Vì sao dân mạng dễ bị mắc lừa?
Blogger Truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long giải thích vì sao cư dân mạng dễ "cắn câu" thông tin lừa.
Thông tin sai, thông tin “chế” ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Trước những thông tin đó, rất nhiều dân mạng không đủ tỉnh táo để nhận biết, nên tin tưởng và nhiệt tình chia sẻ, giúp chúng lan truyền nhanh hơn.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Ngọc Long - một blogger truyền thông xã hội, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Gần đây có rất nhiều thông tin thất thiệt được tung lên mạng khiến cư dân mạng hoang mang, điển hình là việc tung tin dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam. Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông, anh đánh giá như thế nào về hệ lụy của nó?
Tuỳ từng trường hợp mà việc “tung tin" như vậy sẽ gây ra các hệ luỵ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, tôi thấy các tin đồn dạng này sẽ khiến mọi người bị khủng hoảng niềm tin. Như vậy gây khó khăn trong công tác truyền thông trên môi trường mạng xã hội.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều chi phí truyền thông, họ buộc phải khai thác mạng xã hội như một “cứu cánh”. Cho nên, việc tung tin khiến môi trường này mất đi sự tin tưởng, chẳng khác nào đập bể nồi cơm, chặn đường sống của các doanh nghiệp như đã nói.
Đã có nhiều năm làm truyền thông, anh có thể chia sẻ thêm cho độc giả một số câu chuyện về tin đồn thất thiệt và tác động tiêu cực của nó?
Đã từng có tin đồn về việc bimbim có đỉa, ăn bưởi gây ung thư, nước hủ tiếu ninh bằng chuột cống… Hệ quả của tin đồn đó là làm cho cuộc sống của bao nhiêu người dân phải điêu đứng. Không chỉ người bán điêu đứng mà người mua cũng điêu đứng vì hoang mang không biết phải làm sao, lựa chọn thực phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn. Phần lớn, các bà nội trợ đều chọn phương án “không ăn” cho… chắc.
Thử nghĩ xem, người dân nghèo họ đâu có tiền để vào ăn tại các khách sạn 5 sao hay các nhà hàng sang trọng – nơi có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm? Họ buộc phải ăn uống ở lề đường. Bây giờ tung tin như thế, họ có đói cũng chẳng dám ăn, hoặc phải bấm bụng đi ăn ở những nơi vượt quá khả năng tài chính của họ. Như vậy là tội lắm.
Khi tư vấn cho một doanh nghiệp nhập khẩu trái cây Úc, tôi nghe họ kể tình cảnh thấy rất thương tâm. Đó không hẳn là tin đồn nhưng cũng chẳng khác tin đồn là mấy. Đó là thông tin “thị trường đang tràn ngập trái cây Trung Quốc”. Chẳng biết đơn vị đo lường “tràn ngập” là được tính thế nào?
Thí dụ ngoài thị trường có 1000 hàng trái cây thì bao nhiêu trong số đó là trái cây Trung Quốc? Không ai kiểm chứng, chẳng ai công bố thông tin nhưng mọi người chỉ cần biết “tràn ngập” tức là… nhìn đâu cũng thấy nghi ngờ. Thế là sức mua giảm sút, thị trường lao đao. Doanh nghiệp đó mỗi tháng lỗ vài ba tỉ trong suốt nửa năm trời mà loay hoay không tìm ra cách nào để người dân tin tưởng.
Anh Nguyễn Ngọc Long - một blogger truyền thông xã hội
Theo anh, những người “chế tin” hoặc tung tin thất thiệt như vậy thường là những đối tượng nào? Mục đích của họ là gì?
Có những người tung tin đồn để kiếm lợi cho bản thân họ. Có người thì tung tin để cho vui. Cũng có người thì do hiểu biết hạn chế nên vô tình đưa tin sai, thì cũng coi như một dạng tung tin thất thiệt.
Gần đây facebook rộ lên các kiểu “câu like”, thì xuất hiện thêm dạng tung tin để thu hút sự chú ý của những người khác trên facebook nữa.
Tôi thấy, ngoại trừ trường hợp nhận thức hạn chế hoặc không có khả năng thẩm định thông tin nên bị đưa tin sai lệch thì các trường hợp khác đều vô cùng đáng trách.
