“Chúng ta còn nhiều thời gian nhưng cha mẹ thì không”. Có bao nhiêu người kịp nhận ra điều này trước khi quá muộn? Có bao nhiêu người đã phải nói “giá như”, giá như cha mẹ ở bên ta lâu hơn hoặc giá như ngày cha mẹ còn sống, ta đã về bên họ nhiều hơn, yêu thương và báo đáp nhiều hơn?
Một khảo sát ở Trung Quốc chỉ ra rằng, nếu mỗi năm bạn về nhà 7 ngày dịp Tết Nguyên đán, dành nhiều nhất 11 giờ mỗi ngày bên cha mẹ. Nếu cha mẹ bây giờ 60 tuổi, giả sử họ sống đến 80, bạn chỉ có thể ở bên họ 1.540 giờ, tương đương với 64 ngày.
Một độc giả trên trang KKnews từng chia sẻ, anh quê Hồ Nam, mỗi năm về nhà 2 lần, mỗi lần 4 ngày. Anh nhẩm tính, trừ đi khoảng thời gian xã giao với bạn bè, ăn ngủ, vui chơi, mỗi lần về thăm nhà chỉ còn lại 1 ngày bên cha mẹ. Nếu cha mẹ anh sống khoảng 20, 30 năm nữa thì anh chỉ còn ở bên họ 20 đến 30 ngày. Anh thốt lên: "Nghĩ đến tôi thấy đau lòng".
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (trích thơ “Con cò” của Chế Lan Viên). Cha mẹ luôn ở bên ta, dõi theo ta, dành cho ta những điều tốt đẹp nhất. Nhưng chúng ta thì khác. Ở mỗi độ tuổi, chúng ta lại có những mối bận tâm khác nhau: chuyện học hành, công việc, tình yêu, những mối quan hệ xã hội… Chúng ta dành tình yêu, sự quan tâm nhiều hơn cho người yêu, vợ/chồng, con cái… và tình yêu với cha mẹ gần như bị lắng xuống, lùi bước về sau.
Chúng ta bận rộn với mạng xã hội và coi đó là nơi có thể trút bầu tâm sự, nhận được những lời khích lệ, động viên. Chúng ta mải mê bươn chải ngoài xã hội mà quên mất cha mẹ vẫn ở nơi ấy, hằng ngày mong ta trở về. Chúng ta luôn nhẩm tính rằng, cha mẹ còn ít nhất 20, 30 năm nữa ở bên ta mà quên rằng “đời người ngắn ngủi, thế sự khó lường”. Cha mẹ vẫn rất khoẻ mạnh và bình yên, cho đến một ngày chúng ta nhận được cú điện thoại bất ngờ, thì chỉ còn lại nỗi đau xót và ân hận.
Ngày 25 âm lịch bố gọi điện.
- Bố: Thế khi nào cho bọn trẻ xuống?
- Con gái: 30 Tết con xuống.
- Bố: Xuống sớm đi, dịch căng lắm rồi, không khéo lại không đến được đâu.
- Con gái: Bố yên tâm.
- Bố: Thế thôi nhớ, à này…
Máy đã ngắt.
Không ngờ, đó lại là cuộc gọi cuối cùng bố gọi cho tôi. Bố vẫn còn điều muốn nói, vậy mà tôi lại vội vàng tắt máy. Ngày 27 âm lịch, bố bị tai biến, không nói được và liệt nửa người. Rồi sức khoẻ bố yếu dần đi. Ngày 16/1, bố ra đi mãi mãi.
Nếu ngày hôm đó tôi gọi lại thì đã biết bố nhắn thêm điều gì. Nếu như thay bằng những cuộc gọi nhỡ của bố là những cuộc gọi đi của tôi thì bố đã vui biết mấy. Còn rất nhiều cái “nếu như”… nhưng bố không thể sống lại cho tôi sửa sai được. Chỉ mong bố an nghỉ và có kiếp sau vẫn xin được làm con gái bố.
