Cách có bao lâu đâu mà tôi thành đứa mồ côi
Hằng đêm tôi vẫn nhớ má khóc ướt đầm mặt gối. Cách có bao lâu đâu mà tôi đã thành một đứa mồ côi…
Anh hai gọi điện nói: “Bây về rước má lên chơi với mấy đứa nhỏ vài bữa. Coi bộ bà già nhớ tụi nó rồi, cứ nhắc hoài”. Tôi nhìn tờ lịch nhẩm tính rồi lắc đầu: “Anh nói má chờ vài tuần nữa, lúc này em bận lắm, lại sắp đi công tác nước ngoài, rước má lên sẽ không có ai chăm má”.
Hình như anh hai tôi thở dài. Sau đó anh bảo tôi coi thu xếp về đón má lên chơi càng sớm càng tốt vì bây giờ má cũng yếu nhiều rồi, không biết còn đi được nữa hay không? Tôi nghe, thoáng băn khoăn nhưng rồi lại xua đi những ý nghĩ không hay. Má tôi năm nay mới hơn 70, vẫn còn đi đứng, nói năng nhanh nhẹn chớ có bệnh hoạn gì đâu. Thôi, đi công tác về sẽ rước má lên liền…
Tôi nói điều này với ông xã. Anh bảo: “Hay là về rước ngoại lên chơi vài bữa trước khi em đi công tác, chớ ngoại ít khi nào đòi lên như vậy. Em không nhớ hồi trước, lần nào mình cũng phải năn nỉ ngoại mới đi sao?”. Ông xã tôi nói có lý nhưng anh đâu biết rõ công việc của tôi. Lúc cao điểm bù đầu từ sáng tới nửa đêm. Nếu đem mẹ lên mà bỏ mặc cho anh lo thì tôi không đành lòng. Nghĩ vậy mà tôi kiên quyết lắc đầu: “Chắc má nhớ mấy đứa nhỏ nên đòi vậy thôi…”.
Mấy hôm sau tôi gọi điện về cho má. Tôi nói: “Mai con đi công tác rồi, khi nào về, con sẽ rước má lên chơi với tụi con nha”. Tôi chỉ nói vậy rồi nghẹn ngào bởi tôi liên tưởng đến vẻ mặt thất vọng của má. “Ừ, lo công chuyện đi, lúc nào quỡn thì về, má để dành cho tụi bây mấy con vịt xiêm…”- má nói giọng rành rọt khiến tôi cũng yên tâm.
Ở nhà má cưng tôi nhất vì tôi là út. Có cái gì ngon má cũng để dành cho tôi. Hồi tôi mới lấy chồng, cứ vài hôm má lại lên thăm, tiếng là để xem tôi làm dâu ra sao nhưng mấy anh chị tôi nói là do má nhớ tôi, đêm nào cũng khóc, không ngủ được. Tôi đi đâu, làm gì má cũng hỏi, cũng lặn lội tới thăm.
Tới lúc tôi lên Sài Gòn, những ngày đầu cuộc sống còn khó khăn, chỗ ở chật chội, vậy mà má cũng bắt anh hai dẫn lên thăm mỗi tháng một lần. Anh hai cằn nhằn: “Nhà tụi nó chật chội, không có chỗ ngủ, má lên rồi ngủ đâu?”. Vậy là má bắt anh hai đi thật sớm để về kịp trong ngày.
Sau này má bị ngã gãy chân nên yếu đi rất nhiều. Từ đó má không đòi đi nữa mà mỗi lần muốn má lên chơi, tôi phải về rước. Những lần tôi về rước má cứ thưa dần vì công việc cứ cuốn hút. Đôi khi tôi cũng giật mình nhưng rồi lại tự an ủi: “Má vẫn còn khỏe mà…”.
Lần này cũng vậy. Tính ra đã hơn 4 tháng tôi không về thăm má. Lần nào định đi thì cũng vướng chuyện này, chuyện kia. Đến nỗi ông xã tôi bực mình: “Em xin nghỉ phép về thăm má đi; công việc thì làm cả đời chớ có phải ngày một, ngày hai đâu”. Tôi cười trừ, lại hứa rồi lại quên.