Có ý kiến cho rằng, một số người Việt trẻ thiếu tư duy độc lập, dễ cuốn theo bây đàn nên mới dễ bị “lừa” như vậy? Ý kiến của anh thế nào?
Tôi cũng cho rằng, việc không suy nghĩ độc lập khiến cho một số bạn trẻ hay bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông. Nhưng lý do quan trọng hơn tôi lại nghĩ là các bạn thiếu tư duy phản biện. Môi trường giáo dục, văn hóa và lối sống của chúng ta chưa khuyến khích các bạn rèn luyện tư duy phản biện từ khi còn bé và càng lớn lên thì điều này càng tạo ra những hậu quả nặng nề.
Thí dụ, trẻ con không được giải thích cặn kẽ tại sao phải ngủ trưa? Tại sao phải rửa tay trước khi ăn? Tại sao phải đến trường? Tại sao gặp người lớn lại phải chào?... Trẻ con thường được giải thích rằng, phải làm thế vì bố mẹ, ông bà bảo thế. Hoặc là xung quanh ai ai cũng thế, không nên tìm gì đó khác thường sẽ bị số đông cười nhạo.
Hoặc trong khi học, thầy cô giáo cũng hay nói rằng: “em thử nhìn lại mình đi, xung quanh em có ai như vậy không?”. Dần dà, những kiểu giải thích, áp đặt như vậy hình thành nên suy nghĩ “số đông luôn đúng”.
Các bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ như vậy thì dễ dàng chấp nhận luồng ý kiến của số đông hoặc bị ảnh hưởng nặng nề. Họ không cho phép bản thân cơ hội đặt ngược lại câu hỏi nghi ngờ “Liệu điều số đông đang nói ấy có đúng hay không?".
Thông tin "Tràn ngập trái cây Trung Quốc" ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả (Ảnh minh họa)
Dường như sự phát triển của các mạng xã hội cũng là một điều kiện để các thông tin “chế” hoành hành, anh có nghĩ như vậy không? Và theo anh, còn có những tác nhân, điều kiện nào khác nữa?
Đúng thế, môi trường mạng xã hội rất phức tạp. Tính ẩn danh của mạng xã hội cũng cao, thế nên người ta vô tư thái quá. Thêm một điều nữa là chưa có nhiều trường hợp bị xử phạt nặng tay khi tung tin lên mạng xã hội để làm gương.
Bên cạnh đó là thái độ thờ ơ của một số người. Nếu chúng ta - chính mỗi người tham gia mạng xã hội, đều tích cực lên án và kiên quyết tẩy chay những kẻ tung tin nhảm nhí như vậy thì tự khắc tình trạng này cũng giảm thiểu đi nhiều. Bởi vì, đặc trưng của mạng xã hội là hành xử theo các nguyên tắc cộng đồng nên chỉ có dựa vào sức mạnh cộng đồng mới giải quyết được các vấn đề của cộng đồng một cách hiệu quả nhất mà thôi.
Môi trường thông tin không minh bạch cũng giúp thông tin "lừa đảo" dễ tồn tại. Ví dụ như thông tin dịch sởi lúc đầu không rõ ràng khiến nhiều người cảm thấy không tin tưởng vào cơ quan y tế? Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?
Tôi đồng ý. Khi không tin không minh bạch thì một số nguồn tin nào đó sẽ bị che giấu mà đại đa số người bình thường không thể tiếp cận, thí dụ, vì lý do “nhạy cảm”. Khi không đủ các thông tin cần thiết để có cái nhìn đa chiều thì việc thẩm định trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cảm ơn những chia sẻ của anh và chúc anh thành công hơn nữa trong sự nghiệp!
Phần 1: "Cư dân mạng" Việt rất dễ bị lừa
Trước những thông tin "ảo" tràn lan trên mạng xã hội, đòi hỏi dân mạng luôn phải có một cái đầu "tỉnh". Vậy, làm sao để nhận biết được các dấu hiệu của thông tin lừa đảo? Mời các bạn hãy đón đọc phần tiếp theo vào 10h00 ngày 22/8/2014. |