Bóng ma ám ảnh cuộc hôn nhân của chúng tôi
Như kẻ tâm thần, không có công ăn việc làm, bị tình nhân ruồng bỏ, tôi có cảm giác chị ta như bóng ma ám ảnh cuộc hôn nhân của chúng tôi…
Cuộc hôn nhân của họ kéo dài 5 năm thì có đến 3 năm Hải Phượng ngoại tình. Nghĩa là khi bé Lan Vy chưa đầy 1 tuổi thì mẹ nó đã theo người đàn ông khác, bỏ cha con nó một mình.
Những điều này tôi nghe Hùng kể. Tôi sẽ không tin nếu lúc đó không có mặt Hải Phượng và chị ta thừa nhận điều này. Biết là không thể hàn gắn nên họ chia tay. Ra tòa, Hải Phượng “nhường” phần nuôi con cho chồng với lý do “chồng sắp cưới của tôi không chấp nhận con bé. Hơn nữa, nó cũng đã quen sống với cha từ nhỏ”.
Vậy là Hùng tiếp tục ôm con nuôi nấng chăm sóc, làm thay bổn phận của mẹ. Khi tôi gặp anh, con bé 7 tuổi, đã vào lớp hai. Cháu lạnh lùng, thụ động. Thoạt đầu tôi không có ấn tượng gì nhưng càng tiếp xúc, tôi càng thấy thương con bé. Cháu không có bàn tay chăm sóc của mẹ từ nhỏ nên suốt ngày cứ thui thủi, vào lớp cũng không có bạn bè. Tôi quyết định sẽ làm bạn với cháu. Vậy là hai cô cháu tôi đã có mối quan hệ khá tốt trước khi chúng tôi cưới nhau.
Tôi thật lòng yêu thương con riêng của chồng chứ không phải chỉ làm ra vẻ để lấy lòng nhà chồng. Cho đến khi tôi có con thì mọi chuyện vẫn không thay đổi. Do không có nhiều thời gian như trước nên tôi nhờ một anh xe ôm gần nhà đưa đón cháu đi học.
Mọi việc vẫn ổn cho đến khi Hải Phượng quay về. Chị ta nói đã ly dị người chồng sau và muốn đem bé Lan Vy về nuôi. “Bây giờ cô đã có con riêng với ổng nên chắc gì cô thương con tôi?”- Hải Phượng nói với tôi như vậy. Hùng không muốn xa con nhưng ngày nào vợ cũ của anh cũng đến nhà kiếm chuyện. Cuối cùng anh phải cho cháu về ở với mẹ. Trước khi đi, anh nói với con: “Đây là nhà của con, bất cứ lúc nào con muốn về thì ba sẽ đón”. Con bé ôm chầm lấy ba, khóc nức nở khiến tôi cũng mủi lòng.
Lan Vy về với mẹ được 3 ngày thì Hải Phượng gọi cho Hùng: “Tôi bận việc nên từ mai anh tới đưa con đi học”. Khoảng cách từ nhà chúng tôi sang chỗ mẹ con Lan Vy là gần 20 cây số, chị ta nghĩ sao mà bắt Hùng phải đưa đón? Tôi nghe anh bảo: “Nhờ xe ôm đưa rước nó chứ anh không có thời gian”.
Sau một hồi “thương lượng” cuối cùng Hải Phượng ra giá: “Mỗi ngày anh phải chi 500.000 đồng tiền xe ôm đưa rước con”. Tôi nghe mà bực mình. Chị ta đem con về thì phải chịu trách nhiệm đưa rước nó đi học chớ sao lại còn vòi vĩnh, mè nheo, làm khó chồng tôi?
Nhưng Hùng đã đồng ý. Vậy là hằng tháng, ngoài tiền cấp dưỡng nuôi con, Hùng phải tốn thêm tiền xe ôm đưa rước con đi học. Được chừng một tháng, Hải Phượng lại gọi điện thoại cho Hùng. Chị ta nói Lan Vy phải học thêm Anh văn và yêu cầu chồng tôi phải chi trả khoản học phí cùng tiền xe ôm đưa đón, tổng cộng gần 3 triệu đồng mỗi tháng.
Tôi nhìn vẻ mệt mỏi của anh mà thấy thương xót vô cùng (Ảnh minh họa)
Câu chuyện giữa họ với nhau, tôi nghe hết vì Hùng bật loa điện thoại. Anh không muốn giấu tôi bất cứ điều gì. Tôi nghe giọng Hải Phượng trong điện thoại mà điên cả người. Chồng tôi phải làm quần quật từ sáng đến tối mới đủ ăn chứ có phải đại gia đâu mà chị ta bòn tiền? Tôi bảo Hùng “Để em nói chuyện với Hải Phượng”. Nhưng chồng tôi gạt đi: “Em nói với cô ấy làm gì cho thêm bực mình. Để anh”.