Có lần anh thúc quá, tôi quạu: “Má em chớ có phải má anh đâu mà làm dữ vậy?”. Anh nói: “Má em nên anh mới phải nhắc chớ má anh thì nói làm gì? Em không về thăm má, sau này hối không kịp”. Tôi bảo anh nói bậy nhưng trong bụng rất vui vì đã sáng suốt lựa chọn cho má một thằng rể hết ý. Tôi nghĩ, có lẽ đó là một trong những việc tôi làm được trong bổn phận một đứa con để trả hiếu cho ba má…
Tôi vẫn xem mình là một đứa trẻ con trong tình yêu thương của má (Ảnh minh họa)
Đi công tác về, tôi lại lao vào làm báo cáo, triển khai tập huấn cho nhân viên, làm kế hoạch cho đợt chào bán sản phẩm mới của công ty. Tôi không quên lời hứa với má nên gọi điện về cho anh hai: “Anh hai nói với má vài bữa nữa xong việc em về. Em có mua nhân sâm cho má nhiều lắm nè”. Ông anh của tôi cười: “Má trông em chớ có trông nhân sâm đâu, coi thu xếp về rước má lên chơi đi. Hổm rày bà già cứ xé lịch để tính coi em sắp về chưa”.
Má vẫn khỏe, vẫn minh mẫn, biết coi lịch để tính ngày. Vậy là mừng rồi, từ từ thu xếp công việc rồi xin nghỉ phép về rước má lên chơi lâu lâu một chút. Tôi nghĩ vậy và thấy phấn chấn hẳn lên. Tôi lao vào công việc với mục tiêu sao cho sớm hoàn thành mọi thứ để được nghỉ ngơi, chăm sóc mẹ…
Nhưng công việc của tôi chưa xong thì anh hai gọi điện: “Má bị tai biến…”. Tôi nghe hai tai lùng bùng. Buông điện thoại, tôi cúi gằm mặt không dám nhìn ông xã đang đứng ngay trước mặt. Anh nhẹ nhàng bào: “Má bệnh rồi phải không? Em chuẩn bị đồ đạc về đi, để anh xin phép cho”.
Tôi chỉ kịp nhìn má lần cuối cùng trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Ôm chầm lấy má, tôi thảng thốt gọi: “Má ơi, con về rồi nè…”. Hai mi mắt má khẽ động đậy. Tôi mừng quýnh, nghĩ rằng má đã nghe tiếng tôi gọi mà tỉnh dậy sau mấy tiếng đồng hồ hôn mê sâu.
Nhưng tất cả chỉ có thế. Sau đó mặc cho tôi lay, tôi gọi, tôi kêu khóc, tôi năn nỉ, tôi dọa nạt… má vẫn nằm im. Cô bác sĩ trực phòng cấp cứu là người quen của gia đình kéo tôi ra để cấp cứu cho má. Tôi mơ hồ cảm thấy mọi người rầm rập chạy vô, chạy ra… Nhưng mọi nỗ lực đã không có kết quả. Tôi nghĩ má giận tôi nên không chịu trở về…
Tôi biết mình không có tư cách để khuyên nhủ ai điều gì về đạo làm con nhưng nếu ai đó còn có thời gian, còn có điều kiện thì hãy về thăm mẹ. Đúng như ông xã tôi nói, công danh, sự nghiệp, tiền tài chúng ta có cả đời để tìm kiếm nhưng mẹ già thì chỉ có thể ở với ta trong khoảng thời gian được tính từng ngày, từng giờ.
Giờ đây không còn có má bên cạnh để nhắc nhở tôi phải ăn, phải ngủ dù tôi đã là “một đứa trẻ lớn đầu”. Giờ đây, tôi chỉ còn lại những hoài niệm về má trong những ngày tháng Bảy khi Vu Lan về. Giờ đây, tôi vẫn chưa tin mình là một đứa trẻ mồ côi. Vâng, tôi vẫn xem mình là một đứa trẻ con trong tình yêu thương của má.
Mới cách đây chưa bao lâu, má còn dặn dò, nhắn nhủ. Mới cách đây chưa bao lâu tôi còn hứa hẹn đủ điều để rồi lại thất hứa như bao nhiêu lần trước đây. Quà cho má tôi vẫn để trên bàn làm việc mỗi ngày để nhắc mình đừng bao giờ chậm trễ đối với những việc mà thời gian không cho phép quay về.
Giờ đây, hằng đêm tôi vẫn nhớ má khóc ướt đầm mặt gối. Cách có bao lâu đâu mà tôi đã thành một đứa mồ côi…