ngoài việc đi lang thang, em hay nghe Podcast của những nhân vật truyền cảm hứng. Khi nghe những điều này, em nhận ra rằng, hóa ra mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người trong xã hội, vì vậy, chẳng có lý do gì khiến mình phải ủ dột và bước vào bóng tối của sự tiêu cực nữa”.
Chị Nguyễn Hằng Nga, giáo viên cấp 1 tại Hà Nội tâm sự, người trẻ có nhiều cái hay, có nhiều đột phá nhưng cũng có vô số những áp lực không tên, vượt qua nó không dễ. Tuy nhiên khi chúng ta bình tĩnh lại, nhìn nhận thấu đáo mọi thứ, đánh giá tỉ mỉ và giải quyết nó từ từ thì mọi nút thắt sẽ được tháo gỡ.
“Những lúc bạn thấy áp lực và quá khó khăn, đừng cố làm điều gì, cũng đừng khiến bản thân tiêu cực thêm. Hãy ngủ một giấc để tâm trạng được tĩnh lại. Tôi nhớ đâu đó có câu nói: “Sự bình tĩnh chính là cái nôi của sức mạnh”; “Tâm trí giống như nước. Khi nó hỗn loạn, thật khó để ta nhìn thấu mọi thứ. Khi tâm tĩnh, mọi thứ trở nên rõ ràng”. Vì thế, khi bình tâm, chắc chắn bạn sẽ có những suy nghĩ và có cách sống tích cực hơn, cố gắng làm những việc có ích hơn cho cộng đồng hay ít ra cũng sống có trách nhiệm với bản thân và người thân của mình”, chị Nga nói.
Dành thời gian để cải thiện bản thân
Hãy vượt qua áp lực bằng cách dành thời gian để suy nghĩ, thay đổi bản thân (Ảnh minh hoạ)
Từng không ít lần gặp những áp lực trong công việc và học tập, bạn Vũ Đức, sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, trong thời đại mới 4.0 như hiện nay, người lớn hay người trẻ đều gặp vô vàn những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Vậy, cần làm gì để vượt qua những giai đoạn khó khăn?
“Mình nghĩ trước hết khi áp lực đến với bản thân, chúng ta không nên tự so sánh mình với bạn khác, bởi vì mỗi người đều có những khó khăn, thuận lợi và những ưu nhược điểm riêng. Các bạn chỉ nên so sánh bản thân mình hôm nay với hôm qua xem mình đã phát triển được gì? cái gì cần phải cố gắng vượt qua là tốt nhất?
Hãy cứ xem những khó khăn, thất bại đầu đời chính là thử thách để mình rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai sau này. Ví dụ, làm bài bị điểm kém, thi không qua môn, thất tình…khi gặp những khó khăn như vậy, hãy bình tĩnh dành thời gian xem xét lại mọi thứ xem mình còn thiếu sót điểm nào để cải thiện bản thân”, Đức chia sẻ.
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến áp lực, bế tắc trong cuộc sống của người trẻ. Tất nhiên vụ việc nào cũng có nguyên nhân nhưng đâu...
Nguồn: [Link nguồn]