Ngày bố tôi qua đời vì tràn dịch phổi, tôi vẫn ở Đài Loan. Nhận cuộc gọi từ mẹ, nghe tiếng mẹ khóc nấc, tôi chỉ biết đứng đó, bất lực. Dịch COVID-19 khiến tôi không thể về bên bố những ngày cuối đời, đến ngày bố mất cũng không thể chống gậy đưa tang. Tôi thấy mình quá thất bại ở vai trò làm con.
Tôi có tròn trĩnh 18 năm kề cạnh bên bố mẹ. Vào đại học, mỗi năm tôi chỉ về nhà 4, 5 lần mà mỗi lần về chỉ xem nhà như chỗ trọ, về để ngủ. Tôi còn bận đi thăm thầy cô, tụ tập bạn bè, hẹn hò yêu đương và tìm kiếm những niềm vui khác. Bố mẹ thì luôn ở đó, khi nào về mà chẳng được.
Tốt nghiệp đại học, tôi sang Đài Loan học thạc sĩ. Số lần về thăm bố mẹ càng ít hơn. 5 năm trở lại đây, thời gian tôi ở nhà nhiều nhất có lẽ là khi làm đám cưới. Đem vợ con sang xứ người xây dựng cuộc sống mới, tôi gần như quên mất mình còn quê, còn bố mẹ. Dịp Tết có khi còn lập kế hoạch đi du lịch thay vì về nhà.
Tôi hối hận vô cùng. Việc đi học, lập nghiệp xa nhà có thể là lựa chọn không tránh khỏi nhưng tôi có thể gọi điện cho bố mẹ nhiều hơn, quan tâm đến họ nhiều hơn thay vì gửi cho họ vài triệu một tháng đã coi như xong trách nhiệm. Sự hối hận này sẽ theo tôi cả cuộc đời.
Từ ngày ra Hà Nội học và làm tôi bỏ lỡ rất nhiều cuộc gọi của mẹ. Mẹ quá phiền phức, luôn gọi điện vào lúc tôi đang ăn cơm trưa, ngủ trưa, hoặc đang học, làm việc hoặc lái xe chỉ để nhắc tôi ăn ngủ đúng giờ, bớt xem điện thoại hay hỏi mấy câu vẩn vơ như: “Hà Tĩnh mưa gió quá, con đi làm về chưa”, “Đi ngủ nhớ khoá cửa kỹ vào”, “Tiền nong cất giữ cẩn thận”…
Sau này, khi được tôi nhắc nhở, mẹ mới bớt gọi hơn hoặc biết giờ nào nên gọi, giờ nào không. Đôi khi thấy cuộc gọi nhỡ của mẹ, tôi cũng chẳng vội gọi lại vì nghĩ, chắc lại là mấy câu hỏi xưa như diễm thôi mà. Tôi cũng sẵn sàng nhấn máy bận khi thấy cuộc gọi của mẹ hoặc để điện thoại im lặng để khỏi bị làm phiền.
Một ngày, bố nhắn tin cho tôi: “Mẹ con canh điện thoại 30 phút rồi, chỉ để đợi đến giờ gọi cho con. Hoá ra, bây giờ bố mẹ muốn gọi cho con cũng phải lựa giờ con rảnh, lựa lúc con thích nghe máy à?”. Một nỗi hổ thẹn và tội lỗi xâm chiếm lấy tôi. Bố lạnh lùng, ít nói là thế mà cũng không kiềm chế được cơn giận trước sự vô tâm, hời hợt của con cái. Tôi biết mình sai rồi.
Nhà là nơi để về, là chốn bình yên cho mỗi người dừng chân. Thế nhưng, khi cha mẹ không còn nữa, ta sẽ nhận ra rằng, ngay cả chốn bình yên nhất cũng không phải mãi mãi. Chỉ mong, mỗi người con đừng bao giờ hững hờ trước cha mẹ, hãy tranh thủ từng ngày cha mẹ còn ở bên mình để dành cho họ những yêu thương ngọt ngào và ấm áp nhất.