Cuối cùng chồng tôi cũng chấp nhận yêu sách mới của vợ cũ. Anh chi thêm 3 triệu mỗi tháng vào chuyện học hành của con. “Anh không muốn Hải Phượng gây phiền phức. Đây cũng là chuyện phải làm, em thông cảm cho anh”- chồng tôi buồn bã nói.
Tôi nhìn vẻ mệt mỏi của anh mà thấy thương xót vô cùng. Càng thương anh bao nhiêu, tôi càng ghét chị vợ cũ của anh bấy nhiêu. Đúng là một người đàn bà vô liêm sỉ. Cầu trời cho chị ta đừng xuất hiện trong cuộc sống của chúng tôi…
Nhưng mọi thứ tạm ổn chỉ được 1 năm. Chuẩn bị vào năm học mới, Hải Phượng đến tận nhà nói với Hùng: “Năm nay tôi cho con bé học trường quốc tế. Anh liệu mà chuẩn bị học phí”. Tôi nghe chị ta nói mà lùng bùng lỗ tai. Học phí ở trường quốc tế được tính bằng ngoại tệ, chồng tôi lấy đâu ra ngần ấy tiền để lo cho con? “Thì bán nhà đi. Cái nhà này hồi trước mua bằng tiêu chuẩn của tôi mà”- Hải Phượng vênh mặt.
Ra là vậy. Ý đồ của chị ta là muốn vòi tiền từ căn nhà mà chồng tôi đã nai lưng làm để trả góp gần chục năm qua. Tôi bực quá nói chen vào: “Bán nhà thì ở đâu?”. Hải Phượng hất hàm: “Ở đâu là chuyện của các người, không phải chuyện của tôi. Nội trong tuần này phải đóng tiền đầu năm học cho con bé, tổng cộng 6 ngàn “đô”, anh làm sao đó thì làm”.
Tôi nhìn vẻ mặt thiểu não của chồng tôi mà chỉ muốn tát vào cái mặt trâng tráo kia mấy cái. Cố gắng kềm nén, tôi bảo Hải Phượng: “Chị trả con bé về đây cho chúng tôi, đừng lợi dụng nó để làm tiền anh Hùng nữa”. Hải Phượng nhếch mép: “Đâu có dễ như vậy? Nếu không có mẹ con cô thì tất cả mọi thứ anh Hùng làm ra sẽ thuộc về mẹ con tôi. Phải chia sớt nên thấy đau lòng hả?”. Tôi không chịu đựng nổi nên hét lên: “Chị cút khỏi nhà chúng tôi ngay, đồ vô liêm sĩ. Nếu chị còn quấy rầy anh ấy thì đừng có trách tôi…”.
Khi nói điều này, tôi đã nghĩ đến chuyện thuê xã hội đen dằn mặt chị ta. Thế nhưng Hùng đã ôm tôi lại: “Em đừng nóng, đây là chuyện riêng của anh với cô ấy. Anh sẽ có cách giải quyết”. Quay sang Hải Phượng, anh bảo: “Cô về đi, mọi chuyện sẽ tính sau nhưng tôi nói cho biết, không có trường quốc tế, quốc tiếc gì cả”. Vừa nói, anh vừa kéo tay Hải Phượng, đẩy chị ra ra ngoài. Hải Phượng kêu toáng lên: “Anh tưởng làm như vậy là hay hả? Cứ chờ rồi xem”.
Điều chúng tôi bất ngờ nhất là chị ta bắt Lan Vy nghỉ học. Con bé lén gọi điện thoại cho tôi: “Con muốn về với ba má. Má nói ba qua rước con về đi. Ở bên này, mẹ đi suốt ngày, về tới nhà là chửi mắng, nói xấu ba má. Bây giờ lại đổ thừa ba không cho con đi học”. Tôi nghe con bé khóc tức tưởi mà thấy lòng dạ rối bời. Dù cháu là con riêng của chồng nhưng tình cảm giữa chúng tôi rất tốt.
Tôi rất muốn đón cháu về nhưng không biết phải làm sao? Tôi sợ mẹ cháu lại quậy phá. Chị ta bây giờ như kẻ tâm thần, không có công ăn việc làm, bị tình nhân ruồng bỏ, chẳng biết bấu víu vào đâu… Tôi có cảm giác chị ta như bóng ma ám ảnh cuộc hôn nhân của chúng tôi và không biết phải làm sao để dứt bỏ nỗi ám ảnh đó…